Vẫn chưa thừa nhận các tập đoàn ngân hàng Việt Nam
Mặc dù đã hoạt động trên thực tế nhưng các tập đoàn ngân hàng Việt Nam vẫn chưa được thừa nhận về mặt pháp lý
Mặc dù đã hoạt động trên thực tế nhưng các tập đoàn ngân hàng Việt Nam vẫn chưa được thừa nhận về mặt pháp lý.
Ngày 16/5/2008, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chính thức công bố hình thành Tập đoàn Tài chính Sacombank. Đây là tập đoàn tài chính tư nhân đầu tiên, có hạt nhân là ngân hàng Sacombank, điều phối 11 công ty thành viên.
Theo mô hình chính thức được công bố, cũng như đã hoạt động trên thực tế, Sacombank và 11 công ty thành viên nói trên đi vào thị trường trong mô hình của một tập đoàn, tên gọi chung của một tập đoàn.
Ngoài Sacombank, nhiều ngân hàng khác cũng đã xác định là tập đoàn ngân hàng, có chiến lược hoặc hơi hướng hoạt động theo mô hình này, như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, ACB…
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, các tập đoàn đó chưa được thừa nhận về mặt pháp lý tại Việt Nam (chưa có tư cách pháp nhân), dù bản chất và hình thái hoạt động của những nhóm công ty này (ngân hàng mẹ và các công ty trực thuộc, công ty liên doanh, liên kết) chính là hoạt động của tập đoàn ngân hàng.
Đó cũng là một dẫn chứng được đề cập đến trong Bản giải trình dự thảo quy chế về thành lập và hoạt động công ty trực thuộc của ngân hàng thương mại, đang được Ngân hàng Nhà nước tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện.
Theo Ban soạn thảo, hiện nay các ngân hàng thương mại đang ngày càng đa dạng hoá hoạt động của mình, thành lập công ty trực thuộc là một trong những biện pháp các ngân hàng quan tâm hướng tới. Điều này dẫn đến việc hình thành mô hình tập đoàn ngân hàng.
Các tập đoàn ngân hàng có thể hiện diện dưới các hình thức như có ngân hàng là công ty mẹ thành lập các công ty con, công ty liên doanh, liên kết để hoạt động sang các lĩnh vực khác không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan giám sát ngân hàng.
Hoặc tập đoàn tài chính là một nhóm những công ty dưới sự kiểm soát của một công ty mẹ tiến hành hoạt động chủ yếu trong 3 lĩnh vực là bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán.
Ngoài ra có hình thức tập đoàn hoạt động đa ngành nghề; lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này gồm cả lĩnh vực tài chính (ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán) và lĩnh vực phi tài chính (xây dựng, thương mại, đóng tàu...).
Những mô hình tổ chức và hoạt động theo hình thức trên đã có, nhưng việc thừa nhận về mặt pháp lý lại chưa theo kịp thực tế.
Tại một hội thảo gần đây, ông Phạm Huyền Anh, Phó vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng đặt vấn đề rằng mô hình tập đoàn là xu hướng và thực tế đang diễn ra tại Việt Nam, nhưng một khung pháp lý cho một tập đoàn như thế hiện vẫn chưa hoàn thiện; điều này không chỉ là sự thừa nhận nói trên mà còn liên quan đến công tác quản trị, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động của các tổ chức.
Bản giải trình nói trên cũng cho rằng “nếu cơ quan giám sát ngân hàng ở Việt Nam chưa có những biện pháp hiệu quả để giám sát các ngân hàng trên phương diện hợp nhất thì những ảnh hưởng trọng yếu của các thành viên trong tập đoàn ngân hàng (công ty trực thuộc, công ty liên doanh, công ty liên kết, những tổ chức nắm quyền kiểm soát ngân hàng) rất có thể sẽ dẫn tới sự đổ vỡ của các ngân hàng và gây mất an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam”.
Để khắc phục, theo Ban soạn thảo, việc quản lý, giám sát sự hình thành và mở rộng hoạt động của các tập đoàn ngân hàng ở Việt Nam là cần thiết và cần phải ban hành quy định điều chỉnh vấn đề này; cụ thể là quy chế thành lập và hoạt động của công ty trực thuộc ngân hàng thương mại.
Những quy định được đề cập cụ thể trong dự thảo, tập trung ở các vấn đề liên quan đến điều kiện, hồ sơ, thủ tục để các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập và hoạt động hoặc xác nhận việc thành lập/góp vốn thành lập công ty trực thuộc; thiết kế một số vấn đề liên quan đến công ty trực thuộc mà ngân hàng thương mại cần báo cáo Ngân hàng Nhà nước…
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo và dự kiến có thể ban hành trong năm 2008 này.
Ngày 16/5/2008, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chính thức công bố hình thành Tập đoàn Tài chính Sacombank. Đây là tập đoàn tài chính tư nhân đầu tiên, có hạt nhân là ngân hàng Sacombank, điều phối 11 công ty thành viên.
Theo mô hình chính thức được công bố, cũng như đã hoạt động trên thực tế, Sacombank và 11 công ty thành viên nói trên đi vào thị trường trong mô hình của một tập đoàn, tên gọi chung của một tập đoàn.
Ngoài Sacombank, nhiều ngân hàng khác cũng đã xác định là tập đoàn ngân hàng, có chiến lược hoặc hơi hướng hoạt động theo mô hình này, như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, ACB…
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, các tập đoàn đó chưa được thừa nhận về mặt pháp lý tại Việt Nam (chưa có tư cách pháp nhân), dù bản chất và hình thái hoạt động của những nhóm công ty này (ngân hàng mẹ và các công ty trực thuộc, công ty liên doanh, liên kết) chính là hoạt động của tập đoàn ngân hàng.
Đó cũng là một dẫn chứng được đề cập đến trong Bản giải trình dự thảo quy chế về thành lập và hoạt động công ty trực thuộc của ngân hàng thương mại, đang được Ngân hàng Nhà nước tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện.
Theo Ban soạn thảo, hiện nay các ngân hàng thương mại đang ngày càng đa dạng hoá hoạt động của mình, thành lập công ty trực thuộc là một trong những biện pháp các ngân hàng quan tâm hướng tới. Điều này dẫn đến việc hình thành mô hình tập đoàn ngân hàng.
Các tập đoàn ngân hàng có thể hiện diện dưới các hình thức như có ngân hàng là công ty mẹ thành lập các công ty con, công ty liên doanh, liên kết để hoạt động sang các lĩnh vực khác không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan giám sát ngân hàng.
Hoặc tập đoàn tài chính là một nhóm những công ty dưới sự kiểm soát của một công ty mẹ tiến hành hoạt động chủ yếu trong 3 lĩnh vực là bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán.
Ngoài ra có hình thức tập đoàn hoạt động đa ngành nghề; lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này gồm cả lĩnh vực tài chính (ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán) và lĩnh vực phi tài chính (xây dựng, thương mại, đóng tàu...).
Những mô hình tổ chức và hoạt động theo hình thức trên đã có, nhưng việc thừa nhận về mặt pháp lý lại chưa theo kịp thực tế.
Tại một hội thảo gần đây, ông Phạm Huyền Anh, Phó vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng đặt vấn đề rằng mô hình tập đoàn là xu hướng và thực tế đang diễn ra tại Việt Nam, nhưng một khung pháp lý cho một tập đoàn như thế hiện vẫn chưa hoàn thiện; điều này không chỉ là sự thừa nhận nói trên mà còn liên quan đến công tác quản trị, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động của các tổ chức.
Bản giải trình nói trên cũng cho rằng “nếu cơ quan giám sát ngân hàng ở Việt Nam chưa có những biện pháp hiệu quả để giám sát các ngân hàng trên phương diện hợp nhất thì những ảnh hưởng trọng yếu của các thành viên trong tập đoàn ngân hàng (công ty trực thuộc, công ty liên doanh, công ty liên kết, những tổ chức nắm quyền kiểm soát ngân hàng) rất có thể sẽ dẫn tới sự đổ vỡ của các ngân hàng và gây mất an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam”.
Để khắc phục, theo Ban soạn thảo, việc quản lý, giám sát sự hình thành và mở rộng hoạt động của các tập đoàn ngân hàng ở Việt Nam là cần thiết và cần phải ban hành quy định điều chỉnh vấn đề này; cụ thể là quy chế thành lập và hoạt động của công ty trực thuộc ngân hàng thương mại.
Những quy định được đề cập cụ thể trong dự thảo, tập trung ở các vấn đề liên quan đến điều kiện, hồ sơ, thủ tục để các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập và hoạt động hoặc xác nhận việc thành lập/góp vốn thành lập công ty trực thuộc; thiết kế một số vấn đề liên quan đến công ty trực thuộc mà ngân hàng thương mại cần báo cáo Ngân hàng Nhà nước…
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo và dự kiến có thể ban hành trong năm 2008 này.