06:09 15/02/2013

Vai trò của thị trường chứng khoán trong xử lý nợ xấu

Lan Hương - Tú Uyên

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm có thể nói là khó khăn nhất trong suốt hơn 12 năm hoạt động”

TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Những câu chuyện đằng sau những con số tăng giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2013 và những kỳ vọng thay đổi trong năm 2013 đã được lý giải phần nào qua những chia sẻ dưới đây của người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp thị trường chứng khoán, TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

2012: vốn ngoại vẫn tăng

Với những kết quả đạt được, thị trường chứng khoán năm 2012 có gì đặc biệt thưa ông?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm có thể nói là khó khăn nhất trong suốt hơn 12 năm hoạt động. Tuy nhiên, nhìn lại năm 2012 có thể điểm qua một vài điểm sáng đáng chú ý.

Thứ nhất, dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2012, chỉ số VN-Index vẫn tăng khoảng 17,7% (HNX-Index giảm 2,8%). Nếu so với các chỉ số chứng khoán của nhiều nước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Brazil,... thì mức tăng này là khá tích cực.

Thứ hai là mặc dù thị trường chứng khoán có khó khăn nhưng thanh khoản thị trường có sự cải thiện, đặc biệt sau khi kéo dài thời gian giao dịch và áp dụng lệnh thị trường, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2011 (riêng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 1.304 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2011).

Vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ tăng cao, đạt 156 nghìn tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2011. Vốn ngoại cũng là một điểm sáng. Số liệu tới ngày 15/12 cho thấy, vốn nước ngoài vào thuần là 300 triệu USD – cao hơn mức 240 triệu USD của năm 2011. Nếu tính cả vốn vào thị trường chưa niêm yết, số liệu ước đạt 2 tỷ USD. Tính chung dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp tăng 10% so với năm 2011.

Vai trò của thị trường chứng khoán trong xử lý nợ xấu 1Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm có thể nói là khó khăn nhất trong suốt hơn 12 năm hoạt động. TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Với chúng tôi, năm 2012 cũng là năm rất thành công trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của thị trường.

Đầu tiên là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán, Đề án đầu tư gián tiếp nước ngoài, đặc biệt là việc ngày 6/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1826 phê duyệt đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm. Để hỗ trợ việc triển khai đề án này, một loạt các nghị định, thông tư mới được ban hành. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng cho công cuộc tái cấu trúc thị trường chứng khoán đang vào giai đoạn quan trọng.

Thưa ông, kết thúc năm 2012, chỉ số chứng khoán vẫn tăng gần 18%, mức vốn hóa vẫn ở mức 26% GDP, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 38% so với năm 2011, huy động vốn tăng 70%, dòng vốn nước ngoài vào thuần qua thị trường chứng khoán niêm yết cũng tăng 25%. Trong khi rất nhiều thành viên thị trường đều kêu khó. Vậy khó khăn nằm ở đâu, thưa ông?

Trong năm 2012, điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước và nước ngoài vẫn chưa thuận lợi. Do vậy hoạt động của thị trường chứng khoán vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những biến động mạnh bởi khu vực ngân hàng, các chỉ số chứng khoán biến động mạnh, nhất là từ quý III và khối lượng giao dịch đều sụt giảm, nhiều công ty chứng khoán bị thua lỗ.

Bên cạnh những điểm sáng tích cực, thị trường chứng khoán năm 2012 còn có những khó khăn trong huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hoá, khối công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường không có nhiều thuận lợi, đặc biệt về hoạt động niêm yết mới.

Tổng giá trị huy động vốn ước đạt 174 nghìn tỷ đồng, tăng 70%, chủ yếu là từ phát hành trái phiếu. Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa là 18 nghìn tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2012. Trên 2 sàn có 25 cổ phiếu và 1 chứng chỉ quỹ niêm yết mới nhưng có 21 cổ phiếu bị hủy niêm yết do lỗ, vi phạm chế độ công bố thông tin...

Hoạt động của các công ty niêm yết khó khăn nên kết quả kinh doanh năm 2012 chưa khả quan. Theo số liệu sơ bộ 9 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm trước: số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 143 công ty, tăng gấp 1,7 lần; số công ty có lợi nhuận sụt giảm là 438, tăng 12%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt 8%, thấp hơn nhiều so với lãi vay và giảm mạnh so với mức 12,3% năm 2011.

Tái cấu trúc công ty chứng khoán: còn nhiều cái khó

Một năm thực hiện tái cấu trúc khối công ty chứng khoán quyết liệt, kết quả có đạt như kỳ vọng, thưa ông?

Do tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi nên hoạt động của các công ty chứng khoán tiếp tục có nhiều khó khăn và kết quả không được khả quan, có trên 50% số công ty chứng khoán bị lỗ tính riêng năm 2012 và trên 70% số công ty chứng khoán có lỗ lũy kế.

Kết quả triển khai đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán trong năm 2012 cũng đạt được nhiều kết quả. Các công ty chứng khoán đã có sự phân loại, xử lý và giám sát chặt chẽ theo nhóm và kịp thời trình ban hành các văn bản pháp lý sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán. Hoạt động tái cấu trúc về vốn, cổ đông chiến lược, nghiệp vụ kinh doanh, công nghệ, nhân sự, tổ chức của công ty chứng khoán tiếp tục đang được triển khai.

Vai trò của thị trường chứng khoán trong xử lý nợ xấu 2Do tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi nên hoạt động của các công ty chứng khoán tiếp tục có nhiều khó khăn và kết quả không được khả quan, có trên 50% số công ty chứng khoán bị lỗ tính riêng năm 2012 và trên 70% số công ty chứng khoán có lỗ lũy kế. TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Trên cơ sở đó thực hiện việc sắp xếp, phân loại các công ty chứng khoán theo 3 nhóm, Ủy ban Chứng khoán đã ra đặt 11 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát đặc biệt và 3 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát và yêu cầu Hội đồng quản trị, tổng giám đốc các công ty chứng khoán này xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán đã triển khai các biện pháp mạnh trong việc tái cơ cấu như: rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 4 công ty chứng khoán, rút nghiệp vụ tự doanh của 2 công ty chứng khoán, rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 1 công ty chứng khoán; đình chỉ hoạt động 3 công ty chứng khoán; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của 4 công ty chứng khoán.

Trong quá trình sắp xếp và phân loại công ty chứng khoán, liệu có vùng cấm nào không, thưa ông?

Tôi có thể khẳng định là hoàn toàn không có vùng cấm và không có tác động nào có tính chất cản trở liên quan đến tái cấu trúc công ty chứng khoán. Tất nhiên, trong quá trình tái cấu trúc cũng có ý kiến này, khác từ những người có liên quan nhưng tất cả điều đó đều được chúng tôi giải thích lại để họ hiểu rằng đây là luật pháp quy định, bắt buộc phải làm và công ty chứng khoán đã chạm vào các ngưỡng trong quy định đó thì phải xử lý.

Vậy điều khó nhất mà các ông từng gặp phải trong quá trình tái cấu trúc công ty chứng khoán là gì?

Do giấy phép hoạt động và giấy phép thành lập là một nên việc rút giấy phép hoạt động sẽ dẫn đến rút giấy phép thành lập, công ty chứng khoán sẽ không còn tồn tại pháp nhân để xử lý các nghĩa vụ phải trả của công ty chứng khoán với các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Vì vậy công tác tái cấu trúc công ty chứng khoán trong năm qua mặc dù rất nỗ lực nhưng chưa đạt được như mong muốn. Tất nhiên, quan điểm thống nhất vẫn là phải xử nghiêm các trường hợp vi phạm đặc biệt là xử lý hình sự để răn đe các trường hợp khác.

Để khắc phục khó khăn trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xử lý theo các hướng như: rút một số nghiệp vụ (rút giấy phép môi giới) thực chất là rút lõi, vẫn còn tồn tại công ty chứng khoán để xử lý các khoản nợ; sửa đổi các quy chế hoạt động: vận dụng Luật Doanh nghiệp để tạm ngừng hoạt động lên đến 2 năm hoặc ngừng vĩnh viễn và pháp nhân vẫn tồn tại để xử lý các khoản nợ.

Sửa đổi quy chế tổ chức hoạt động công ty chứng khoán, trong đó có quy định khoảng thời gian rút giấy phép, trong khoảng thời gian này, công ty chứng khoán phải tất toán tài khoản khách hàng, xử lý nợ, tổ chức đại hội đồng cổ đông để giải thể công ty...

