16:14 05/03/2009

Ứng xử thế nào với cổ phiếu bị “đánh dấu”?

Hoàng Vũ

Hiện trên sàn Tp.HCM (HOSE), đã có 15 cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát. Con số này chưa dừng lại

"Việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát không hề có ý nghĩa rằng cổ phiếu đó sẽ tiếp tục kinh doanh tồi trong tương lai."
"Việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát không hề có ý nghĩa rằng cổ phiếu đó sẽ tiếp tục kinh doanh tồi trong tương lai."
Hiện trên sàn Tp.HCM (HOSE), đã có 15 cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát. Con số này chưa dừng lại.

Trên sàn Hà Nội (HASTC), con số cụ thể thời điểm này chưa xác định do chờ đợi báo cáo tài chính được kiểm toán chính thức.

Việc nhiều cổ phiếu bị “đánh dấu” nói trên trong thời gian qua có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và quyết định của nhà đầu tư. Nhưng theo TS. Quách Mạnh Hào, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thăng Long, không phải tất cả các cổ phiếu đó đều không có triển vọng.

Ông có thể cho biết quan điểm của mình đối với những trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát nói chung và một số trường hợp cụ thể?

Việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát là một cách “đánh dấu” những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không tốt trong năm qua, nó không hề có ý nghĩa rằng cổ phiếu đó sẽ tiếp tục kinh doanh tồi trong tương lai. Vấn đề quan trọng vẫn là cách mà chúng ta nhìn nhận triển vọng của doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, có những doanh nghiệp rất có triển vọng, chẳng hạn như REE, BTC, PPC, nhưng cũng có những doanh nghiệp mà chúng ta cần phải thận trọng hơn như BBT, VTA, TRI, TYA.

Là người nghiên cứu và theo sát thị trường, ông có khuyến nghị gì với nhà đầu tư đối với những cổ phiếu đó không?

Theo tôi, quá khứ có thể là một cảnh báo cho tương lai gần, nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần phải xem là những nguyên nhân chính tạo ra kết quả kinh doanh tồi sẽ được giải quyết như thế nào trong tương lai.

Một doanh nghiệp mà kết quả kinh doanh tồi do trích lập dự phòng đầu tư tài chính trong điều kiện họat động kinh doanh chính vẫn hiệu quả thì chúng ta có thể nghĩ rằng doanh nghiệp đó có tương lai khi thị trường tài chính trở lại. Hoặc nếu một doanh nghiệp thua lỗ chủ yếu do những biến động tỷ giá hối đoái thì chúng ta cũng phải nhìn nhận xem xu hướng biến động tỷ giá thời gian tới thế nào.

Nhưng một điều chắc chắn, nếu doanh nghiệp thua lỗ do chính hoạt động kinh doanh không hiệu quả và đặc biệt do bộ máy quản trị công ty có vấn đề thì đó là điều rất đáng cân nhắc thận trọng.

Ông nhận định thế nào về sự ảnh hưởng của việc nhiều cổ phiếu bị “đánh dấu” đối với thị trường nói chung?

Đây là hệ quả của suy thoái kinh tế và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Có những nguyên nhân chủ quan do quyết định sai lầm của ban quản trị, nhưng cũng có những lý do khách quan đơn giản là do rủi ro thị trường mà doanh nghiệp không tránh được.

Điều tốt là các nhà đầu tư đã rút ra được một bài học đơn giản nhưng quan trọng là phải thực hiện những phân tích công ty sâu sắc hơn thay vì chỉ nhìn vào con số lợi nhuận như trước.

Điều xấu là con số công ty thuộc diện kiểm soát tạo ra một tâm lý lo ngại rằng danh sách doanh nghiệp gặp khó khăn có thể dài hơn nhiều.

Như ý ông nói, những trường hợp đó không hẳn hoàn toàn xấu. Vậy có thể xét đến những cơ hội đầu tư ở đây không?

Mỗi cổ phiếu có những cơ hội khác nhau. Chẳng hạn, REE, BTC và PPC vẫn thể hiện kết quả tốt về hoạt động kinh doanh của mình và điều này về cơ bản sẽ chính là yếu tố quan trọng để đánh giá xem liệu những nhân tố rủi ro khác có lấn át không.

Ví dụ, REE gặp vấn đề về đầu tư tài chính, nhưng dường như đó là câu chuyện của quá khứ. Còn PPC gặp vấn đề về tỷ giá đồng Yên và điều này rõ ràng sẽ khó khăn hơn để dự báo. Ở một khía cạnh khác, BBT gặp vấn đề về quản trị và dường như theo cách nghĩ thông thường đó là điệu hệ trọng.

Nhưng người yêu rủi ro có thể sẽ nghĩ rằng giá thị trường cổ phiếu có thể đã giảm quá đà và nếu vậy thì họ vẫn sẽ có cơ hội.