09:28 08/07/2008

USD sẽ đi về đâu?

Kiều Oanh

Sau 6 năm mất giá liên tiếp so với các ngoại tệ mạnh khác, vai trò của USD với tư cách đồng tiền số một thế giới đang giảm dần

So với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2002, đồng USD hiện đã mất khoảng 1/4 sức mua so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của nước Mỹ.
So với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2002, đồng USD hiện đã mất khoảng 1/4 sức mua so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của nước Mỹ.
Đồng USD hùng mạnh ngày nào giờ đây không còn mạnh như xưa nữa.

Sau 6 năm mất giá liên tiếp so với các ngoại tệ mạnh khác, vai trò của USD với tư cách đồng tiền số một thế giới đang giảm dần.

So với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2002, đồng USD hiện đã mất khoảng 1/4 sức mua so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của nước Mỹ.

Người được, kẻ mất


Khách du lịch châu Âu đang tìm thấy những cơ hội đi nghỉ giá rẻ ở Mỹ, trong khi du khách Mỹ tới Paris và các thành phố lớn khác trên thế giới phải trả những mức giá cao ngất cho phòng khách sạn, tiền vé máy bay, hoặc thậm chí cả tiền mua cà phê trên phố.

Người dân Mỹ tại các thành phố ở biên giới phía Bắc nước này từng một thời đổ xô đến Canada để mua sắm nay ở lì tại nhà. Giờ là lúc người Canada đổ xô đến Mỹ để mua sắm.

Tất cả những thứ sản xuất tại Mỹ - từ hàng hóa, tới cả những công ty hoàn chỉnh - lúc này thật rẻ đối với thế giới. Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ, bao gồm cả những ai đi du lịch và cả những ai ở trong nước, đang phải chứng kiến cảnh giá cả tăng chóng mặt trên thị trường nhiên liệu, thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu.

Sự trượt giá của USD không chỉ khiến lạm phát tại Mỹ tăng mạnh mà còn đóng vai trò chính trong sự leo thang mải miết của giá xăng dầu khắp nơi trên thế giới. Do dầu được giao dịch bằng đồng USD, sự mất giá của USD đã khiến những đợt tăng giá nhiên liệu gần đây càng trở nên đang sợ hơn đối với người Mỹ.

Hiện giá xăng ở Mỹ đã lên tới mức 4 USD/gallon. Các nhà phân tích cho rằng, với mức giá dầu trên 140 USD/thùng như hiện nay, sự mất giá của USD đã khiến dầu tăng giá thêm khoảng 25 USD/thùng.

Ảnh hưởng từ sự mất giá của USD không phải lúc nào cũng là những tác động có thể nhìn thấy được đối với người tiêu dùng bình thường. Điều này không giống như những con số ở trạm xăng là bằng chứng rõ ràng cho thấy giá xăng tăng cao tới mức độ nào. Trên thực tế, hàng nhập khẩu vào Mỹ đang đắt hơn. Và các công ty Mỹ đột nhiên trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các công ty nước ngoài đang mang tư tưởng thôn tính. Vụ công ty bia InBev của Bỉ mua lại hãng bia Anheuser-Busch của Mỹ mới đây là một ví dụ. Và đây rất có thể là sự khởi đầu cho làn sóng các công ty nước ngoài ồ ạt mua lại các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, sự “èo uột” của đồng bạc xanh cũng đem đến cho kinh tế Mỹ một ích lợi lớn - hàng hóa của Mỹ trở nên rẻ hơn ở các thị trường xuất khẩu, giúp các nhà xuất khẩu tại Mỹ tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần quốc tế. Do đó, xuất khẩu đã trở thành một trong số hiếm những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Mỹ hiện nay.

Ông Franklin Vargo, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế của Hiệp hội Quốc gia Các nhà sản xuất Hoa Kỳ tỏ ra rất vui mừng trước sự trượt dốc của USD. “Có thể thấy rằng, khi USD không bị định giá quá cao, người tiêu dùng trên thế giới dùng hàng Mỹ nhiều hơn và xuất khẩu của chúng tôi đang tăng mạnh”, ông nói. Ông cũng không cho rằng USD hiện đang bị định giá thấp và khẳng định, đồng tiền này bị định giá cao ở thập niên 1990, và từ đó đến nay là một thời kỳ điều chỉnh kéo dài.

Tuy nhiên, ông Vargo cũng thừa nhận rằng, sự mất giá của USD đã tác động xấu tới người tiêu dùng. “Rõ ràng USD mất giá khiến giá dầu tăng cao. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một đồng USD không mạnh, không yếu. Và chỉ có thị trường mới có thể quyết định điều này”, ông nói.

Một số chuyên gia lo ngại rằng một ngày nào đó, Euro có thể thay thế USD với tức cách đồng tiền dự trữ hàng đầu. Điều này có thể khiến USD “rơi tự do”, khi chính phủ các quốc gia và giới đầu tư quốc tế tháo lui khỏi trái phiếu chính phủ Mỹ và các khoản đầu tư bằng USD khác.