2013 và những kỳ vọng thay đổi

Trọng tâm điều hành thị trường chứng khoán trong năm 2013 là gì, thưa ông?

Việc tái cấu trúc năm 2013 vẫn sẽ tiếp tục như đề án. Trong đó, trọng tâm nhất được chúng tôi xác định là tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán vì hoạt động của khối này vẫn tiềm ẩn những rủi ro.

Trong đề án tái cấu trúc khối này cũng nhấn mạnh, hết giai đoạn phân loại xử lý những công ty yếu kém thì sẽ bước vào giai đoạn nâng tiêu chuẩn hoạt động của các công ty này với thời gian dự kiến sẽ tiến hành vào năm 2014-2015.

Vai trò của thị trường chứng khoán trong xử lý nợ xấu 3Theo nhìn nhận của tôi, thị trường chứng khoán năm 2013 còn khó khăn nhưng cũng có triển vọng và phụ thuộc lớn nhất vào kết quả tháo gỡ khó khăn với lĩnh vực bất động sản, xử lý nợ xấu.  TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Về sự cần thiết tái cấu trúc sở giao dịch chứng khoán thì không còn phải bàn, bởi vì điều đó sẽ làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh hơn, cạnh tranh hơn. Quá trình tái cấu trúc các Sở phụ thuộc vào nhiều yếu tố và trong đó có vấn đề về lộ trình, về hàng hóa, công nghệ, tổ chức và con người.

Ban đầu, quan điểm của chúng tôi là năm 2012 sẽ xong đề án nhưng do kinh tế, thị trường chứng khoán quá khó khăn nên việc này dự định phải năm 2013 mới trình được lên Chính phủ.

Quan điểm của chúng tôi trong việc tái cấu trúc là hình thành một Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo các nguyên tắc một thị trường có hai sàn, nhưng thống nhất về: bộ máy quản lý và điều hành; trên nền tảng công nghệ chung; chuẩn hóa chế độ báo cáo, công bố thông tin,...

Năm 2013 được nhìn nhận vẫn là năm khó khăn. ở góc độ chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có những kiến nghị gì để hỗ trợ thị trường?


Theo nhìn nhận của tôi, thị trường chứng khoán năm 2013 còn khó khăn nhưng cũng có triển vọng và phụ thuộc lớn nhất vào kết quả tháo gỡ khó khăn với lĩnh vực bất động sản, xử lý nợ xấu.

Thị trường sẽ tốt nếu việc tháo gỡ khó khăn này được làm quyết liệt và có kết quả. Đồng thời nếu có giải pháp hỗ trợ thích hợp, thị trường chứng khoán hồi phục sẽ góp phần vai trò quan trọng cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như vấn đề xử lý nợ xấu.

Hai vấn đề này gắn bó chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau. Vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng và giải quyết vấn đề bất động sản sẽ không thể có kết quả lớn nếu thiếu đi vai trò của thị trường chứng khoán.

Chúng tôi dự kiến đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất là tháo gỡ cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Trong đó sẽ tính toán tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong phát hành để cổ phiếu dù dưới mệnh giá vẫn có thể phát hành được. Bên cạnh đó là có lộ trình để khi các doanh nghiệp trên sàn khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thua lỗ vào vẫn được tạo điều kiện thuận lợi để niêm yết.

Nhóm giải pháp thứ hai là cải thiện thanh khoản thị trường thông qua việc nghiên cứu các vấn đề về biên độ, tỷ lệ giao dịch ký quỹ, vấn đề phí,...

Nhóm giải pháp thứ ba là tập trung vào hút vốn nước ngoài. Trong đó sẽ đề cập đến việc mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Trong nhóm giải pháp này cũng sẽ có sự nghiên cứu để phân loại danh mục, ngành nghề doanh nghiệp niêm yết để từ đó tăng thêm tỷ lệ nắm giữ, thu hút nhà đầu tư nước ngoài để họ có thể nắm giữ trên 49%.

Ngoài ra cũng sẽ tính toán hợp lý để nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi trong việc nắm giữ cổ phiếu tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)