09:02 08/05/2008

USD đang "gượng dậy"

Kiều Oanh

Sau 6 năm ở thế đi xuống so với Euro, USD đang có những dấu hiệu cho thấy đồng tiền này đang lấy lại ưu thế trước đây của mình

Một số chuyên gia cho rằng, việc USD lại “trượt dốc” trước Euro là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Một số chuyên gia cho rằng, việc USD lại “trượt dốc” trước Euro là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Sau 6 năm ở thế đi xuống so với Euro, USD đang có những dấu hiệu cho thấy đồng tiền này đang lấy lại ưu thế trước đây của mình. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc USD lại “trượt dốc” trước Euro là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Hai tuần trước, đồng USD tụt xuống mức thấp kỷ lục - trên 1,6 USD mới đổi được 1 Euro - do thị trường dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục hạ lãi suất USD, trong khi mức lãi suất tại châu Âu có khả năng sẽ ở mức cao hơn. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và các nhà lãnh đạo châu Âu khác đã lên tiếng cảnh báo về sự đi xuống của USD và những tác động tiêu cực của xu thế này đối với lĩnh vực xuất khẩu của châu Âu.

Bất ngờ hồi phục

Tuy nhiên, sau khi chạm đáy nói trên, đồng USD đã mạnh trở lại. Ở thời điểm ngày 7/5, tỷ giá USD so với Euro là 1 Euro tương đương với 1,56 USD. Nhiều nhà kinh tế tin rằng, mặc dù có khả năng sẽ tiếp tục mất giá nhẹ so với Euro, khả năng USD tiếp tục mất giá mạnh, ít nhất là so với đồng Euro, đã giảm đi rất nhiều.

Theo nhận định của giới quan sát, các nhà hoạch định chính sách Mỹ, đặc biệt là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED), ông Ben Bernanke, đã bắt đầu lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự mất giá của USD và vấn đề lạm phát tại Mỹ. “Tôi ấn tượng trước thái độ lo ngại của ông Bernanke về vấn đề giá cả khi ông nói về tác động của giá trị đồng USD đối với lạm phát”, nhà kinh tế học Vincent Reinhart của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ đồng thời là một cựu quan chức về các vấn đề tiền tệ tại FED, nhận định. “Lúc này, FED đang có xu hướng dịch chuyển mối quan tâm của mình sang đồng USD”, ông nói.

Mặc dù nhiều người cho rằng, sự sụp đổ hoàn toàn của đồng “bạc xanh” là điều khó xảy ra, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra nếu các nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ lo ngại về sự đi xuống không nghỉ của đồng tiền này và bắt đầu loại USD khỏi danh mục đầu tư của họ, khiến USD càng “lao dốc” nhanh hơn.

Mặc dù lo ngại về sự mất giá của USD so với Euro, Mỹ lại áp dụng chính sách ngược lại đối với với Trung Quốc và một số nước châu Á khác.

Chẳng hạn, chính quyền Tổng thống Bush vẫn liên tục yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ so với USD. Tính ra, từ giữa năm 2005 tới nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá hơn 18% so với USD, khiến hàng hóa của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ hơn. Đổi lại, mức tỷ giá mới này đã giúp làm dịu bớt những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lý do USD lên giá

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học lại cho rằng, sự ổn định tỷ giá giữa USD và đồng Euro chỉ có thể được duy trì nếu có sự chuyển biến trong sự phát triển kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Nghĩa là, kinh tế Mỹ phải phục hồi và kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại. Sự mạnh lên của USD trong hai tuần trở lại đây có thể là một dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến này.

Ngoài ra, xu thế mạnh lên của USD cũng bắt nguồn từ khả năng FED sẽ tạm thời ngừng cắt giảm lãi suất và những bài phát biểu gần đây của các quan chức tài chính đến từ những nền kinh tế lớn.

