14:26 30/10/2023

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi, chẩn đoán ung thư đại tràng

Hoàng Hà

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật đã xây dựng phần mềm AI phát hiện polyp trong đại tràng và phân loại polyp có khả năng gây ung thư. Theo nghiên cứu, AI có độ chính xác cao trong phát hiện các tổn thương …

GS.TS.BS Đào Văn Long trình bày tại Hội nghị khoa học “Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hoá và gan mật”
GS.TS.BS Đào Văn Long trình bày tại Hội nghị khoa học “Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hoá và gan mật”

Nội soi đường tiêu hóa là một kỹ thuật thăm dò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý của đường tiêu hóa cũng như sàng lọc ung thư đường tiêu hóa. Tuy nhiên, các tổn thương cũng có thể bị bỏ sót trong quá trình nội soi. Do đó, việc phát triển các kỹ thuật mới để hỗ trợ phát hiện và phân loại tổn thương này trong quá trình nội soi là rất cần thiết.

Tại Hội nghị khoa học với chủ đề: “Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hoá và gan mật” do Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cùng với Phòng khám Đa khoa Hoàng Long tổ chức sáng 29/10/2023, nhiều thông tin khoa học về y tế đã được cập nhật, mang tính ứng dụng cao trên thế giới và tại Việt Nam trong những năm tới.

Tại Việt Nam, ung thư đường tiêu hóa cũng gây gánh nặng bệnh tật lớn. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân đông, số ca nội soi trong một ngày của các đơn vị nội soi còn lớn, cũng như có sự khác biệt về chất lượng hệ thống nội soi giữa các cơ sở y tế. Các yếu tố này có thể làm tăng tỉ lệ bỏ sót tổn thương đường tiêu hóa. 

NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG AI ĐỂ PHÁT HIỆN TỔN THƯƠNG TIỀN UNG THƯ HOẶC TỔN THƯƠNG UNG THƯ SỚM

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là một hướng nghiên cứu tiềm năng và công nghệ này cũng đang không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Trong nội soi tiêu hóa, hướng ứng dụng của AI chủ yếu tập trung vào đánh giá quá trình nội soi, phát hiện và phân loại tổn thương.

Đối với đường tiêu hóa trên, các hướng nghiên cứu AI tập trung về phát hiện tổn thương tiền ung thư hoặc tổn thương ung thư sớm như Barrett thực quản, ung thư thực quản, ung thư dạ dày. Nghiên cứu cho thấy AI có độ chính xác cao trong phát hiện tổn thương tân sinh ở dạ dày, Barrett thực quản, ung thư biểu mô vảy thực quản và tình trạng nhiễm H.p. Một nghiên cứu tổng quan hệ thống khác đánh giá hiệu quả của AI trong phát hiện tổn thương thực quản cũng báo cáo kết quả tương tự. 

GS.TS.BS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu & Đào tạo tiêu hóa, gan mật, cho biết Viện đã và đang có các hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào công tác chẩn đoán và điều trị. Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cũng đã có các đề tài cấp nhà nước liên quan đến phát triển AI. Ngoài ra, Viện cũng tham gia đồng thử nghiệm một đề tài với VinIF trong xây dựng thuật toán AI. 

Theo đó, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật đã thành công trong việc xây dựng phần mềm AI phát hiện polyp trong đại tràng và phân loại polyp có khả năng gây ung thư. Viện cũng đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng phần mềm ứng dụng AI vào điều trị các tổn thương của đường tiêu hóa trên. Ngoài việc tự nghiên cứu xây dựng các phần mềm ứng dụng AI, Viện cũng tìm hiểu và nghiên cứu ứng dụng các phần mềm AI của các nước khác, so sánh với sản phẩm mà Viện đã xây dựng để học hỏi và hoàn thiện hơn. 

GS.TS.BS Đào Văn Long là một chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu hóa, gan mật và là một trong những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam về lĩnh vực này. Theo GS.TS.BS Đào Văn Long, ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh là bước chuyển rất quan trọng của ngành y tế, mang lại nhiều ích lợi to lớn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực y bác sỹ rất khó khăn và mất nhiều thời gian, để có 1 bác sỹ có thể thực hiện nội soi tốt phải mất quãng thời gian khoảng 10 năm. Mặc dù vậy, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh khi nội soi vẫn còn cao. Khi ứng dụng công nghệ AI, tỷ lệ bỏ sót chỉ khoảng 1-2%. 

“Đấy là một bước tiến rất lớn và mang nhiều ý nghĩa trong ngành y tế, giúp khả năng đồng đều về mức độ chẩn đoán giữa các tuyến được gần nhau hơn”, GS.TS.BS Đào Văn Long nói.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ, HỖ TRỢ BÁC SỸ VÀ BỆNH NHÂN TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ

Ngoài các nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán và điều trị, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật còn ứng dụng số, xây dựng các app trên smartphone hỗ trợ bệnh nhân và bác sỹ trong quá trình điều trị. Hiện tại, Viện đã có ứng dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về tiêu hóa.

“Soi đại tràng là một việc rất thường quy trong tiêu hóa, và muốn soi đại tràng, bệnh nhân cần làm sạch đại tràng nhưng quy trình uống thuốc làm sạch đại tràng khá phức tạp, vì thế các bác sỹ đã xây dựng ứng dụng để hỗ trợ bệnh nhân như nhắc nhở giờ uống thuốc, giải đáp thắc mắc”, GS.TS.BS Đào Văn Long nói và cho biết gần đây Viện cũng xây dựng thêm ứng dụng quản lý bệnh nhân trào ngược dạ dày, thực quản.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Đào Việt Hằng  cho rằng về kỹ thuật, các chuyên gia Việt Nam không thua kém các nước
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Đào Việt Hằng  cho rằng về kỹ thuật, các chuyên gia Việt Nam không thua kém các nước

Hiện cả hai phần mềm đã có mặt trên kho ứng dụng iOS và Android và đã có gần 1.000 người sử dụng. Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Đào Việt Hằng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật, đã có một số nghiên cứu được tiến hành cho thấy người bệnh rất hài lòng với các ứng dụng vì được nhắc uống thuốc, giải đáp thắc mắc và được bác sỹ tư vấn chi tiết. Trong khi đó, về mức độ làm sạch đại tràng trước khi nội soi, các bác sỹ cho biết ứng dụng đã giúp trên 90% bệnh nhân đạt mức độ sạch như yêu cầu. 

Theo Bác sỹ Hằng, về kỹ thuật, các chuyên gia Việt Nam không thua kém các nước, song công tác ứng dụng CNTT, đặc biệt là công nghệ AI, tại Việt Nam vẫn gặp những khó khăn liên quan đến chi phí.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu thì chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Chuyển đổi số y tế đang phát triển như một xu hướng toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định ngành y tế là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu.