09:42 02/10/2007

UNDP công bố Top 200 doanh nghiệp Việt

Tuấn Hùng

UNDP vừa công bố báo cáo "Top 200: Chiến lược công nghiệp của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam"

Danh sách Top 200 doanh nghiệp của UNDP được dựa trên xếp hạng các doanh nghiệp trong khảo sát doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê.
Danh sách Top 200 doanh nghiệp của UNDP được dựa trên xếp hạng các doanh nghiệp trong khảo sát doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê.
UNDP vừa công bố báo cáo "Top 200: Chiến lược công nghiệp của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam".

Trong báo cáo này, ngoài việc đưa ra danh sách 200 doanh nghiệp lớn nhất (bao gồm cả nhà nước, tư nhân và nước ngoài) tại Việt Nam, báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng đưa ra danh sách Top 200 doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam, được xếp hạng theo các tiêu chí: nguồn lao động, tài sản, doanh thu và mức thuế nộp cho nhà nước.

Theo những tiêu chí này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) được xếp hạng là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Các vị trí tiếp theo trong 10 doanh nghiệp hàng đầu thuộc về Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsopetro và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Tập đoàn Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), Bưu điện Tp.HCM, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Nhìn vào danh sách Top 200 doanh nghiệp "nội", có thể thấy các doanh nghiệp lớn của nước ta vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Và cũng theo điều tra của UNDP, công nhân viên tại các doanh nghiệp này chiếm gần 30% công nhân viên trong các cơ quan nhà nước.

Khi so sánh các doanh nghiệp lớn có tên trong Top 200, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, ông Jonathan Pincus cho hay theo cách đánh giá quốc tế thì các doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam cũng mới chỉ gần tương đương với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của thế giới.

Vậy khi nào Việt Nam có những doanh nghiệp đạt được tầm cỡ của thế giới? Đại điện của UNDP cho rằng phải còn rất lâu nữa. “Tuy nhiên, điều quan trọng với doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn tầm quốc tế không nằm ở quy mô lớn mà lợi nhuận cao, kinh doanh hiệu quả mới là mấu chốt của doanh nghiệp Việt Nam”, đại diện của UNDP phân tích.

3 chiến lược lớn của doanh nghiệp Việt

Báo cáo năm nay của UNDP cũng nhận xét các doanh nghiệp Việt Nam đang thích ứng và ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn.

Tại lễ công bố báo cáo tổ chức vào sáng 1/10 ở Hà Nội, ông Jago Penrose, nhà phân tích chính sách tài chính của UNDP, cho biết : "Qua quá trình phỏng vấn các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy họ đã áp dụng 3 chiến lược lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Đó là cải thiện các hoạt động kinh doanh chính, đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu và đa dạng hoá các hoạt động kinh doanh như bất động sản, du lịch, đầu tư vào các thị trường vốn đang lên khác".

Nhưng theo nhận xét của chuyên gia này, thành công của các chiến lược trên còn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận với các công nghệ, vào nguồn nhân lực có tay nghề, các lĩnh vực kinh doanh mới của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ví như, lao động Việt Nam được nhìn nhận là chăm chỉ và có khả năng đào tạo cao, song nhiều doanh nghiệp vẫn không hài lòng với chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Việt Nam. “Tình trạng này đã dẫn đến một hệ quả là các doanh nghiệp buộc phải bỏ thêm chi phí để đào tạo các nhân viên của mình, nhưng lại không giữ lại được họ”, một đại diện UNDP nói.