11:23 22/09/2011

Vàng mất giá mạnh sau cuộc họp của FED

Kiều Oanh

Giá vàng quốc tế giảm sâu dưới 1.800 USD, giá vàng trong nước còn 46,8 triệu đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn thế giới 2 triệu đồng/lượng

Diễn biến giá vàng SJC trong 7 phiên gần nhất, tính đến 11h20 hôm nay, 22/9/2011 (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Diễn biến giá vàng SJC trong 7 phiên gần nhất, tính đến 11h20 hôm nay, 22/9/2011 (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.
Biện pháp kích thích tăng trưởng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố hôm qua không lớn như kỳ vọng của thị trường, giá vàng quốc tế vì thế giảm sâu dưới 1.800 USD.

Trong nước, giá vàng sáng nay tụt về 46,8 triệu đồng/lượng, trong khi giá USD thị trường tự do tiếp tục đi lên theo khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Lúc 10h15 sáng nay, Công ty Sacombank-SBJ niêm yết giá vàng miếng SBJ ở mức 46,61 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,79 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Phú Quý cùng thời điểm báo giá vàng SJC ở mức 46,6 triệu đồng/lượng và 46,85 triệu đồng/lượng.

Theo biểu đồ diễn biến giá vàng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng do doanh nghiệp này áp dụng hiện đã giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua.

Các doanh nghiệp kim hoàn cho biết, lực mua vàng có chiều hướng tăng mạnh mỗi khi giá giảm về quanh 47 triệu đồng/lượng. So với những mức giá 48-49 triệu đồng/lượng trước đây, thì mức giá vàng hiện nay đang được không ít người xem là đã thích hợp để mua vào.

Tuy nhiên, so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn nhiều. Lúc 10h15 sáng nay, giá vàng giao ngay tại châu Á quy đổi theo giá USD ngân hàng thương mại chỉ vào khoảng 44,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng bán lẻ trong nước 2,2 triệu đồng/lượng.

Đợt cấp hạn ngạch nhập vàng vừa qua của Ngân hàng Nhà nước dường như chưa đủ sức thu hẹp khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Đại diện của SJC cho biết, ngay khi được cấp hạn ngạch nhập vàng cách đây ít ngày, công ty này đã bán ra hết số vàng được phép nhập bằng cách xả hàng từ trong kho, rồi đợi hàng nhập về bù lại sau đó.

Không tiết lộ cụ thể số vàng được phép nhập, đại diện này chỉ cho biết, SJC đợt này chỉ được nhập vài trăm kg vàng, không đủ đáp ứng nhu cầu đang mạnh của thị trường.

Khoảng cách giữa giá vàng “nội” và “ngoại” bị kéo giãn, tỷ giá USD/VND thị trường tự do cũng tăng theo. Một số điểm giao dịch tại Hà Nội sáng nay báo giá ngoại tệ này ở mức 21.050 đồng (mua vào) và 21.100 đồng (bán ra).

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND vẫn được ngân hàng Vietcombank duy trì niêm yết ở 20.830 đồng và 20.834 đồng. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng cũng không thay đổi ở mức 20.628 đồng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đêm qua tại New York chốt phiên hạ 24,3 USD/oz, tương đương giảm 1,4%, còn 1.781,5 USD/oz. Lúc 10h sáng nay giờ Việt Nam, giá vàng giảm thêm 7,1 USD/oz, còn 1.774,4 USD/oz.

Vàng giảm giá sau khi FED cho biết sẽ tăng nắm giữ các loại trái phiếu dài hạn và giảm nắm giữ các loại trái phiếu ngắn hạn, theo đó tạo điều kiện cho lãi suất vay vốn trên thị trường giảm xuống. Biện pháp hỗ trợ tăng trưởng này của FED không mạnh như kỳ vọng của thị trường, khi mà trong bối cảnh kinh tế u ám hiện nay, giới quan sát kỳ vọng FED sẽ có một chương trình bơm tiền trực tiếp.

Cũng trong ngày hôm qua, Hy Lạp đã thông qua thêm những biện pháp thắt lưng buộc bụng mới để nhận được khoản giải ngân cứu trợ tiếp theo từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vàng thường chịu áp lực giảm giá mỗi khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có một thông tin tích cực nào đó.

Áp lực giảm giá đối với vàng còn đến từ đồng USD mạnh. Giới đầu tư quốc tế tiếp tục xem USD là một “vịnh tránh bão”, đồng thời cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone càng giúp USD tăng giá so với Euro. Tỷ giá Euro/USD sáng nay tại Tokyo là dưới 1,36 USD/Euro so với mức hơn 1,37 USD/Euro vào sáng qua.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, vàng có thể chỉ giảm giá trong ngắn hạn và sẽ sớm tăng giá trở lại, khi mà châu Âu vẫn trong vòng xoáy khủng hoảng, kinh tế Mỹ thì đuối sức. Nhiều tổ chức lớn gần đây đã dự báo, giá vàng sẽ lên mức 2.000-2.200 USD/oz vào năm tới.