04:08 18/10/2013

Vay vốn gặp rủi ro, được bảo hiểm miễn phí lãi suất

Minh Đức

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một ngân hàng tìm cách bảo hiểm miễn phí lãi suất cho khoản vay

Theo giới thiệu của đề án, cơ chế để tiếp cận gói tín dụng được bảo hiểm lãi suất khá thuận lợi.
Theo giới thiệu của đề án, cơ chế để tiếp cận gói tín dụng được bảo hiểm lãi suất khá thuận lợi.
Ngày 17/10, tại hội thảo về giải pháp cho vay tại khu vực nông nghiệp - nông thôn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã giới thiệu một đề án với ưu đãi đáng chú ý.

Đề án này có quy mô 5.000 tỷ đồng, cho các hộ nông dân vay vốn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến giải ngân toàn bộ đến tháng 4/2014. Bên cạnh lãi suất ưu đãi 9%/năm cho các khoản trung và dài hạn, nếu khách hàng gặp rủi ro khách quan, đơn vị bảo hiểm sẽ đứng ra trả lãi cho người vay mà không mất phí.

Chính sách mồi…

Cụ thể, qua hợp tác với LienVietPostBank, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) sẽ đứng ra bảo hiểm miễn phí toàn bộ lãi suất tiền vay cho các đối tượng vay vốn nằm trong đề án trên; thực hiện chi trả phần bảo hiểm trong trường hợp khách hàng là hộ nông dân gặp khó khăn khách quan.

Người được bảo hiểm là khách hàng vay vốn tại LienVietPostBank theo đề án trên và đáp ứng đầy đủ các yêu cho vay theo quy định hiện hành. PTI sẽ thay mặt người được bảo hiểm trả khoản lãi vay cho người thụ hưởng là ngân hàng này khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm là tổng số tiền lãi mà người được bảo hiểm chi trả theo hợp đồng tín dụng.

LienVietPostBank dự kiến, tổng số tiền cho vay ra từ tháng 12/2013 đến tháng 4/2014 là 5.000 tỷ đồng. Số tiền lãi được bảo hiểm dự kiến đến hết năm 2015 là hơn 800 tỷ đồng. Và để đảm bảo cho khoản bảo hiểm, trước mắt PTI thực hiện ký quỹ 10 tỷ đồng tại LienVietPostBank.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một ngân hàng thương mại đứng ra triển khai chính sách này. Một chính sách còn khá mới mẻ và bước đầu mang tính thăm dò.

Trao đổi bên lề với VnEconomy, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Ngân Hàng Tp.HCM đánh giá cơ chế bảo hiểm lãi suất cho khoản vay tại LienVietPostBank mới chỉ là một sự hé mở và chưa bao trùm được giá trị lớn nhất là toàn bộ khoản vay, gồm cả phần gốc.

“Bảo hiểm miễn phí, tức khi rủi ro lớn nhất là biếu không 800 tỷ đồng tiền lãi cho nông dân. Thực tế thì không có rủi ro đến như vậy, lấy được chừng ấy của nhà bảo hiểm đâu có dễ. Người ta kỳ vọng là sẽ có bảo hiểm cho cả khoản vay. Nhưng điều này chỉ riêng một ngân hàng thì khó làm được, phải có chỉ đạo cấp nhà nước, tạo thành chuỗi trong đó bảo hiểm là một khâu quan trọng”, ông Dương nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng: “Phải nói, đây là tấm lòng của ngân hàng. Khi chưa bảo hiểm được gốc, chỉ bảo hiểm phần lãi, mà họ dám làm cũng đã là quý rồi. Ý nghĩa của nó là một chính sách mồi, tạo một chỗ dựa và kích thích người dân vay vốn, ngân hàng cũng có thêm điều kiện để đẩy mạnh cho vay”.

Cũng đánh giá cao ý nghĩa của việc bảo hiểm miễn phí lãi suất vay vốn cho nông dân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành đặt vấn đề: liệu chỉ một ngân hàng triển khai, hỗ trợ như vậy thì có thể kéo dài được bao lâu?

“Khách vay an toàn đã là lãi rồi”

Trước những ý kiến trên của chuyên gia, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank nói với VnEconomy, chính sách trên được xây dựng từ thực tế phát sinh nhiều rủi ro bất khả kháng khi nông dân vay vốn.

Người nông dân đối diện với khó khăn mất mùa, thiên tai, biến động thị trường…, nên bên cạnh lãi suất cho vay ưu đãi, vẫn cần có thêm những hỗ trợ thiết thực khác cho họ.

Trước mắt, LienVietPostBank sẽ tiếp cận khu vực đồng bằng sông Cửu Long, để người dân làm quen với hình thức bảo hiểm này. “Chúng tôi xác định sẽ làm lâu dài, nhưng từng bước một. Thực tế nhiều người dân ở đây vẫn có tâm lý “thích” vay ngoài, “tín dụng đen” dù lãi suất cao. Nên trước hết là để họ dần làm quen. Sau này sẽ thực hiện thu phí bảo hiểm ở mức thấp để dần dần tiến tới bảo hiểm cho cả phần vốn gốc. Có bảo hiểm như vậy thì nông dân vay vốn sẽ an toàn hơn, mà khi khách hàng an toàn thì ngân hàng cũng an toàn”, ông Hưởng nói.

Và ông khẳng định, sau này khi thu phí bảo hiểm, cộng với lãi suất ưu đãi cho khu vực nông nghiệp nông thôn, chi phí khoản vay chắc chắn vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với cho vay nặng lãi của “tín dụng đen”.

Theo giới thiệu của đề án, cơ chế để tiếp cận gói tín dụng được bảo hiểm lãi suất khá thuận lợi. Là khoản vay với các điều kiện thông thường, khi có rủi ro, người vay chỉ cần giấy xác nhận của hội cựu chiến binh và chính quyền phường, xã. LienVietPostBank cũng tiến hành lập hội những hộ dân vay vốn của mình, qua hai đầu mối trên phối hợp xét chọn và có thể vay mà không cần thế chấp tài sản.

Vậy rủi ro và lợi nhuận ở đây như thế nào?

Ông Hưởng nêu quan điểm: “Cho nông dân vay, cũng có nhiều người xem ngân hàng là ân nhân của họ. Nhưng bản thân chúng tôi lại xem nông dân là ân nhân của mình. Đây chính là kênh cho vay có lợi và an toàn hơn các nhóm đối tượng khác”.

Và ông giải thích, hiện nhiều ngân hàng đang chen chân để cho vay doanh nghiệp ở đô thị, nhiều món lãi suất chỉ 6 - 7%/năm. Trong khi, cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn phần lớn vẫn được lãi suất từ 8 - 9%/năm. Cái chính là cho vay doanh nghiệp ở đô thị thường là món lớn, nếu rủi ro thì có thể mất cả. Còn cho vay các hộ dân ở nông thôn, món lớn đó được chia nhỏ thành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn khoản vay, bỏ trứng vào nhiều nhỏ và giảm thiểu rủi ro, nếu mất sẽ mất ít và nhỏ lẻ.

“Thời gian qua chúng ta đã thấy, các vụ việc liên quan đến rủi ro cho vay xẩy ra chủ yếu chỉ ở địa bàn Hà Nội và Tp.HCM, rất ít có trường hợp liên quan đến người nông dân. Cho vay nông dân an toàn hơn, mà khi họ an toàn thì cũng đã là có lãi cho ngân hàng rồi”, ông Hưởng nhìn nhận.

Một miếng ghép cần thiết nữa trong cơ chế trên là nhà bảo hiểm. Cụ thể ở đây là lợi ích của PTI. Bước đầu, nhà bảo hiểm bỏ ra một số vốn để mở ra một hướng đi mới. Nếu khó khăn, LienVietPostBank sẽ mua toàn bộ bảo hiểm cho các hoạt động của hệ thống ngân hàng mình, như một sự bù chéo. Quan trọng hơn, ở hướng đi mới, PTI tiếp cận một mảng thị trường bảo hiểm trong hoạt động ngân hàng, hiện đang để ngỏ…