Tệ hơn, thâm hụt cán cân vãng lai của Mỹ - khoản chênh lệch hơn giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được nhập vào nước Mỹ so với giá trị hàng hóa, dịch vụ và đầu tư mà nước Mỹ xuất ra nước ngoài - và mức độ tiết kiệm thấp trong nước đồng nghĩa với việc các thị trường nước ngoài phải mua ít nhất 3 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong mỗi ngày làm việc để có thể bù đắp khoản cân bằng này.

Do đó, với gần một nửa trong tổng số nợ 10.000 tỷ USD của chính phủ Mỹ - phần lớn dưới dạng trái phiếu và tín phiếu - hiện nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, một sự rút vốn như trên có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Đi tìm lối thoát


Tuy nhiên, những lựa chọn của Washington trong vấn đề đồng USD yếu chỉ là giới hạn.

Tổng thống Bush từ lâu vẫn khẳng định ông ủng hộ đồng USD “mạnh” và tiếp tục khẳng định quan điểm này trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda vào cuộc họp cuối tuần trước. “Nước Mỹ rất tin tưởng vào chính sách đồng USD mạnh và tin rằng sức mạnh của kinh tế Mỹ sẽ được phản ánh qua đồng USD”, ông Bush nói.

Nhưng chưa lần nào trong suốt nhiệm kỳ của ông Bush, nước Mỹ thực hiện việc mua USD trên thị trường ngoại hối - nói cách khác là can thiệp vào thị trường - để nâng đỡ giá trị “bạc xanh”. Chưa rõ là USD sẽ còn mất giá tới đâu, mặc dù trong vài tuần trở lại đây, USD có vẻ như ổn định. Thậm chí cả khi ba đời bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời ông Bush vẫn liên tiếp lên tiếng về chính sách USD mạnh, đồng tiền này vẫn liên tục mất giá so với Euro, Bảng Anh, Yên Nhật, đôla Canada và phần lớn các ngoại tệ mạnh khác.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể chống đỡ sự mất giá của USD bằng cách tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn sẽ khiến các khoản đầu tư bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư. Nhưng một động thái như vậy có thể kinh tế Mỹ vốn đang yếu vì giá nhiên liệu cao ngất trời, giá nhà lao dốc, thất nghiệp tăng cao, niềm tin tiêu dùng thấp nhất trong vòng 16 năm qua… lại càng yếu thêm. Do đó, FED phải hành động cân bằng giữa hai mục tiêu tránh để kinh tế Mỹ suy thoái và chống lạm phát.

Ngoài ra, FED không hề muốn tăng lãi suất mạnh trong một năm bầu cử. Dường như FED nghiêng về khả năng giữ lãi suất thấp vào thời điểm này để thị trường tài chính phục hồi sau những tác động “bão tố” từ sự đóng băng của thị trường địa ốc và cuộc khủng hoảng tín dụng. Vào cuộc họp ngày 25/6 vừa qua, FED đã quyết định giữ lãi suất USD ở mức 2% sau 7 lần cắt giảm liên tiếp từ tháng 9 năm ngoái. Series cắt giảm lãi suất này giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng địa ốc và tín dụng, nhưng khiến USD mất giá mạnh hơn.

Đầu tháng 6 vừa qua, trước chuyến công du châu Âu, ông Bush tuyên bố: “Một đồng USD mạnh là lợi ích của nước Mỹ. Đó cũng là lợi ích của nền kinh tế toàn cầu”. Cùng với đó, cảnh báo của Chủ tịch FED Ben Bernanke rằng sự suy yếu của USD đang khiến lạm phát tại Mỹ tăng mạnh, dường như đã tạm thời cắt cơn đà đi xuống của USD.

Thường thì các tổng thống Mỹ và các chủ tịch FED không nói trực tiếp đến vấn đề tỷ giá hối đoái của USD và để dành vấn đề này cho bộ trưởng tài chính. Do đó, việc ông Bush và ông Bernanke cùng lên tiếng về vấn đề này đã khiến giới quan sát chú ý cao độ.

Trong mấy tuần trở lại đây, tỷ giá USD nhìn chung tương đối ổn định, mặc dù có “nhảy cầu” một lần sau khi FED quyết định duy trì lãi suất. Nếu từ nay đến cuối năm, FED tăng lãi suất, USD có thể sẽ đảo chiều bền vững và tình trạng đầu cơ trên thị trường dầu thô sẽ giảm mạnh.

Một công cụ chính khác để vực dậy USD là can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách mua vào USD và bán các đồng tiền khác. Nhưng đây lại là một biện pháp nhiều rủi ro.

Để đem lại hiệu quả, biện pháp này đòi hỏi phải dùng đến những khoản tiền lớn. Thị trường ngoại hối là thị trường lớn nhất trên thế giới, với 1.000 tỷ USD được giao dịch mỗi ngày. Nếu nước Mỹ thực hiện can thiệp, thị trường có thể sẽ coi đó là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng, và điều này có thể dẫn tới một đợt bán tháo USD khổng lồ. Mặt khác, biện pháp này cũng không nhận được sự khuyến khích của các bộ trưởng tài chính trong nhóm G-8, bao gồm Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Italy, Canada, Nga và Mỹ.

(Theo AP)