09:38 09/01/2013

Vàng đang bớt “lấp lánh” trong mắt dân cư

Minh Đức

Giao dịch mua vàng của dân cư đã giảm rất mạnh, người trong cuộc cho hay

“Khi kinh doanh vàng miếng được tổ chức lại, quản lý và giám sát, thị trường nguội đi, nguội đi thì không còn quá ngon ăn, quá dễ dàng”.
“Khi kinh doanh vàng miếng được tổ chức lại, quản lý và giám sát, thị trường nguội đi, nguội đi thì không còn quá ngon ăn, quá dễ dàng”.
Ngày mai (10/1/2013), hoạt động kinh doanh vàng miếng có thay đổi lớn về tổ chức. Thị trường sẽ có những tác động gì: cung - cầu, giá và môi trường giao dịch?

Ngày 8/1, Ngân hàng Nhà nước cấp thêm giấy phép cho 7 đơn vị tham gia kinh doanh vàng miếng. 38 đầu mối với 2.497 điểm là quy mô bước đầu của việc tổ chức lại mạng lưới giao dịch theo Nghị định 24, bắt đầu ngày mai (10/1).

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI và cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Tiên Phong (hai đơn vị cùng được cấp phép đợt đầu), xoay quanh thay đổi trên.

“Sẽ đảm bảo quyền lợi người dân tốt hơn”

Trước đây có khoảng 12.000 điểm kinh doanh vàng miếng, gần đây giảm xuống còn hơn 8.000 điểm, nay là 2.500 điểm. Ông nhìn nhận thế nào về thay đổi này?

Đương nhiên là co hẹp. Nhưng phần lớn 12.000 điểm trước đây là nhỏ lẻ, cái quầy nhỏ cũng tham gia, quá đơn giản như đi chợ mua thực phẩm ấy. Đối xử với kinh doanh vàng dễ dàng như vậy, thậm chí thiếu đi sự kiểm soát chặt chẽ… Nay, khi kiểm soát, cả ba chủ thể cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị kinh doanh, khách hàng đều phải tự điều chỉnh.

Một khi các điểm kinh doanh vàng miếng phải đủ điều kiện thì khách hàng sẽ được bảo chứng, vì các đơn vị bán hàng là đủ tiêu chuẩn mà trước đây không ai đặt ra, không ai đòi hỏi, không ai yêu cầu. Một miếng vàng, số tiền khá lớn mà không có sự bảo đảm ấy, không có sự kiểm tra của cơ quan quản lý thì không ổn. Nay, người tiêu dùng hưởng lợi vì họ mua bán ở nơi đã đăng ký, đã được kiểm tra, đã và đang được giám sát, qua đó giảm thiểu đầu cơ trục lợi, mua bán tù mù…

Vàng đang bớt “lấp lánh” trong mắt dân cư 1Có thể nói giá vàng là con ngựa bất kham. Thuần phục thì không dám nói, nhưng chúng tôi biết sử dụng con ngựa đó như thế nào, cái gì phải tránh. Ông Đỗ Minh Phú

Nhưng quy mô mạng lưới giảm đi thì việc đáp ứng nhu cầu giao dịch theo ông có ảnh hưởng không?

Cái tất yếu là sẽ khó khăn hơn về địa lý. Trước đây các ngân hàng ít tham gia, nay vì trách nhiệm của mình thì tất cả các thị trấn thị tứ đều có các điểm giao dịch ngân hàng, sẽ thay thế được sự thiếu hụt này.
 
Trong quá trình triển khai sẽ gặp những khó khăn cục bộ, về mặt địa lý nhưng không phải quá lớn. Một người dân ở vùng xa nếu có 45 - 47 triệu đồng, muốn mua miếng vàng để tích trữ thì họ sẵn sàng lên phố huyện, đi mấy cây số không phải là quá khó, quan trọng là tìm được địa điểm giao dịch hợp pháp, đảm bảo được quyền lợi của mình.

