09:04 28/01/2008

“Vào WTO, cái được lớn nhất là minh bạch hóa”

Hồng Thoan

Nội dung cuộc trò chuyện với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về những kết quả bước đầu của Việt Nam trong WTO

"Lợi ích lớn nhất mà việc thực thi các cam kết WTO đem lại chính là môi trường kinh doanh được cải thiện theo hướng minh bạch, thông thoáng".
"Lợi ích lớn nhất mà việc thực thi các cam kết WTO đem lại chính là môi trường kinh doanh được cải thiện theo hướng minh bạch, thông thoáng".
Nội dung cuộc trò chuyện với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về những kết quả bước đầu của Việt Nam trong WTO.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả bước đầu sau 1 năm gia nhập WTO?

Năm 2007 đã chứng kiến những nỗ lực của Việt Nam trong việc tích cực và chủ động thực hiện tư cách thành viên WTO.

Thứ nhất, các Bộ, ngành đã dành sự quan tâm thích đáng cho việc ban hành các văn bản pháp lý để thực hiện cam kết. Điều này giúp củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế vào quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ thành viên.

Thứ hai, để tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức của WTO, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành các Chương trình hành động để cụ thể hoá các nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình.

Thứ ba, trong khuôn khổ WTO, chúng ta đã tiến hành đàm phán với một số đối tác đang xin gia nhập để giải quyết các quyền lợi thương mại của Việt Nam. Việt Nam đã ký thoả thuận kết thúc đàm phán gia nhập với Nga, Ucraina với điều khoản công nhận kinh tế thị trường lẫn nhau bên cạnh các cam kết về mở cửa thị trường cho các mặt hàng Việt Nam quan tâm.

Ngoài ra, chúng ta cũng tích cực tham gia vào các Uỷ ban Đàm phán và cùng các thành viên đóng góp vào nội dung các văn kiện của vòng đàm phán Doha. Trong thời gian tới, khi cơ quan đại diện tại Geneve tiếp tục kiện toàn, chúng ta sẽ có điều kiện triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, ý nghĩa hơn nhằm hiện thực hoá tư cách thành viên của mình.

Theo ông, lợi ích lớn nhất mà Việt Nam đạt được trong năm đầu tiên gia nhập WTO là gì?

Lợi ích lớn nhất mà việc thực thi các cam kết WTO đem lại chính là môi trường kinh doanh được cải thiện theo hướng minh bạch, thông thoáng giúp huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển.

Kinh tế năm vừa qua đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 8,5%. Đầu tư nước ngoài có sự chuyển động mạnh mẽ từ năm 2006 và đạt mức kỷ lục trên 20 tỷ USD trong năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu tăng 21,5% đạt 48 tỷ USD.

Kết quả này là do quyết tâm của Chính phủ trong đổi mới cơ chế quản lý, nỗ lực của các Bộ, ngành trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là do sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp.

Mặc dù khoảng thời gian một năm chưa đủ để chúng ta có thể nhìn nhận tổng thể những tác động của sự kiện này nhưng những dấu ấn quan trọng, rõ nét đối với nền kinh tế trong năm đầu tiên là thành viên WTO là không thể phủ nhận.

Chúng ta cần phải khắc phục ngay những hạn chế nào, thưa Bộ trưởng?

Năm đầu tiên thực thi cam kết WTO cũng đã bộc lộ phần nào những thách thức to lớn mà chúng ta phải đối phó. Nhập siêu đạt mức hai con số do nhập khẩu có tốc độ tăng gấp rưỡi xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống đường giao thông, cảng, điện, nước... trở nên quá tải và có nguy cơ không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế nếu không có những giải pháp quyết liệt và nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành.

Thiếu lao động trình độ cao trong hầu hết các ngành, đặc biệt là trong những ngành công nghệ cao, dịch vụ... đang kìm hãm quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tạo ra được ít giá trị gia tăng, kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, những thách thức về vấn đề môi trường, công ăn việc làm... cũng đang tạo áp lực lên nền kinh tế.

Kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy đây là những vấn đề mang tính kinh điển với mọi nền kinh tế mở cửa trong giai đoạn công nghiệp hoá. Mục tiêu tăng trưởng bền vững sẽ tuỳ thuộc vào cách thức mỗi quốc gia đối phó với các thách thức này.

Xin Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ thực hiện những giải pháp nào để tạo thuận lợi cho việc tham gia WTO một cách có hiệu quả trong thời gian tới?

Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại đang tiếp tục thực hiện một loạt các giải pháp hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trên một số định hướng.

Trước hết, tập trung tăng cường các cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam. Theo hướng này, Bộ Công Thương đang chủ trì tiến hành đàm phán về các khu vực mậu dịch tự do với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ... nhằm dỡ bỏ các rào cản thuế, phi thuế cho xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ Việt Nam vào các thị trường này.

Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được tăng cường và đa dạng hoá thông qua hệ thống tham tán và các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Thứ hai, tạo dựng môi trường thương mại minh bạch, cạnh tranh bình đẳng. Chúng tôi phối hợp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong các vụ kiện liên quan tới giá, bản quyền, xử lý các hình thức cạnh tranh không lành mạnh, tăng cường công tác vận động các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường...

Thứ ba, Bộ Công Thương đang từng bước triển khai Chính phủ điện tử, tăng cường cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin với doanh nghiệp qua các cổng thương mại điện tử, hỏi đáp về chính sách thương mại.