14:43 14/03/2007

Vào WTO, sửa thuế thu nhập doanh nghiệp

Duy Linh

Những thông tin quan trọng từ dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định về thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Sẽ có nhiều thay đổi về thuế sau khi Việt Nam vào WTO.
Sẽ có nhiều thay đổi về thuế sau khi Việt Nam vào WTO.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP về thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định trên.

Tổng cục cho biết sẽ gửi dự thảo để lấy ý kiến các bộ, ngành với khá nhiều sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ với các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, phù hợp với các quy định của WTO và nhu cầu thực tế hiện nay. 

Theo dự thảo, kỳ tính thuế được xác định theo năm dương lịch. Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính áp dụng.

Kỳ tính thuế đầu tiên đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập và kỳ tính thuế cuối cùng đối với cơ sở kinh doanh chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản được xác định phù hợp với kỳ kế toán theo quy định.

Sau khi xác định thu nhập chịu thuế, cơ sở kinh doanh được trừ số lỗ của các kỳ tính thuế trước theo kế hoạch chuyển lỗ đã đăng ký với cơ quan thuế trước khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định.

Bổ sung quy định về doanh thu tính thuế

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hoá, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cơ sở kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Trường hợp cơ sở kinh doanh phản ánh doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ không đúng với giá thực tế bán ra thì cơ quan thuế có quyền xác định giá bán hàng hoá, dịch vụ trên cơ sở tham khảo giá tại thời điểm của hàng hoá, dịch vụ trên thị trường hoặc giá bán hàng hoá, dịch vụ cho bên thứ ba.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng bổ sung thêm một số hướng dẫn để xác định doanh thu tính thu nhập chịu thuế với các hoạt động kinh doanh cụ thể.

Đối với hoạt động tín dụng, đó là số lãi phải thu phát sinh trong kỳ tính thuế với các khoản nợ xác định là có khả năng thu hồi cả gốc, lãi đúng thời hạn.

Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt: trường hợp có bao thầu nguyên vật liệu -đó là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu; trường hợp không bao thầu nguyên vật liệu là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu.

Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đó là thời điểm nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bất động sản.

Đối với trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng sản phẩm thì doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của từng bên là tiền bán sản phẩm hoặc tiền bán của hàng hoá, dịch vụ tương tự nếu như sản phẩm đó không được bán ra hoặc bán ra không theo giá thị trường.

Giải bài toán “ưu đãi thuế” khi vào WTO

Theo quy định hiện hành (Nghị định 164/2003/NĐ-CP) thì các cơ sở kinh doanh xuất khẩu (kể cả các doanh nghiệp dệt may) có mức xuất khẩu đạt trên 50% tổng giá trị hàng hoá sản xuất kinh doanh của năm tài chính, cơ sở kinh doanh sử dụng nguyên liệu trong nước để thay thế hàng nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện lĩnh vực khuyến khích đầu tư, ngoài ra còn được ưu đãi thêm về thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng được các điều kiện về thành tích xuất khẩu, thị trường xuất khẩu.

Hay theo Nghị định 152 thì doanh nghiệp chế xuất, kể cả doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt, may hoạt động trong khu chế xuất được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo quy định của WTO thì các ưu đãi thuế nêu trên thuộc dạng trợ cấp bị cấm cần phải xoá bỏ, trong đó, buộc phải xoá bỏ ngay tại thời điểm gia nhập đối với các dự án khuyến khích sử dụng nguyên liệu trong nước và các dự án mới (cấp phép sau ngày Hiệp định WTO có hiệu lực) gắn với việc khuyến khích xuất khẩu; đối với các dự án xuất khẩu (trừ dự án trong lĩnh vực dệt, may) được cấp ưu đãi trước ngày Hiệp định WTO có hiệu lực sẽ phải xoá bỏ trong lộ trình 5 năm, kể từ thời điểm gia nhập.

Vì vậy, trong các qui định ưu đãi thuế cần xoá bỏ nêu trên, một số qui định đã được xử lý tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP như: dự án sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, dự án sử dụng nguyên liệu trong nước đã bị loại ra khỏi Danh mục lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích đầu tư.