Nhìn từ góc độ người tiêu dùng, họ cần những cái đó. Vì giao dịch vàng không phải quá thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như xăng dầu, lương thực… để chạy ra đầu ngõ mua ở cái tủ kính nào đó, mà không chắc sau đó bán lại có thuận lợi, đảm bảo hay không.

Thực ra cá nhân tôi thấy, phần lớn người dân có nhu cầu mua vàng món nhỏ hơn là vàng miếng. Như hồi đầu năm 2011, chúng tôi đưa ra loại vàng nhẫn trơn ép vỉ 1 - 2 chỉ…, nhắm đến nhu cầu mua để tặng. Loại nhẫn “3 trong 1” đó bán rất mạnh, qua đó chúng tôi hiểu được tâm lý đa số dân cư là nó hợp sức, tiện ích để cất trữ, làm nữ trang, để tặng và thanh khoản cao chứ không hẳn cứ là vàng miếng.

“Kinh doanh vàng không dễ!”

Còn với các đầu mối tham gia, ông thấy họ đón thay đổi này như thế nào?

Theo tôi thấy thì các đầu mối đã sẵn sàng. Vì Nghị định 24 đã được họp bàn cả năm trước, họ đã chuẩn bị rồi. Như tại TienPhong Bank đến tháng 6/2012 đã sẵn sàng, sau khi tổ chức hàng trăm buổi đào tạo. Dĩ nhiên cổ đông lớn DOJI hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm thành công và cả những nếm trải. Hay với DOJI, trong năm 2012 đã mở thêm 12 chi nhánh, nâng lên 40 điểm để chuẩn bị cho thay đổi này.

Quan trọng nhất khi mở rộng như vậy là công tác quản trị rủi ro. Phải trang bị và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Phải xây dựng hệ thống phần mềm trên toàn hệ thống, quản lý trạng thái tập trung. Bất cứ giao dịch nào cũng phải gửi thông tin tức thời để giám sát.

Khi kinh doanh vàng miếng mở rộng thì việc bố trí nguồn lực càng khó khăn. Giả sử có 20 điểm giao dịch, mỗi điểm chỉ bố trí 50 lượng để sẵn sàng giao dịch thì đã là 1.000 lượng, gần 50 tỷ đồng rồi. Bây giờ tăng lên gấp ba, thì chỉ riêng lượng vốn lưu động để sẵn sàng đáp ứng là rất lớn lên đến 150 tỷ. Nếu quản lý, điều phối không tốt thì sẽ không hiệu quả, dễ lãng phí nguồn lực.

Vàng đang bớt “lấp lánh” trong mắt dân cư 2Trong khoảng thời gian gần đây tôi thấy có một điều hơi khác lạ, là nhu cầu mua bán vàng thật sự của người dân không còn lớn. Ông Đỗ Minh Phú

Còn đón cơ hội, ứng xử với rủi ro, thưa ông?

Nghị định 24 ra đời đặt ra thách thức. Nhà nước xem vàng miếng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, tức là không thoải mái như trước. Các chủ thể đã bị giới hạn. Quy mô và độ lớn sẽ không như một thị trường tự do nữa.

Ngược lại, cũng đặt ra cơ hội cho các đơn vị xây dựng được điều kiện kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Anh tổ chức tốt thì giảm thiểu được chi phí, vì càng mở rộng mạng lưới thì càng tốn kém chi phí.

Vàng lại có đặc thù riêng, gắn với rào cản rất lớn là quản trị rủi ro và khả năng thua lỗ, vì nó biến động bất thường, nóng lạnh khó lường, chịu nhiều tác động kinh tế, địa chính trị trong và ngoài nước… Kinh doanh vàng là không dễ!

Có thể nói giá vàng là con ngựa bất kham. Thuần phục thì không dám nói, nhưng chúng tôi biết sử dụng con ngựa đó như thế nào, cái gì phải tránh. Đó cũng là kinh nghiệm tôi tin DOJI sẽ hỗ trợ được TienPhong Bank, mà đó cũng là trách nhiệm của cổ đông lớn, cổ đông chiến lược.

Song, khi có quản lý chặt chẽ hơn thì cũng sẽ hạn chế bớt rủi ro. Trước đây không áp trạng thái vàng tại các ngân hàng, nên có thể đầu cơ, có thể để trạng thái vàng rất lớn chờ đợi cơ hội. Nhưng vàng bất kham, giá sụt thì rõ ràng rủi ro có thể gây ảnh hưởng rất lớn vượt tầm kiểm soát. Cho nên Ngân hàng Nhà nước đã áp trạng thái dương cuối ngày chỉ 2% vốn tự có, thấp như vậy để hạn chế những ai từng say sưa đầu cơ.

Bản thân chúng tôi trước đây vẫn luôn kiểm soát trạng thái qua đêm, ít khi để vượt khỏi ngưỡng cảnh báo rủi ro. Nguyên tắc mà chúng tôi cũng áp dụng tại TienPhong Bank là không say sưa với lợi nhuận quá đà bởi say sưa quá có khi thành rủi ro mất nghiệp.

Và điểm khác lạ…

Với việc tổ chức lại mạng lưới như trên, liệu cung - cầu và giá trên thị trường có tác động gì không?

Trong khoảng thời gian gần đây tôi thấy có một điều hơi khác lạ, là nhu cầu mua bán vàng thật sự của người dân không còn lớn.

Có thể thấy, trong chừng mực nào đó, kênh đầu tư vào vàng không còn hấp dẫn như trước đối với người dân tại thời điểm này. Trước đây, giá vàng biến động thì xuất hiện tâm lý đón đầu, bắt đáy - bán đỉnh. Nhưng quả thực gần đây chúng tôi thấy nó không trở thành phong trào, không còn rồng rắn xếp hàng mua bán.

Nghị định 24 với mục tiêu vàng miếng không phải là lĩnh vực kinh doanh khuyến khích, có điều kiện. Và một phần nào đó đã phát huy tác dụng. Vàng bây giờ chúng tôi thấy không thật sự “lấp lánh” như trước. Người dân mua vàng không dễ dàng kiếm lợi, có thể nói là khó khi mà thị trường đã nguội.

Ý tôi là có thể tác động về cung - cầu? Tôi có suy tính trực quan thế này: hàng nghìn điểm kinh doanh không còn được tham gia, lượng vàng miếng tồn quỹ có lẽ được bán ra để lấy vốn chuyển hướng kinh doanh chứ không để đọng ở vàng, từ đó tạo cung chẳng hạn…

Ý của bạn, thị trường vàng nó thế này. Hầu hết là các cửa hàng nhỏ lẻ, vốn vàng không sẵn sàng ở mức lớn như bạn tính đâu. Chủ yếu là họ có vài lượng, thậm chí khi cần họ chạy ra cửa hàng lớn để lấy. Thứ hai là lượng vàng đó không nằm trong hệ thống phân phối, mà nằm trong người dân khi có nhu cầu họ mới bán ra; chứ không phải là nằm trong hệ thống phân phối trước đây, nay không được kinh doanh thì họ bán ra và tăng cung. Những người đó họ cũng chọn thời điểm tốt nhất để bán lại, chứ không sợ ế, không sợ hỏng… nên nó vẫn nằm trong dân khi họ không được phép kinh doanh.

Ông nói vàng đã bớt “lấp lánh” trong dân cư, vậy có thể thấy qua những con số tham khảo…

Tôi nói luôn. Giao dịch của DOJI cuối 2011 đầu 2012 mỗi ngày bán lẻ cho dân cư ít nhất từ 1.500 - 2.000 lượng, lưu ý hệ thống lúc đó mạng lưới mới chỉ bằng hai phần ba hiện nay; hệ thống giao dịch tổng thể cỡ khoảng 4.000 lượng. Ba tháng gần đây, quý 4/2012, lượng bán lẻ cho người dân toàn hệ thống mỗi ngày nhiều nhất cũng chỉ 700 - 800 lượng. Không còn tình trạng sốt, người dân ào ạt mua bán như trước.

Còn về lực cầu, thưa ông?

Về cầu, khi thay đổi, như đã nói, là ai muốn mua thì họ đi xa hơn, tìm điểm an toàn để giao dịch, chứ không phải vì thu hẹp mạng lưới mà cầu giảm, hay giá tăng.

Cầu, chúng tôi phỏng đoán nó sẽ thấp hơn. Các ngân hàng thương mại thời gian qua phải tất toán trạng thái nên họ mua vào. Nhu cầu ấy sẽ dần dần trở lại bình thường. Còn với người dân, họ sẽ chờ đợi để mua.

Nhiều người hiện không coi vàng là kênh hấp dẫn. Thứ nữa là họ nhìn thấy giá còn nhiều biến động phức tạp khi hệ thống kinh doanh tuân thủ Nghị định 24. Khi tuân thủ sẽ có những giao động, họ sẽ chờ giao động đó ở mức nào, chờ đợi và nghe ngóng.

Hai là chênh lệch giá trong nước và thế giới cao, mua vào thời điểm này có thể đứng trước rủi ro khi giá trở lại thăng bằng, không còn độ lệch 4,5 - 5 triệu nữa. Rồi thị trường xuất hiện những nhiễu loạn vừa qua là vàng giả, nhái… làm tâm lý người mua vàng lo ngại.

Rồi về khả năng tăng giá. Năm 2012, giá trên thị trường quốc tế tăng 7%, trong nước tăng 9%, trong khi năm 2011 giá tăng 24%. Như vậy nếu đầu tư từ đầu năm để đến cuối năm thì chắc đâu hơn gửi tiết kiệm, mà lại ăn không ngon ngủ không yên, thấp thỏm? Vì thế vàng đã giảm độ “lấp lánh” của nó.

Trong lịch sử 12 năm tăng giá thì 2012 tăng thấp nhất khoảng 7% thôi. Thị trường quốc tế chu kỳ đó tăng thấp là 17%, cao nhất là 24%, còn ở Việt Nam cá biệt có năm tới gần 30%, nhưng riêng 2012 dưới 10% - thấp hơn lãi tiết kiệm. Người dân nhìn thấy, đo thấy điều đó.

Vàng đang bớt “lấp lánh” trong mắt dân cư 3Với Việt Nam, lạm phát vẫn là nguy cơ có thể trở lại. Các kênh đầu tư khác vẫn chưa sáng sủa, như bất động sản, ngoại tệ, chứng khoán… Còn kênh đầu tư tiết kiệm và vàng. Người dân vẫn quan tâm đến vàng, vấn đề là thời điểm. Ông Đỗ Minh Phú

“Chưa hết chu kỳ tăng giá”

Vậy xu hướng vận động của giá vàng trong năm 2013, ông có thể đưa ra dự báo không?

Vàng vẫn là công cụ hữu hiệu để phòng chống rủi ro trên thế giới. Các nền kinh tế hàng đầu vẫn khó khăn, việc đầu tư vào vàng của các ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính vẫn là nhu cầu lớn. 2013 vàng vẫn chưa hết chu kỳ tăng giá.

Chúng tôi không đánh giá mức độ tăng bao nhiêu, nhưng rất khó phi mã như những năm 2009 - 2011. Còn thời điểm này chúng tôi vẫn nói vui là vàng đang giãy dụa trong mức giá 1.650 USD/oz. Đây cũng là điểm lạ so với những năm trước. Thường thì sau tháng 12 bao giờ cũng là thời điểm giá vàng quốc tế tăng, năm nay không hoàn toàn như vậy.

Với Việt Nam, lạm phát vẫn là nguy cơ có thể trở lại. Các kênh đầu tư khác vẫn chưa sáng sủa, như bất động sản, ngoại tệ, chứng khoán… Còn kênh đầu tư tiết kiệm và vàng. Người dân vẫn quan tâm đến vàng, vấn đề là thời điểm.

Và khi kinh doanh vàng miếng được tổ chức lại, quản lý và giám sát với loại hình kinh doanh có điều kiện, thị trường nguội đi, nguội đi thì không còn quá ngon ăn, quá dễ dàng. Đó là một thực tế.