09:59 22/11/2011

Vàng hay USD mới là “vịnh tránh bão”?

Hồng Ngọc

Sự bất ổn của kinh tế Mỹ và châu Âu cùng những dự báo bi quan về suy thoái kinh tế toàn cầu đang khiến nhà đầu tư hoảng loạn

Phiên giao dịch đêm qua bộc lộ rõ sự hoảng loạn của nhà đầu tư trước những vấn đề trầm trọng của kinh tế thế giới.
Phiên giao dịch đêm qua bộc lộ rõ sự hoảng loạn của nhà đầu tư trước những vấn đề trầm trọng của kinh tế thế giới.
Các nghị sỹ đứng đầu “siêu ủy ban” lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ hôm 21/11 tuyên bố đã không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm 1.200 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong thập niên tới như kỳ vọng của thị trường, hãng tin AFP cho hay.

Trong một tuyên bố chung, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Patty Murray và Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Jeb Hensarling nói: "Chúng tôi hết sức thất vọng về việc đã không thể đi đến một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách".

Theo đó, "siêu ủy ban" trên đã không hoàn thành sứ mệnh là đạt tới thỏa thuận giảm bớt 1.200 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới, giữa lúc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn đang tranh chấp về đánh thuế cao vào người giàu và giảm chi tiêu xã hội.

Bất chấp kết quả bế tắc của hai đảng, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) cho biết vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Mỹ ở mức AA+, với lý do thất bại này sẽ dẫn tới việc kích hoạt chương trình tự động cắt giảm thâm hụt vào năm 2013.

Tuy nhiên, động thái của S&P không phải có tính quyết định tới xu hướng thị trường, khi mà hai tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s và Fitch Ratings còn chưa lên tiếng. Hôm qua, thị trường đồn đoán rằng, hai tổ chức này sẽ có bước đi khác.

Trong khi đó, cũng trong ngày 21/11, tổ chức Moody’s đã lên tiếng cảnh báo rằng, chi phí vay mượn ngày càng tăng cao của Chính phủ Pháp và triển vọng kinh tế bất ổn đang đặt ra nhiều rủi ro đối với triển vọng của mức xếp hạng AAA của nước này.

Theo chuyên gia cao cấp của Moody’s, “chi phí vay mượn ở mức cao trong một thời gian dài làm tăng những thách thức tài chính mà Pháp phải đối mặt, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ngày càng sa sút với dấu hiệu tín nhiệm tiêu cực”.

Theo số liệu của FactSet Research, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Pháp tăng 0,06% lên 3,51%. Tuần trước, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp và Đức tăng lên trên mức cao kỷ lục 2%.

Hồi tháng 10, Moody’s đã cảnh báo có thể hạ triển vọng tín nhiệm của Pháp xuống mức tiêu cực trong 3 tháng tới nếu chi phí giải cứu ngân hàng và các quốc gia thành viên Khu vực đồng Euro, khiến ngân sách rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức.

Một vấn đề khác cũng khiến tình hình tài chính ở châu Âu trở nên nổi cộm hơn là sự thất bại ê chề của đảng Xã hội cầm quyền ở Tây Ban Nha trong cuộc bầu cử cuối tuần trước, chấm dứt 7 năm cầm quyền của đảng này, để lại di sản thất nghiệp tới 21,5%.

Mặc dù, sự đổi ngôi chính trị ở Tây Ban Nha và trước đó là Italy, Hy Lạp là tín hiệu đáng mừng, cho thấy khả năng châu lục này có thể thoát khỏi “nanh vuốt” khủng hoảng với tầng lớp lãnh đạo mới. Song, điều đó cũng bộc lộ rằng, châu Âu thực sự yếu ớt.

Từ những vấn đề thực tế đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu, người ta không khỏi nghi ngờ rằng, những bình luận gần đây của giới lãnh đạo chính trị toàn cầu về một “cơn bão” suy thoái kinh tế mới đang hình thành không phải chỉ là ẩn ý, mà hoàn toàn sát thực.

Trong đó, rõ nét nhất là nhận định có vẻ “chắc như đinh đóng cột” của Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. Theo ông Sơn, với bối cảnh hiện nay, một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính chắc chắn sẽ diễn ra và kéo dài.

Sở dĩ thị trường quan tâm tới nhận xét này của ông Sơn, là bởi trước giờ giới chức ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ít khi bi quan như vậy. Ngoài ra, những động thái thắt chặt tín dụng ở Trung Quốc đang diễn ra buộc người ta phải nghĩ khác.

Phiên giao dịch đêm qua, hàng loạt thị trường từ vàng, dầu cho tới chứng khoán đều đổ dốc mạnh theo những tin xấu cùng dự báo kém lạc quan về kinh tế Mỹ và châu Âu. Sự đi xuống này có thể còn kéo dài nếu tình hình không có gì mới lạc quan hơn.

Cụ thể, trên thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones giảm 248,85 điểm, tương ứng 2,11%, xuống 11.547,31 điểm. S&P 500 giảm 22,66 điểm, tương ứng 1,86%, xuống 1.192,99 điểm. Nasdaq hạ 49.36 điểm, tương ứng 1,92%, xuống 2.523,14 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,62% xuống mức 5.222,60 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 3,41%, xuống còn 2.894,94 điểm. Chỉ số DAX của Đức bốc hơi 3,35% xuống mức 5.606,00 điểm.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 giảm 75 xu, tương ứng 0,8%, xuống còn 96,92 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York. Đây là mức giá chốt theo ngày thấp nhất của dầu kỳ hạn trong gần 2 tuần qua.

Thị trường vàng cũng không khả quan hơn. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York lao dốc 46,5 USD (-2,7%) xuống 1.678,60 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 24/10. Theo chỉ số vàng của Kitco, giá vàng giao ngay trượt 42 USD/ounce.

Trong khi đó, giá đồng USD tăng khá mạnh so với các loại tiền tệ khác. Phiên hôm qua, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã tăng lên 78,279 điểm, từ mức 78,098 điểm trong phiên cuối tuần trước.

Sự bất ổn của kinh tế Mỹ và châu Âu cùng những dự báo bi quan về suy thoái kinh tế toàn cầu đang khiến USD trở thành món hàng được giới đầu tư săn lùng khi cho rằng, đây mới thực sự là “vịnh tránh bão” an toàn nhất lúc này.