Giới quan sát cho rằng, sau khi cắt giảm lãi suất đồng USD thêm 0,25% hôm 30/4 vừa qua, FED sẽ tạm thời ngừng lại series cắt giảm lãi suất 7 lần kể từ giữa tháng 9 năm ngoái, nhằm hạn chế sự leo thang của lạm phát. Một lý do khiến đồng USD mất giá trước đây chính là việc giới đầu tư chuyển từ đầu tư vào USD sang đầu tư USD để tìm kiếm mức lãi suất cao hơn.

Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu FED có ngừng cắt giảm lãi suất thì quyết định này không chỉ bắt nguồn từ những lo ngại về lạm phát, mà còn bắt nguồn từ mối bận tâm về sức mạnh của đồng USD. Có thể FED không muốn USD mất giá thêm bằng cách gián tiếp “khuyến khích” giới đầu tư bán tháo đồng tiền này.

Nâng đỡ thêm cho USD chính là lời tuyên bố của các quan chức tài chính các nước lớn cho thấy các nước này và nước Mỹ sẽ không để xu thế mất giá của USD là “bất tận”. Ngày 11/4, bộ trưởng tài chính các nước G7 ra tuyên bố, bày tỏ sự lo ngại về “biến động mạnh trong tỷ giá của các đồng tiền chủ chốt” trong thời gian gần đây. Giới quan sát cho rằng, đây là một dấu hiệu, Bộ Tài chính Mỹ và các bộ tài chính cũng như ngân hàng trung ương của các nước khác có thể sẽ ra tay can thiệp để ngăn chặn sự sụt giảm giá trị đồng USD.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Pháp François Fillon cũng tuyên bố Pháp đã sẵn sàng để “phối hợp hành động” giữa các cường quốc kinh tế lớn để giải quyết sự mất cân đối trên thị trường tiền tệ toàn cầu hiện nay, trong đó có sự mất giá của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Theo ông Peter Hooper, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Deutsche Bank, những lời tuyên bố nói trên đã phản ánh sự lo ngại của châu Âu về sự trượt giá của USD, đồng thời cho thấy, nước Mỹ không muốn bị “mang tiếng xấu” là “bỏ mặc” đồng tiền của mình.

USD và thâm hụt thương mại

Tuy nhiên, về phần mình, các quan chức tài chính Mỹ khẳng định, họ không muốn can thiệp để ngăn chặn sự mất giá của USD. Bộ trưởng tài chính Mỹ, ông Henry Paulson liên tục tuyên bố rằng, sự lên xuống của các đồng tiền phụ thuộc vào tình hình kinh tế và việc can thiệp chẳng có ích lợi gì.

Với đồng USD yếu, khu vực xuất khẩu của Mỹ được lợi nhiều. Trong những tháng gần đây, xuất khẩu của Mỹ đã tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến nhiều người châu Âu cho rằng, Mỹ đang thực hiện chính sách “giả nai” trước sự mất giá của USD.

Đối với nhiều nhà kinh tế, sự mất giá của USD so với Euro hoặc các đồng tiền khác chủ yếu bắt nguồn từ sự thâm hụt thương mại của Mỹ, thay vì do chính sách lãi suất của FED. Nói cách khác, khi nước Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, các doanh nghiệp ở nước xuất khẩu tích lũy hàng tỷ USD và khi muốn chuyển đổi sang đồng tiền khác, họ không còn cách nào khác là phải bán đồng USD ra.

“Tôi cho rằng USD mất giá là vì mất cân đối thương mại, còn lãi suất chỉ đóng góp một phần nhỏ vào xu thế này. Cái chính là khoản thâm hụt thương mại 700 tỷ USD của Mỹ”, GS. kinh tế học Martin Feldstein tại Đại học Havard bình luận. Do đó, cũng theo vị giáo sư này, USD vẫn có thể sẽ tiếp tục mất giá vì thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm trong thời gian gần đây, nhưng vẫn ở mức khổng lồ. Tuy nhiên, ông cho rằng, sự mất giá của USD cũng không phải là điều gì quá đáng sợ, vì đó là con đường giúp thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ.