11:28 13/08/2009

Vắng ngân hàng trên UPCoM: Vướng ở đâu?

Cơ quan quản lý kỳ vọng cổ phiếu của khối ngân hàng, tài chính… là loại hàng hóa chủ lực, thu hút nhà đầu tư đến sàn

Đến thời điểm này, vẫn chưa có ngân hàng nào chính thức giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.
Đến thời điểm này, vẫn chưa có ngân hàng nào chính thức giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.
Khi xây dựng thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), cơ quan quản lý kỳ vọng cổ phiếu của khối ngân hàng, tài chính… là loại hàng hóa chủ lực, thu hút nhà đầu tư đến sàn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có ngân hàng nào chính thức giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.

Ngoài những do dự của các ngân hàng về tính thanh khoản trên sàn này thì có một vướng mắc lớn, đó là để được giao dịch trên sàn UPCoM phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng để vượt qua "khâu" này là không hề dễ dàng...

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) là ngân hàng đầu tiên nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Nhưng sau nhiều tháng mà vẫn không thể hoàn tất thủ tục, SCB đã chuyển hướng sang nộp hồ sơ xin niêm yết trên sàn HOSE.

Ông Phạm Anh Dũng, Tổng giám đốc SCB cho biết, trước đó ngân hàng đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước về một số vấn đề liên quan đến mua - bán cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài trên UPCoM, cũng như quy định về chế độ báo cáo giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết.

"Ngân hàng Nhà nước giải thích là phải chờ văn bản hướng dẫn, hồ sơ của SCB được chuyển từ vụ này tới vụ nọ của cơ quan này mà cuối cùng vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức. Nếu được giải quyết, chắc cổ phiếu của SCB đã được giao dịch trên UPCoM trong đợt đầu", ông Dũng nói và cho biết, sau những vướng mắc trên, Hội đồng Quản trị SCB đã thống nhất chuyển sang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Hiện ngân hàng đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để cổ phiếu sớm được giao dịch trên sàn niêm yết.

Còn theo đại diện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Tp.HCM (HDBank), trước đây, ngân hàng đã có chủ trương đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, để đi đến thống nhất thì Hội đồng Quản trị HDBank phải bàn bạc kỹ lưỡng. Một trong những băn khoăn của Ban lãnh đạo HDBank cũng là thủ tục rườm rà để lên được sàn này.

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần khác cho rằng, ngoài vấn đề thủ tục, phương thức giao dịch và thời gian giao dịch trên sàn UPCoM cũng khiến các ngân hàng tỏ ra không "hào hứng" lắm.

"Thay vì lên sàn UPCoM, chúng tôi đang tính đến việc niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán tập trung", vị này cho biết.

Liệu cơ quan quản lý đã biết những vướng mắc này và có biện pháp gì để tháo gỡ? Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, đúng là nhiều ngân hàng đang "ngại" nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM vì phải chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng theo bà Lan, điều này sẽ sớm được giải tỏa, bởi Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng văn bản hướng dẫn liên quan đến thủ tục, quy định đối với các ngân hàng khi đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM như quy định về tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài (room)… Văn bản này sẽ gỡ được nút thắt cho các ngân hàng khi làm thủ tục đăng ký giao dịch.

Đại diện HNX cho biết, ngoài SCB nộp hồ sơ lên UPCoM (nhưng không thành), hiện có thêm một ngân hàng nữa chính thức nộp hồ sơ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Á (DaiABank).

Ông Trần Xuân Dũng, Giám đốc Chi nhánh Tp. HCM - DaiABank cho biết, hiện DaiABank đang hoàn tất các thủ tục và chỉ chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước là sẽ chính thức giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Mục tiêu lớn nhất của DaiABank khi lên sàn UPCoM là để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu…

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại cho rằng, chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận không hẳn là nguyên nhân chính cản trở các ngân hàng lên UPCoM. Vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng có tha thiết với sàn UPCoM hay không?

Ông Sơn cho hay, những ngân hàng lớn và có tính thanh khoản bậc nhất trên thị trường tự do như MB, Eximbank, nếu tính đến chuyện giao dịch tập trung thì với tiềm lực và vị thế của mình, họ có thể sẽ nghiêng về việc chọn sàn giao dịch chính thức. Hơn nữa, các ngân hàng đã thực hiện niêm yết như ACB, STB…, hiện có tính thanh khoản rất cao trên sàn, còn với sàn UPCoM thì chưa có tiền lệ nên các ngân hàng còn e dè.

Cũng theo ông Sơn, tuần qua, Ủy ban Chứng khoán đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước liên quan đến các thủ tục lên sàn UPCoM đối với các ngân hàng thương mại. Ủy ban Chứng khoán đã kiến nghị xem xét nới quy định để các ngân hàng đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM theo hướng không cần sự chấp thuận từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, khi các vấn đề liên quan đến thủ tục được cơ quan quản lý giải quyết, hồ sơ của các ngân hàng khi tham gia đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM sẽ bớt rườm rà hơn. Mấu chốt vẫn nằm ở chỗ các ngân hàng có mặn mà với sàn chứng khoán mới mẻ này hay không?                         

Hải Vân (Đầu tư Chứng khoán)