Các nội dung khác gồm: ưu đãi thuế gắn với tỉ lệ xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu; ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất... sẽ được bãi bỏ trong lần sửa đổi này.

Thay vào đó, các doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất sẽ được áp dụng ưu đãi thuế nếu đáp ứng được các điều kiện về lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư như các loại hình doanh nghiệp khác.

Riêng các dự án đầu tư của doanh nghiệp chế xuất (trừ doanh nghiệp dệt, may), Khu chế xuất đã được cấp phép trước ngày Hiệp định WTO có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng ưu đãi thuế theo qui định của giấy phép trong vòng 5 năm, kể từ thời điểm gia nhập.

Về mức và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo quy định các cơ sở kinh doanh đang trong thời gian được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ quan thuế kiểm tra phát hiện tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp của thời kỳ miễn thuế thì số thuế thu nhập doanh nghiệp phát hiện tăng thêm vẫn được miễn thuế.

Trường hợp cơ sở kinh doanh đang trong thời gian được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ quan thuế kiểm tra phát hiện tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp của thời kỳ giảm thuế thì cơ sở kinh doanh không được hưởng giảm thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm.

Sau thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cơ quan thuế kiểm tra phát hiện thấy số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm thuế theo quy định khác so với đơn vị tự kê khai mà cá nhân, tổ chức không tự điều chỉnh, hậu quả đã làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước của năm tiếp sau thời hạn được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì xử lý theo hành vi trốn thuế.

Dự thảo cũng quy định việc các doanh nghiệp FDI và Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được cấp phép trước ngày 1/1/2004 khi hết thời hạn được ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo Giấy phép đầu tư thì chuyển sang áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25%.

Cơ sở kinh doanh đã được cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 11/1/2007 (ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO) mà có thu nhập từ hoạt động kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu quy định tại các văn bản pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, về khuyến khích đầu tư trong nước, về thuế thu nhập doanh nghiệp và văn bản pháp luật về đầu tư thì tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2011 theo qui định tại các văn bản pháp luật trên.

Riêng đối với hoạt động dệt may các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu không được áp dụng kể từ kỳ tính thuế năm 2007.

Giải quyết vướng mắc về cách tính chi phí

Ngoài các nội dung cần sửa đổi để phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu gia nhập WTO, dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn một số nội dung sửa đổi bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong thời gian qua.

Ban soạn thảo cho biết sẽ bổ sung quy định các tài sản cố định phục vụ cho người lao động như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, xe đưa đón công nhân, nhà ở tập thể cho người lao động do cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng được trích khấu hao tính vào chi phí hợp lí. Đây là vướng mắc có nhiều đề nghị trong quá trình thực hiện Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian qua nhưng chưa xử lí được.

Liên quan tới cách tính chi phí, dự thảo cũng sửa đổi một số hướng dẫn cụ thể để tránh nhầm lẫn giữa nguyên liệu vật tư tiêu hao trong quá trình sản xuất được tính vào chi phí hợp lý và nguyên liệu, vật tư tổn thất không được tính vào chi phí (do đã được bồi thường).

Về chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị và chi phí khác, Tổng cục Thuế cho rằng việc liệt kê các khoản chi được coi là chi phí quảng cáo, khuyến mại là khó có thể làm được với việc kinh doanh ngày càng đa dạng, xuyên quốc gia của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường như hiện nay.

Để giải quyết vấn đề này, tại dự thảo Thông tư có hướng dẫn bổ sung một số khoản chi phí liên quan đến việc tiêu thụ hàng hóa như: chi phí nghiên cứu thị trường; chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm, chi phí thưởng thanh toán nhanh... được tính toàn bộ vào chi phí hợp lý không bị khống chế ở mức 10% áp dụng đối với chi phí quảng cáo.

Ban soạn thảo cũng đưa vào thông tư này nhiều hướng dẫn bổ sung về phạm vi áp dụng, căn cứ tính thuế và thủ tục kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất.