11:32 29/07/2008

Vẫn phải thúc đẩy cổ phần hóa

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện đang bị chậm lại, một phần do ảnh hưởng sự tụt dốc của thị trường chứng khoán

"Không nên chỉ thiên về việc bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận hay bảo lãnh phát hành mà tùy tình hình thực tế để có quyết định phù hợp".
"Không nên chỉ thiên về việc bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận hay bảo lãnh phát hành mà tùy tình hình thực tế để có quyết định phù hợp".
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện đang bị chậm lại, một phần do ảnh hưởng sự tụt dốc của thị trường chứng khoán.

Ngay ở các doanh nghiệp Nhà nước đang chuẩn bị cổ phần hóa hay đã cổ phần hóa xong vẫn còn những lúng túng về việc nắm giữ và quản lý phần vốn Nhà nước.

Xung quanh vấn đề này, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước đã ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Nghĩa, hàm Vụ trưởng, chuyên viên cao cấp của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trả lời phỏng vấn của báo giới.

Ban chỉ đạo đã đề xuất phải tiếp tục thúc đẩy việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước dù thị trường chứng khoán đang suy yếu và có thể, sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ của Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm đa số, thậm chí trên 95%. Như vậy, liệu cổ phần hóa có giúp cho việc quản trị doanh nghiệp tốt hơn hay chỉ là việc làm mang tính hình thức?

Nếu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà đạt các tiêu chí của Luật Doanh nghiệp (cổ đông của công ty cổ phần có số lượng tối thiểu là ba, không hạn chế tối đa) thì việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần là điều bình thường.

Trong quá trình hoạt động, Nhà nước sẽ tiếp tục chuyển nhượng số cổ phần của mình khi thị trường có nhu cầu chứ không cố định ở mức cao như khi mới cổ phần hóa.

Trừ một số lĩnh vực theo quy định (Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg) Nhà nước nắm cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ), còn lại thì Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ cổ phần ở mức thấp, thậm chí không giữ cổ phần nữa. Việc  giữ cổ phần ở mức đa số tuyệt đối chỉ là giải pháp tình thế trong từng thời điểm cụ thể.

Việc quản trị công ty cổ phần có mang tính hình thức hay không khi Nhà nước giữ đa số vốn còn phụ thuộc vào người được Nhà nước cử làm đại diện tham gia trong bộ máy Hội đồng Quản trị của công ty đó.

Trong thực tế, có công ty cổ phần, Nhà nước chỉ giữ 30% vốn điều lệ như Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết chẳng hạn, nhưng tình hình quản trị tại đó cũng có vấn đề (cổ phiếu công ty mới được giao dịch lại sau 10 ngày bị tạm ngưng giao dịch do kinh doanh thua lỗ hai năm liền).

Hoặc trường hợp Công ty Cổ phần Hữu Nghị (Hà Nội) được cổ phần hóa từ năm 1998 và Nhà nước không giữ cổ phần ở công ty này, nhưng nhiều năm nay, công ty không hoạt động dù nằm ngay ở mặt tiền đường Quán Thánh, Hà Nội.

Có tình trạng ở một số doanh nghiệp, sau khi cổ phần hóa, Nhà nước giữ 50-60% vốn điều lệ; tình trạng sở hữu chéo cổ phiếu giữa các doanh nghiệp, hoặc nhiều quyết định quan trọng của công ty cổ phần không thông qua đại hội cổ đông do cổ đông nhà nước nắm tỷ lệ vốn quá lớn. Theo ông, làm thế nào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư tại đây, trong những trường hợp như vậy?

Các quy định hiện hành không cấm việc đầu tư chéo. Tuy nhiên, việc đầu tư như thế có được tiếp tục không sẽ được quy định trong Nghị định về tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Luật Doanh nghiệp quy định những công việc quan trọng phải do đại hội đồng cổ đông quyết định. Nơi nào vi phạm, cổ đông tại công ty đó có quyền khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, đối với công ty cổ phần thì ý kiến của các cổ đông không có giá trị như nhau mà còn phụ thuộc vào số cổ phần, loại cổ phần mà cổ đông đó sở hữu.

Phải chăng luật sử dụng vốn nhà nước chưa ra đời khiến cho quá trình cổ phần hóa càng bị chậm trễ?

Chính phủ luôn bám sát tình hình thực tế để điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp. Cũng có lúc do nhiều yếu tố khách quan như thị trường chứng khoán Việt Nam và nền kinh tế toàn cầu suy giảm ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, cần phải có các giải pháp thích hợp như đã nêu ở trên.

Tại một cuộc hội thảo mới đây ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, một lãnh đạo Bộ Tài chính có đề xuất phải đưa ra một tiêu thức chung cho việc xác định giá trị doanh nghiệp, tránh việc tự định giá như hiện tại gây nhiều tranh cãi. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi việc xác định giá trị doanh nghiệp cần phải có đội ngũ chuyên nghiệp, am hiểu nhiều vấn đề, phải thực tế và phải có trách nhiệm rất cao. Trong quy trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước thì việc đấu giá cổ phần công khai, minh bạch là quan trọng nhất.

Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp chỉ là cơ sở để Nhà nước định giá tối thiểu khi tổ chức đấu giá và nhà đầu tư có thông tin chính thức về doanh nghiệp đó để quyết định đầu tư.

IPO không phải là con đường duy nhất để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà có thể lựa chọn các hình thức bán cổ phần khác như bán thỏa thuận hoặc bảo lãnh phát hành theo quy định. Theo ông, hiện nay nên ưu tiên lựa chọn hình thức nào cho việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và nên phân nhóm các doanh nghiệp Nhà nước như thế nào để khi cổ phần hóa thu được hiệu quả cao?

Việc bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận trực tiếp được áp dụng đối với các nhà đầu tư chiến lược, nhất là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài   (áp dụng đối với các doanh nghiệp cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược như các ngành viễn thông, điện, đóng tàu, ngân hàng, bảo hiểm). Trong các lĩnh vực này việc tìm được nhà đầu tư chiến lược theo đúng yêu cầu là rất quan trọng.

Tất nhiên có thể mức giá bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược sẽ thấp hơn chút ít so với giá đấu cao nhất khi đấu giá. Còn việc bán cổ phần theo phương thức bảo lãnh phát hành cũng tương tự như việc bán buôn để các công ty chứng khoán bán dần cho các nhà đầu tư.

Vì vậy, không nên thiên về một phương thức nào mà tùy tình hình thực tế để có quyết định phù hợp.

(Theo TBKTSG)