Vào WTO, hiệp hội cũng phải hội nhập
Các doanh nghiệp bắt đầu thấm thía: làm ăn thời hội nhập, càng không thể thiếu “bạn”, thiếu “phường”!
Năm 2003, khi nổ ra vụ Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá ba sa thì Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) lần đầu tiên gánh vác thêm một sứ mệnh mới: trở thành “bà đỡ” cho các doanh nghiệp bị đơn trong vụ kiện.
Đây cũng là việc chưa từng xảy ra đối với các hiệp hội doanh nghiệp nói chung.
Tăng nhanh do thị trường
Cho đến nay vẫn chưa có một số liệu thống kê chính xác về số lượng các hiệp hội doanh nghiệp từ các cơ quan quản lý nhà nước. Con số thường được nhắc đến trong báo cáo của Bộ Nội vụ là khoảng 320 hội các loại có phạm vi hoạt động trong toàn quốc (trong đó, có 70 hội của các tổ chức kinh tế) và khoảng 2.150 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Riêng trong phạm vi tỉnh, thành phố, theo một khảo sát chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến năm 2005 cả nước có 283 hiệp hội doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội có 78 hiệp hội (chiếm gần 28%), Tp.HCM: 42 (15%), Bà Rịa-Vũng Tàu: 13 (gần 5%), Đà Nẵng: 12 (4,2%)...
Số lượng hiệp hội tăng nhanh, đặc biệt là từ năm 2003, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 88 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Trước thời điểm này, theo ước tính của bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI, cả nước chỉ có khoảng 50 hiệp hội doanh nghiệp.
Không chỉ số lượng hiệp hội tăng mà số hội viên của các hiệp hội cũng tăng rất mạnh. Theo điều tra của VCCI đối với 64 hiệp hội doanh nghiệp, trung bình vào thời điểm thành lập những hiệp hội này có 212 hội viên nhưng đến năm 2006 con số này đã tăng lên 892 (tăng 425%). Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam khi thành lập có 271 hội viên, đến nay đã có 7.301 hội viên (tăng 2.694%). Hội Nghề cá vào thời điểm thành lập có 7.000 hội viên, sáu năm sau, tức đến năm 2006 đã có 27.000 hội viên. Năm 1989, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM chỉ có 300 hội viên, đến nay đã có 3.000 hội viên...
Sự tăng nhanh của các hiệp hội doanh nghiệp và số lượng hội viên dù xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng cơ bản vẫn không nằm ngoài nhu cầu “buôn có bạn, bán có phường” trong cuộc cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng.
Để chung sức đưa thị trường nhà đất thoát khỏi tình trạng đóng băng, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đã lập ra Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM. Chỉ chưa đầy hai năm sau, đã có 300 doanh nghiệp xin tham gia hiệp hội.
Vai trò của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng “nóng” lên qua những đợt cấp quota dệt may xuất khẩu (“đấu” với Bộ Thương mại để tìm phương án cấp khả thi). Khi giá cà phê thế giới tăng, giảm, chao đảo người ta lại hướng về những động thái của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam.
Nhưng bước ngoặt lớn nhất trong nhận thức về vai trò của hội nghề nghiệp có lẽ phải đến năm 2003 với việc Vasep trở thành “bà đỡ” cho các doanh nghiệp bị đơn trong vụ Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá ba sa. Một Vasep năng nổ, cáng đáng những công việc mà từng doanh nghiệp khó có thể kham nổi cũng như Nhà nước không có quyền bao biện được như thuê luật sư, quyên góp tài chính, tổ chức “lobby”, hội thảo, tranh thủ các nguồn lực khác... đã tạo nên một hình ảnh lạ, một tư duy mới về hiệp hội.
Các doanh nghiệp bắt đầu thấm thía: làm ăn thời hội nhập, càng không thể thiếu “bạn”, thiếu “phường”! Tiến xa hơn một bước nữa, đến nay đã có bốn hiệp hội trực tiếp tham gia với tư cách đại diện ủy quyền của các doanh nghiệp bị đơn trong các vụ kiện chống phá giá như Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Xe đạp - xe máy Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Tp.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau. Riêng Hiệp hội Xe đạp - xe máy Việt Nam tham gia tới hai vụ tranh chấp.
Điều đó cho thấy vai trò, chức năng của các hiệp hội doanh nghiệp đang ngày càng tăng lên. Không phải không có cơ sở khi có đến 47% doanh nghiệp được hỏi về lý do tham gia hội đã trả lời là xuất phát từ đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (theo điều tra của VCCI).
Khó từ lãnh đạo hiệp hội
Tuy nhiên, số hiệp hội thể hiện tốt vai trò của mình dường như chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết, số còn lại vẫn trong tình trạng trì trệ, xơ cứng theo kiểu cũ hoặc chạy theo phong trào cho xôm tụ.
Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến yếu kém là do sự can thiệp quá sâu của Nhà nước, làm cho các hội mất đi sự tự chủ cần thiết.
“Có trường hợp, cơ quan nhà nước áp đặt thẳng nhân sự lãnh đạo hội mặc dù hội viên không ai muốn. Hội phải nghe theo chẳng qua vì còn phụ thuộc mặt này mặt nọ”, ông Liêm phát biểu.
Do phải lệ thuộc từ kinh phí hoạt động, nhân sự, trụ sở, đến điều lệ hoạt động nên nhiều hiệp hội gần như chỉ là “cánh tay nối dài” của bộ, ngành, cơ quan nhà nước nào đó. Mặc dù không có quy định nào bắt buộc nhưng thông thường lãnh đạo một số hiệp hội phải là người của tổ chức Đảng cử vào và không ít trong số đó là những cán bộ về hưu. Thậm chí, có một số lãnh đạo hội, hiệp hội hiện đang là thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng của các bộ, ngành.
“Hiệp hội doanh nghiệp đó liệu có thể thực hiện tốt chức năng phản biện chính sách hay không khi nhiều chính sách hiện tại cần thay đổi lại là sản phẩm của quan chức đang là lãnh đạo hiệp hội?”, ông Đậu Anh Tuấn, chuyên viên ban Pháp chế VCCI, đặt vấn đề.
Trong khi đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn tự mình đứng ra thành lập những tổ chức độc lập thì lại gặp cản ngại về thủ tục. Phát biểu tại Quốc hội, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho biết Hội Tin học phải mất 1.033 ngày mới được công nhận điều lệ, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam phải sau đại hội ba năm, Hội Mã số - mã vạch Việt Nam sáu năm vẫn chưa được công nhận điều lệ.
Dự án Luật về Hội được soạn thảo hơn chục năm nay, đến giờ chưa được thông qua vì còn nhiều ý kiến khác nhau.
Phải đổi mới
Theo ông Đậu Anh Tuấn, bản thân các hiệp hội cũng phải tự đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động vì tổ chức hội trong cơ chế thị trường rất khác với tổ chức hội trong nền kinh tế bao cấp.
Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty tại Tp.HCM than phiền rằng việc nâng cao hình ảnh, uy tín của giới mình trong hội là một chức năng hàng đầu song các hiệp hội hầu như chưa chú trọng đúng mức. “Báo chí cách đây không lâu có đưa tin hiệp hội nghề Nhật Bản kiện một công ty hội viên của họ quỵt lương công nhân Việt Nam. Họ kiện không phải vì thương xót cho công nhân Việt Nam đâu mà để bảo vệ thanh danh của các công ty trong hiệp hội đó”, ông nói.
Không chỉ lúng túng trong việc tìm hướng đi, nhiều hiệp hội doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, từ tài chính, bộ máy nhân sự cho đến cách thức hoạt động. Hiệp hội Công thương Hà Nội trong 10 năm hoạt động (1996-2006) chỉ thu được trên 100 triệu đồng hội phí, chưa đủ một nửa chi phí cho hoạt động hành chính của văn phòng hội và không bằng một phần tám tiền thuê trụ sở!
Điều tra của VCCI cho biết có đến 72% hiệp hội doanh nghiệp cho rằng việc thiếu kinh phí là khó khăn chính trong hoạt động của hiệp hội. Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ nhằm tạo ra nguồn thu của hiệp hội có lẽ là một hướng đi tích cực.
Tuy nhiên, để tạo ra dịch vụ tốt thì hiệp hội phải chuyên nghiệp, đặc biệt là khâu nhân sự. Theo VCCI, trong số 64 hiệp hội doanh nghiệp được điều tra có năm hiệp hội không có nhân viên chuyên trách nào, chín hiệp hội chỉ có một nhân viên chuyên trách và tám hiệp hội chỉ có hai nhân viên chuyên trách.
Còn nhớ, trước việc thép Trung Quốc có dấu hiệu bán phá giá tại Việt Nam vào năm ngoái, Hiệp hội Thép Việt Nam từng có ý định nộp đơn kiện nhưng khi hỏi đến thủ tục thì đành phải rút lui vì không đủ khả năng nhân lực, tài lực.
Một số hiệp hội đã biết khéo léo vận dụng phương thức hoạt động. Ví dụ, trong việc vận động chính sách, thay vì kể khổ, chờ bao cấp, các hiệp hội tìm cách hiến kế cho Nhà nước. “Khi đó, Nhà nước dễ tiếp thu ý kiến hơn là tìm cách đưa cái lợi về cho mình và dồn cái khó cho Nhà nước”, lãnh đạo một hiệp hội nói.
Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết nhờ cách thức này mà nhiều kiến nghị của hiệp hội đã được các cơ quan quản lý nhà nước đồng cảm, tiếp thu. Hoặc theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hàng loạt chính sách của Nhà nước đã được thay đổi xuất phát từ kiến nghị của hiệp hội như vấn đề hoa hồng bảo hiểm, thuế thu nhập đối với đại lý bảo hiểm, việc bán bảo hiểm vào khu chế xuất...
Về phía Nhà nước, đại biểu Quốc hội Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) cho rằng nên chuyển giao một số chức năng của mình về cho các hiệp hội. Ví dụ như các dịch vụ công, dịch vụ giám định xã hội, nghề nghiệp... Rất nhiều lĩnh vực, chức năng, Nhà nước hiện vẫn ôm đồm hoặc trao quyền không đúng chỗ trong khi sức lực có hạn.
Ví dụ, trong lĩnh vực sản xuất giấy, theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho biết, việc hoạch định, dự báo chiến lược phát triển ngành lẽ ra phải giao cho hiệp hội chuyên ngành thì hiện nay Bộ Công nghiệp lại ký hợp đồng làm việc đó với các tổng công ty của Nhà nước.
“Hiệp hội chắc chắn sẽ có cái nhìn bao quát hơn, tập hợp trí tuệ được nhiều hơn và cân bằng quyền lợi giữa các doanh nghiệp hơn. Nên nhớ các tổng công ty giấy nhà nước chỉ chiếm 15% sản lượng trong khi các doanh nghiệp dân doanh chiếm tới 85%. Ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp dân doanh?”, ông Bảo nói.
Được biết, Bộ Tài chính mới đây tuyên bố đến năm 2009 sẽ chuyển giao việc cấp chứng chỉ kiểm toán viên cao cấp từ bộ này cho Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.
Đây cũng là việc chưa từng xảy ra đối với các hiệp hội doanh nghiệp nói chung.
Tăng nhanh do thị trường
Cho đến nay vẫn chưa có một số liệu thống kê chính xác về số lượng các hiệp hội doanh nghiệp từ các cơ quan quản lý nhà nước. Con số thường được nhắc đến trong báo cáo của Bộ Nội vụ là khoảng 320 hội các loại có phạm vi hoạt động trong toàn quốc (trong đó, có 70 hội của các tổ chức kinh tế) và khoảng 2.150 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Riêng trong phạm vi tỉnh, thành phố, theo một khảo sát chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến năm 2005 cả nước có 283 hiệp hội doanh nghiệp hoạt động. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội có 78 hiệp hội (chiếm gần 28%), Tp.HCM: 42 (15%), Bà Rịa-Vũng Tàu: 13 (gần 5%), Đà Nẵng: 12 (4,2%)...
Số lượng hiệp hội tăng nhanh, đặc biệt là từ năm 2003, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 88 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Trước thời điểm này, theo ước tính của bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI, cả nước chỉ có khoảng 50 hiệp hội doanh nghiệp.
Không chỉ số lượng hiệp hội tăng mà số hội viên của các hiệp hội cũng tăng rất mạnh. Theo điều tra của VCCI đối với 64 hiệp hội doanh nghiệp, trung bình vào thời điểm thành lập những hiệp hội này có 212 hội viên nhưng đến năm 2006 con số này đã tăng lên 892 (tăng 425%). Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam khi thành lập có 271 hội viên, đến nay đã có 7.301 hội viên (tăng 2.694%). Hội Nghề cá vào thời điểm thành lập có 7.000 hội viên, sáu năm sau, tức đến năm 2006 đã có 27.000 hội viên. Năm 1989, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM chỉ có 300 hội viên, đến nay đã có 3.000 hội viên...
Sự tăng nhanh của các hiệp hội doanh nghiệp và số lượng hội viên dù xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nhưng cơ bản vẫn không nằm ngoài nhu cầu “buôn có bạn, bán có phường” trong cuộc cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng.
Để chung sức đưa thị trường nhà đất thoát khỏi tình trạng đóng băng, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đã lập ra Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM. Chỉ chưa đầy hai năm sau, đã có 300 doanh nghiệp xin tham gia hiệp hội.
Vai trò của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng “nóng” lên qua những đợt cấp quota dệt may xuất khẩu (“đấu” với Bộ Thương mại để tìm phương án cấp khả thi). Khi giá cà phê thế giới tăng, giảm, chao đảo người ta lại hướng về những động thái của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam.
Nhưng bước ngoặt lớn nhất trong nhận thức về vai trò của hội nghề nghiệp có lẽ phải đến năm 2003 với việc Vasep trở thành “bà đỡ” cho các doanh nghiệp bị đơn trong vụ Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá ba sa. Một Vasep năng nổ, cáng đáng những công việc mà từng doanh nghiệp khó có thể kham nổi cũng như Nhà nước không có quyền bao biện được như thuê luật sư, quyên góp tài chính, tổ chức “lobby”, hội thảo, tranh thủ các nguồn lực khác... đã tạo nên một hình ảnh lạ, một tư duy mới về hiệp hội.
Các doanh nghiệp bắt đầu thấm thía: làm ăn thời hội nhập, càng không thể thiếu “bạn”, thiếu “phường”! Tiến xa hơn một bước nữa, đến nay đã có bốn hiệp hội trực tiếp tham gia với tư cách đại diện ủy quyền của các doanh nghiệp bị đơn trong các vụ kiện chống phá giá như Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Xe đạp - xe máy Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Tp.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau. Riêng Hiệp hội Xe đạp - xe máy Việt Nam tham gia tới hai vụ tranh chấp.
Điều đó cho thấy vai trò, chức năng của các hiệp hội doanh nghiệp đang ngày càng tăng lên. Không phải không có cơ sở khi có đến 47% doanh nghiệp được hỏi về lý do tham gia hội đã trả lời là xuất phát từ đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (theo điều tra của VCCI).
Khó từ lãnh đạo hiệp hội
Tuy nhiên, số hiệp hội thể hiện tốt vai trò của mình dường như chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hầu hết, số còn lại vẫn trong tình trạng trì trệ, xơ cứng theo kiểu cũ hoặc chạy theo phong trào cho xôm tụ.
Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến yếu kém là do sự can thiệp quá sâu của Nhà nước, làm cho các hội mất đi sự tự chủ cần thiết.
“Có trường hợp, cơ quan nhà nước áp đặt thẳng nhân sự lãnh đạo hội mặc dù hội viên không ai muốn. Hội phải nghe theo chẳng qua vì còn phụ thuộc mặt này mặt nọ”, ông Liêm phát biểu.
Do phải lệ thuộc từ kinh phí hoạt động, nhân sự, trụ sở, đến điều lệ hoạt động nên nhiều hiệp hội gần như chỉ là “cánh tay nối dài” của bộ, ngành, cơ quan nhà nước nào đó. Mặc dù không có quy định nào bắt buộc nhưng thông thường lãnh đạo một số hiệp hội phải là người của tổ chức Đảng cử vào và không ít trong số đó là những cán bộ về hưu. Thậm chí, có một số lãnh đạo hội, hiệp hội hiện đang là thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng của các bộ, ngành.
“Hiệp hội doanh nghiệp đó liệu có thể thực hiện tốt chức năng phản biện chính sách hay không khi nhiều chính sách hiện tại cần thay đổi lại là sản phẩm của quan chức đang là lãnh đạo hiệp hội?”, ông Đậu Anh Tuấn, chuyên viên ban Pháp chế VCCI, đặt vấn đề.
Trong khi đó, nhiều trường hợp doanh nghiệp muốn tự mình đứng ra thành lập những tổ chức độc lập thì lại gặp cản ngại về thủ tục. Phát biểu tại Quốc hội, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho biết Hội Tin học phải mất 1.033 ngày mới được công nhận điều lệ, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam phải sau đại hội ba năm, Hội Mã số - mã vạch Việt Nam sáu năm vẫn chưa được công nhận điều lệ.
Dự án Luật về Hội được soạn thảo hơn chục năm nay, đến giờ chưa được thông qua vì còn nhiều ý kiến khác nhau.
Phải đổi mới
Theo ông Đậu Anh Tuấn, bản thân các hiệp hội cũng phải tự đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động vì tổ chức hội trong cơ chế thị trường rất khác với tổ chức hội trong nền kinh tế bao cấp.
Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty tại Tp.HCM than phiền rằng việc nâng cao hình ảnh, uy tín của giới mình trong hội là một chức năng hàng đầu song các hiệp hội hầu như chưa chú trọng đúng mức. “Báo chí cách đây không lâu có đưa tin hiệp hội nghề Nhật Bản kiện một công ty hội viên của họ quỵt lương công nhân Việt Nam. Họ kiện không phải vì thương xót cho công nhân Việt Nam đâu mà để bảo vệ thanh danh của các công ty trong hiệp hội đó”, ông nói.
Không chỉ lúng túng trong việc tìm hướng đi, nhiều hiệp hội doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, từ tài chính, bộ máy nhân sự cho đến cách thức hoạt động. Hiệp hội Công thương Hà Nội trong 10 năm hoạt động (1996-2006) chỉ thu được trên 100 triệu đồng hội phí, chưa đủ một nửa chi phí cho hoạt động hành chính của văn phòng hội và không bằng một phần tám tiền thuê trụ sở!
Điều tra của VCCI cho biết có đến 72% hiệp hội doanh nghiệp cho rằng việc thiếu kinh phí là khó khăn chính trong hoạt động của hiệp hội. Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ nhằm tạo ra nguồn thu của hiệp hội có lẽ là một hướng đi tích cực.
Tuy nhiên, để tạo ra dịch vụ tốt thì hiệp hội phải chuyên nghiệp, đặc biệt là khâu nhân sự. Theo VCCI, trong số 64 hiệp hội doanh nghiệp được điều tra có năm hiệp hội không có nhân viên chuyên trách nào, chín hiệp hội chỉ có một nhân viên chuyên trách và tám hiệp hội chỉ có hai nhân viên chuyên trách.
Còn nhớ, trước việc thép Trung Quốc có dấu hiệu bán phá giá tại Việt Nam vào năm ngoái, Hiệp hội Thép Việt Nam từng có ý định nộp đơn kiện nhưng khi hỏi đến thủ tục thì đành phải rút lui vì không đủ khả năng nhân lực, tài lực.
Một số hiệp hội đã biết khéo léo vận dụng phương thức hoạt động. Ví dụ, trong việc vận động chính sách, thay vì kể khổ, chờ bao cấp, các hiệp hội tìm cách hiến kế cho Nhà nước. “Khi đó, Nhà nước dễ tiếp thu ý kiến hơn là tìm cách đưa cái lợi về cho mình và dồn cái khó cho Nhà nước”, lãnh đạo một hiệp hội nói.
Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết nhờ cách thức này mà nhiều kiến nghị của hiệp hội đã được các cơ quan quản lý nhà nước đồng cảm, tiếp thu. Hoặc theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hàng loạt chính sách của Nhà nước đã được thay đổi xuất phát từ kiến nghị của hiệp hội như vấn đề hoa hồng bảo hiểm, thuế thu nhập đối với đại lý bảo hiểm, việc bán bảo hiểm vào khu chế xuất...
Về phía Nhà nước, đại biểu Quốc hội Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) cho rằng nên chuyển giao một số chức năng của mình về cho các hiệp hội. Ví dụ như các dịch vụ công, dịch vụ giám định xã hội, nghề nghiệp... Rất nhiều lĩnh vực, chức năng, Nhà nước hiện vẫn ôm đồm hoặc trao quyền không đúng chỗ trong khi sức lực có hạn.
Ví dụ, trong lĩnh vực sản xuất giấy, theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho biết, việc hoạch định, dự báo chiến lược phát triển ngành lẽ ra phải giao cho hiệp hội chuyên ngành thì hiện nay Bộ Công nghiệp lại ký hợp đồng làm việc đó với các tổng công ty của Nhà nước.
“Hiệp hội chắc chắn sẽ có cái nhìn bao quát hơn, tập hợp trí tuệ được nhiều hơn và cân bằng quyền lợi giữa các doanh nghiệp hơn. Nên nhớ các tổng công ty giấy nhà nước chỉ chiếm 15% sản lượng trong khi các doanh nghiệp dân doanh chiếm tới 85%. Ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp dân doanh?”, ông Bảo nói.
Được biết, Bộ Tài chính mới đây tuyên bố đến năm 2009 sẽ chuyển giao việc cấp chứng chỉ kiểm toán viên cao cấp từ bộ này cho Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.