11:30 29/03/2007

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chống tham nhũng vẫn yếu

Đức Thọ

Chính phủ vừa có báo cáo trước Quốc hội về việc tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 6 tháng cuối năm 2006 đã phát hiện, điều tra 6.370 vụ tội phạm và vi phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 6 tháng cuối năm 2006 đã phát hiện, điều tra 6.370 vụ tội phạm và vi phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ.
Chính phủ vừa có báo cáo trước Quốc hội về việc tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đánh giá về Báo cáo, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh những thành tích đáng kể, công tác tổ chức thực hiện Luật vẫn còn yếu, thể hiện ở hầu hết các khâu từ ban hành các văn bản dưới luật đến công tác phát hiện, xử lý vi phạm.

12 tỉnh thành và 3 bộ chưa thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến nay vẫn còn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 3 bộ chưa ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 2 bộ không có báo cáo kết quả thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Sự chậm trễ này chính là một trở ngại lớn đối với công tác phòng chống tham nhũng, bởi nó xuất phát ngay từ hệ thống các cơ quan Nhà nước.

Ngoài ra, nội dung Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của một số bộ, ngành, địa phương còn chung chung, chưa bám sát Chương trình hành động của Chính phủ. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng nhìn chung còn chậm.

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, cho biết đến nay Chính phủ cũng mới chỉ ban hành được 3 nghị định trên tổng số 9 nghị định, quy chế cần ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhiều nội dung quan trọng của Luật như việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; về thời hạn sau khi thôi giữ chức vụ, cán bộ, công chức, viên chức được kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý; việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… vẫn chưa được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc ban hành thiếu kịp thời và chưa đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các quy định của Luật.

Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, có một số vụ việc đã xử lý nhưng chưa thật sự nghiêm minh, còn biểu hiện nương nhẹ, việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nơi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực chưa được xem xét, xử lý đúng mức theo quy định của pháp luật.

Dứt điểm 8 vụ án trọng điểm

Thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã nêu lên một số hướng và nhiệm vụ trong thời gian tới trong đó trước mắt sẽ xử lý dứt điểm và nghiêm minh 8 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo trong năm 2006.

Đó là các vụ án mua bán quota ở Bộ Thương Mại; vụ Mạc Kim Tôn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; vụ điện kế điện tử tại Công ty Điện lực Tp.HCM; vụ việc tại Tổng công ty Dầu khí Việt Nam liên quan đến một số cán bộ Thanh tra Chính phủ vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra; vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án Rusalka; vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo một số đơn vị trong ngành bưu điện; vụ PMU 18 và vụ vi phạm pháp luật đất đai tại Đồ Sơn đang được khẩn trương kết thúc điều tra để sớm truy tố theo quy định của pháp luật.

Theo Thanh tra Chính phủ, để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt và rà soát, bổ sung Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng; chủ động tiến hành những biện pháp “phòng”, “chống” ở bộ, ngành, địa phương mình. Xác định rõ những lĩnh vực và địa bàn trọng điểm, những nội dung công việc cần tập trung chỉ đạo, tiến độ hoàn thành, phân công rõ trách nhiệm đối với từng tập thể và cá nhân.

Đồng thời cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý hành vi tham nhũng; chú trọng các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công tác cán bộ… Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

* Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 6 tháng cuối năm 2006 đã phát hiện, điều tra 6.370 vụ tội phạm và vi phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ, trong đó có 118 vụ có tội danh chính là tội phạm về tham nhũng. Tài sản thiệt hại trong các vụ xâm phạm sở hữu là hơn 1.216 tỷ đồng, tài sản thu hồi trị giá trên 619 tỷ đồng. Đã khởi tố 516 vụ, 1.801 bị can; xử lý hành chính 4.103 vụ; đang điều tra 1.651 vụ.