16:57 23/11/2011

Vàng SJC hết “đại hạ giá”

Kiều Oanh

Đến chiều nay, giá vàng SJC do SJC niêm yết không còn chênh lệch lớn với các doanh nghiệp khác

Hôm nay, thị trường chứng kiến không chỉ sự cách biệt lớn giữa giá mua-bán vàng ở cùng một doanh nghiệp mà còn cả sự khác biệt về giá giữa các doanh nghiệp khác nhau.
Hôm nay, thị trường chứng kiến không chỉ sự cách biệt lớn giữa giá mua-bán vàng ở cùng một doanh nghiệp mà còn cả sự khác biệt về giá giữa các doanh nghiệp khác nhau.
Đến chiều nay, giá vàng SJC do SJC niêm yết không còn chênh lệch lớn với các doanh nghiệp khác, từ chỗ đứng thấp hơn khoảng 500.000 đồng/lượng vào buổi sáng. Tuy nhiên, thị trường vàng miếng vẫn chưa tìm lại được sự đồng thuận về giá, khi mà bảng giá vàng niêm yết tại các doanh nghiệp vẫn có sự khác biệt đáng kể.

Hôm nay là một ngày giá vàng liên tục biến động và biến động phức tạp. Cùng lúc chịu sự tác động từ các động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước liên tục “nhảy múa” khó lường. Thị trường chứng kiến không chỉ sự cách biệt lớn giữa giá mua-bán vàng ở cùng một doanh nghiệp mà còn cả sự khác biệt về giá giữa các doanh nghiệp khác nhau.

Lúc 16h15 chiều nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Tp.HCM ở mức 44,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,8 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 300.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua-bán so với mức đáy thiết lập vào buổi sáng.

Cùng thời điểm, vàng Rồng Thăng Long tại Hà Nội được Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào ở mức 44,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 44,85 triệu đồng/lượng. Giá bán ra của vàng thương hiệu này chỉ đang chênh so với vàng SJC 50.000 đồng/lượng còn giá thu mua đã ở mức ngang bằng.

Cũng tại Hà Nội, vàng SJC được Công ty Phú Quý giao dịch ở các mức 44,7 triệu đồng/lượng và 45,05 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua vào và bán ra, cao hơn giá vàng do SJC niêm yết tương ứng 200.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng.

Vàng AAA của Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp (AJC) tới thời điểm này một lần nữa lại trở thành thương hiệu “đại hạ giá”, mua vào ở mức 44,1 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 44,5 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, vàng SBJ của Sacombank-SBJ  là thương hiệu đang được giao dịch ở mức giá cao nhất trên thị trường, với 44,65 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 44,95 triệu đồng/lượng ở chiều bán.

“Niêm yết giá vàng cao là một cách để chúng tôi khẳng định chất lượng vàng. Vàng SBJ của chúng tôi vẫn bán tốt, nhất là các loại miếng nửa chỉ, 1 và 2 chỉ tại các thị trường vùng sâu vùng xa”, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh của Sacombank-SBJ nói.

Đầu giờ sáng nay, giá vàng SJC thấp hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường khoảng 500.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, đến buổi trưa, giá vàng thương hiệu này bắt đầu “bốc” lên cùng giá vàng quốc tế, đạt đỉnh trong ngày là 44,8 triệu đồng/lượng và 45,1 triệu đồng/lượng trước khi quay đầu giảm trở lại khi giá vàng quốc tế không giữ được đà tăng.

Ở lúc đạt đỉnh, giá vàng SJC do SJC niêm yết thậm chí còn cao hơn giá vàng ở một số doanh nghiệp khác. Như vậy, việc SJC “đại hạ giá” vàng chỉ diễn ra vỏn vẹn trong sáng nay.

Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh của SJC cho biết, lực mua vàng tại doanh nghiệp này đã tăng mạnh khi công ty niêm yết giá thấp hơn thị trường sáng nay. Đến 15h chiều, SJC đã bán được 7.000 lượng vàng, trong khi mua vào hầu như không có.

Trả lời câu hỏi về việc vì sao SJC nhanh chóng đưa giá vàng về ngang với các doanh nghiệp khác thay vì tiếp tục “đại hạ giá” như đầu ngày, ông Tường cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện điều chỉnh giá theo diễn biến giá vàng quốc tế và tình hình cung cầu vàng của SJC. Chúng tôi không “chạy” theo giá tại các doanh nghiệp khác”.

Ở thời điểm 15h45, giá vàng SJC bán ra cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi 1,15 triệu đồng/lượng, từ chỗ chỉ cao hơn khoảng 600.000 đồng/lượng vào đầu giờ sáng nay. Điều này cho thấy, SJC đang đẩy giá vàng tăng nhanh hơn và giảm chậm hơn giá vàng quốc tế.

Theo ông Tường, trong số 7.000 lượng vàng mà SJC đã bán ra hôm nay, khách mua chủ yếu là người tiêu dùng nhỏ lẻ. “Chúng tôi hạn chế bán cho các khách hàng doanh nghiệp để đề phòng tình trạng đối tượng này mua vàng về để bán lại với mức giá cao hơn nhằm trục lợi. Thực tế là đã có những thời điểm giá vàng chúng tôi bán ra thấp hơn giá vàng thu mua ở các doanh nghiệp khác”, ông Tường nói.

Trao đổi với VnEconomy, một số doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Hà Nội và Tp.HCM cũng cho biết họ khó tiếp cận với vàng “bình ổn giá” của SJC, ở cả đợt bán bình ổn này và lần trước.

“Chúng tôi có mua vàng ‘bình ổn giá’ từ ngân hàng, nhưng mua xong thì chúng tôi phải gửi lại luôn ở ngân hàng chứ không được mang về. Để bán ra cho người dân, chúng tôi dùng vàng dự trữ trong kho cân đối với số vàng gửi ở ngân hàng”, Tổng giám đốc một công ty vàng ở Hà Nội cho biết.

“Vàng hai giá”, thậm chí là “nhiều giá” đang là câu chuyện được bàn đến nhiều nhất trên thị trường vàng trong nước những ngày này. Hai động thái công bố dự thảo nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng và yêu cầu nhóm “5+1” bán vàng bình ổn mà Ngân hàng Nhà nước tung ra 2 ngày qua đã dần khắc phục tình trạng trên.

Tuy nhiên, nếu so với giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước nói chung vẫn cao hơn trên cả triệu đồng mỗi lượng. Sự chênh lệch này tồn tại ngay cả khi nhóm “5+1” được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Điều này cho thấy, dù có được mua “vàng bình ổn” thì người dân vẫn đang nắm phần thiệt thòi.

Giá vàng giao ngay quốc tế lúc 16h chiều nay giờ Việt Nam giảm 3,8 USD/oz so với đóng cửa hôm qua ở New York, còn 1.696,6 USD/oz. Trước đó, có thời điểm giá vàng phục hồi lên mức 1.715 USD/oz.

Theo tin từ Reuters, giới đầu tư đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. “Giá vàng có thể sẽ ở trong khoảng 1.680-1.700 USD/oz cho tới hết tuần vì các nhà đầu tư giờ chỉ muốn giữ tiền mặt. Châu Âu có vẻ như không thể sớm giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ”, ông Ronald Leung, nhà giao dịch thuộc công ty Lee Cheong Gold Dealers, phát biểu trên Reuters.