17:37 07/02/2014

Ván bài đắt đỏ của Nga tại Olympic Sochi

Thanh Hải

Nước Nga đã thừa nhận mức chi cho Olympic Sochi lên hơn 50 tỷ USD, cao gấp nhiều lần con số cam kết đầu tư hồi 7 năm trước

Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 sẽ chính thức khai mạc tối nay (7/22, theo giờ địa phương) tại sân vận động Fisht - Ảnh: SAI.<br>
Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 sẽ chính thức khai mạc tối nay (7/22, theo giờ địa phương) tại sân vận động Fisht - Ảnh: SAI.<br>
Tối nay (7/2, theo giờ địa phương), lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2014 sẽ chính thức diễn ra tại Sochi, Nga. Với chi phí đầu tư lên đến 50 tỷ USD, Sochi 2014 có lẽ là Olympic đắt giá nhất trong lịch sử thể thao.

Hồi đầu năm nay, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng Moscow chỉ phải chi số tiền 7 tỷ USD (khoảng 214 tỷ Rúp), trong đó có gần 50% trích từ ngân sách, cho việc đăng cai Thế vận hội mùa đông 2014. Trong khi đó, các nhà phân tích phương Tây lại cho rằng, con số thực tế cao hơn nhiều, lên tới hàng chục tỷ USD.

Tới tuần qua, chính Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã xác nhận trên kênh truyền hình CNN của Mỹ rằng, chi phí thực tế cho Thế vận hội Sochi là trên 50 tỷ USD, trong đó một nửa từ ngân sách và một nửa từ khu vực tư nhân. Con số này cao gấp 4 lần tuyên bố của ông Putin và khớp với thực tế hơn, khi mà hàng loạt đường xá, khách sạn và khu liên hợp thể thao mới đã mọc lên dọc theo bờ biển và trên các triền núi.

Với mức chi khủng như vậy, Sochi 2014 đã trở thành Olympic đắt giá nhất trong lịch sử thể thao thế giới, vượt qua cả mức chi 44 tỷ USD mà Trung Quốc đã dành cho Olympic mùa hè Bắc Kinh năm 2008 và gấp 3 lần Olympic London 2012. Và tất nhiên, con số này cũng cao gấp nhiều lần so với mức cam kết đầu tư 12 tỷ USD mà Nga tuyên bố khi vận động giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ chi phí cho Sochi 2014 bị đội lên cao như vậy là bởi nhiều công trình có dự toán ban đầu khá thấp, trong khi mức đầu tư thực tế cao hơn gấp nhiều lần. Chẳng hạn chi phí cho trung tâm thi đấu RusSki Gorki thực tế lên tới 265 triệu USD, trong khi dự toán ban đầu chỉ là 40 triệu. Cũng như vậy, chi phí đầu tư cho sân vận động Fisht, là 519 - 703 triệu USD, cao gấp 2,5 lần dự toán.

Ngoài ra, việc Nga không tận dụng cơ sở vật chất như các quốc gia khác mà toàn xây mới cũng khiến chi phí tăng vọt. Theo đài RFI, trong suốt bảy năm qua, cả thành phố Sochi là một công trường khổng lồ không lúc nào ngừng hoạt động. Hầu như tất cả các dự án từ hạ tầng cơ sở cho đến các công trình phục vụ trực tiếp cho thi đấu thể thao đều được xây dựng mới từ đầu.

Chủ tịch Ủy ban Điều phối Olympic, Jean-Claude Killy, từng cho biết rằng, có đến 85% cơ sở vật chất phục vụ cho thế vận hội tại Sochi được xây mới. Trong đó, 11 địa điểm thi đấu là những nơi tiêu tốn nhiều tiền nhất.

Ngoài sân vận động chính Fisht, Nga còn xây dựng ba khu làng Olympic, hai sân thi đấu khúc côn cầu, hai sân trượt băng và một sân cho môn curling. Ở địa điểm thi đấu trên núi, khu làng Krasnaia Poliana được biến đổi thành khu trượt tuyết. Khu thi đấu này được nối với thành phố bằng một con đường 4 làn đường với kinh phí 8 tỷ USD, bên cạnh một tuyến đường sắt dài 200 km và một sân bay cũng được xây mới hoàn toàn.

Việc lựa chọn Sochi làm địa điểm tổ chức thế vận hội đã tạo điều kiện phục hồi kinh tế khu vực Kavkaz vốn bị thiệt hại trong cuộc xung đột Chechnya. Việc đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng đã góp phần tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động người Nga. Dự kiến sau khi kết thúc thế vận hội, nhiều cơ sở vật chất tại Sochi sẽ được tận dụng lại khi Nga đăng cai Cúp bóng đá thế giới năm 2018.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của phe đối lập tại Nga và truyền thông phương tây, thì Sochi 2014 lại là một biểu hiện lãng phí ghê gớm và nguyên nhân chính khiến chi phí vọt cao là bởi tham nhũng. Tờ Guardian của Anh cho biết, phe đối lập Nga ước tính một phần ba chi phí đầu tư vào Olympic Sochi là để phục vụ hối lộ, lại quả. Thêm vào đó, một sự thực hiển nhiên là, thế vận hội mùa đông có số môn thi đấu chỉ bằng 50% thế vận hội mùa hè.

Giới chức Nga đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc tiền bạc bị sử dụng sai trái. Hãng tin BBC dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Olympic Nga Alexander Zhukov nói, chính phủ nước này "không phát hiện một trường hợp tham nhũng nào liên quan tới Thế vận hội Sochi 2014". Ông Zhukov cũng khẳng định rằng, thật sai lầm khi đưa chi phí những dự án cơ sở hạ tầng vào tổng kinh phí đầu tư Olympic.

"Sochi từng chỉ có một con đường. Nay khoảng 20 con đường mới được xây. Có hệ thống xử lý rác mới, nhà máy điện mới, đường ống dẫn gas mới. Nhưng đó không phải là chi phí Olympic", ông Zhukov nói.

Tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s mới đây cảnh báo Thế vận hội Sochi có thể không thúc đẩy kinh tế Nga trong dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ Nga cũng sẽ khó có đủ tiền để duy tu các công trình sau Olympic. Và con số này có thể lên đến 2 tỷ USD mỗi năm. "Tăng trưởng dài hạn sẽ phụ thuộc vào lĩnh vực khách sạn. Do phần lớn nhà đầu tư tư nhân đổ tiền vào đây", Moody’s cho biết.

Không những kinh phí cho Sochi được cho là đắt nhất, mà việc huy động nhân lực và vật lực cho việc đảm bảo an ninh tại đây cũng hùng hậu nhất trong lịch sử các kỳ Thế vận hội. Đài RFI dẫn bài viết trên tờ Le Monde của Pháp cho hay, công tác bảo đảm an ninh tại đây giống như đang trong tình trạng khẩn cấp, sắp sửa có chiến tranh xảy ra.

Khoảng 37.000 cảnh sát trên toàn nước Nga sẽ được triển khai ở Sochi cùng với các đơn vị quân đội để đảm bảo an ninh tối đa cho kỳ Thế vận hội. Tàu bè lưu thông trên Biển Đen cũng bị hạn chế, trong khi hàng chục máy bay không người lái được triển khai trên bầu trời để phát hiện sớm các hoạt động khả nghi, trong khi mọi cuộc gọi điện thoại và liên lạc Internet sẽ được giám sát bởi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB).