10:37 11/04/2009

Vì sao các vụ kiện thương mại có xu hướng gia tăng?

Thúy Nhung - Mạnh Chung

Trước đây chỉ những nước phát triển mới kiện, nhưng nay một số nước đang phát triển cũng “ngắm” đến Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Thành - Ảnh: M.Chung.
Ông Nguyễn Đức Thành - Ảnh: M.Chung.
Trước đây chỉ những nước phát triển mới kiện chống bán phá giá, nhưng nay một số nước đang phát triển cũng “ngắm” đến Việt Nam.

Về xu hướng trên, ông Nguyễn Đức Thành, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) có một số đánh giá bên lề buổi tọa đàm về bảo vệ hàng hoá trong nước trước hàng hoá nhập khẩu, ngày 10/4, tại Hà Nội.

Thưa ông, đến thời điểm này Việt Nam đã bị bao nhiêu vụ kiện về thương mại?

Từ 1994 đến nay nước ta đã và đang phải đối mặt với 37 vụ kiện về thương mại, trong đó 31 vụ về chống bán phá giá còn lại là các vụ kiện về chống trợ cấp và kiện phòng vệ. EU là thị trường khó tính nhất với 10 vụ kiện chống bán phá giá.

Theo ông, đâu là lý do khiến các vụ kiện về thuơng mại đối với hàng hóa của Việt Nam lại có xu hướng gia tăng thời gian qua?

Trước đây chỉ có những nước phát triển như Mỹ, EU... kiện chúng ta, nhưng gần đây cả những nước đang phát triển như Ấn Độ, Ai Cập… cũng đã đệ đơn kiện Việt Nam.

Hơn nữa, theo tôi còn có những lý do chính như do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời qua rất ấn tượng nên tính cạnh tranh cao dần, vì thế nhiều nước nhập khẩu để ý đến.

Thứ hai là hiện tượng phòng vệ thương mại quốc tế theo hiệu ứng “phòng vệ domino”. Cụ thể như từ cuối năm 2006, Việt Nam đồng thời bị một số nước nhập khẩu EU áp chống bán phá giá đối với mặt hàng giày dép của Việt Nam vào thị trường EU.

Thứ ba là hiệu ứng cộng gộp, các nhà sản xuất trong nước (nước nhập khẩu) có quyền cộng thị phần hàng hóa của một nhóm nước xuất khẩu để khởi kiện. Trong 37 vụ kiện, các hình thức cộng gộp đối với hàng hóa Việt Nam là đa số.

Ngoài ra, theo tôi, cùng với hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại nói chung, nhiều nước đã lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay.

Và các chủng loại hàng hóa bị kiện thời gian qua cũng ngày càng nhiều?

Thực tế, sản phẩm bị khởi kiện cũng ngày càng đa dạng, nhiều hơn. Cụ thể trước đây chỉ mặt hàng có kim ngạch lớn như thủy sản, da giầy mới bị kiện, nhưng nay, ngay cả những mặt hàng có kim ngạch chỉ vài chục triệu USD (như lò xo, giường ngủ…) cũng phải đối mặt với các vụ kiện.

Trong 3 tháng đầu 2009, Việt Nam phải đối mặt với 2 vụ kiện chống bán phá giá. Vụ thứ nhất Canada áp dụng với sản phẩm giày không thấm nước. Vụ thứ hai Mỹ kiện Việt Nam về mặt hàng túi nhựa đựng hàng hóa bán lẻ.

Trong vụ kiện về mặt hàng túi nhựa PE, Mỹ đồng thời kiện cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. Vụ việc này có nguy cơ trở thành một tiền lệ xấu đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường rộng lớn này.

Cũng trong hai tháng vừa qua, riêng Ấn Độ đã có tới 3 quyết định áp thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với hàng hóa Việt Nam.

Chỉ trong một thời gian ngắn mà Ấn Độ đã có 3 quyết định như vậy có quá lo ngại không và Cục Quản lý cạnh tranh đã làm gì để hỗ trợ khắc phục tình trạng trên?

Đúng là thời gian gần đây, Ấn Độ liên tục khởi kiện chống bán phá giá hoặc kiện phòng vệ đối với hàng hoá nước ta. Theo tôi, vấn đề này rất đáng lo ngại. Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ đang tốt đẹp và ưu thế thương mại đang nghiêng hẳn về phía Ấn Độ.

Năm 2008, nước ta đã nhập siêu từ Ấn Độ là 2 tỷ USD, trong khi hàng hoá của ta xuất sang nước này chỉ khoảng 20 triệu USD.

Với cán cân thương mại như trên, cộng thêm việc thường xuyên bị khởi kiện và áp thuế chống bán phá giá điều này sẽ càng bất lợi cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào nước này.

Hiện tại Cục cũng đã có công văn gửi tới các cơ quan chức năng của Ấn Độ đề nghị các đơn vị này cần công bằng, khách quan hơn trong điều tra các vụ kiện chống bán phá, chống trợ cấp hay kiện phòng vệ đối với hàng hóa Việt Nam để không ảnh hưởng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, ông có khuyến cáo gì đối với các doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp có sản phẩm đang phải đối mặt với việc bị kiện chống bán phá giá?

Thứ nhất, các doanh nghiệp nên coi các nước nhập khẩu đang áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa của mình chỉ là một hình thức rủi ro trong thương mại. Trong kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp cần đưa nội dung này vào quản lý như các rủi ro thường gặp khác trong quá trình phát triển thị trường.
 
Thứ hai, khi hàng hóa của mình bị khởi kiện, các doanh nghiệp nên tích cực, chủ động trong quá trình điều tra để hạn chế tới mức thấp nhất những tổn thất do vụ kiện gây ra, bởi các nước khi lạm dụng áp dụng các biện pháp phòng vệ sẽ không thể áp một cách quá đáng nếu không sẽ bị khởi kiện ra WTO.

Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng cần có biện pháp phòng chống từ xa, thường xuyên chủ động theo dõi thị trường xem hàng hóa của mình vào thị trường đó có nguy cơ bị bán phá giá hay không, để từ đó có những điều chỉnh thích hợp hay có những chuẩn bị khi đối phó với các vụ kiện.

Trong vấn đề này, Cục Quản lý cạnh tranh hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá, phòng vệ thương mại. Còn trong kiện chống trợ cấp thì Chính phủ sẽ phải tham gia vào vụ kiện. Vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng sát cánh và cung cấp những thông tin cần thiết để làm sao giúp doanh nghiệp thắng trong những vụ kiện này.