22:51 09/07/2009

Vì sao căng thẳng ngoại tệ?

Nguyễn Hoài - Minh Đức

Giải đáp từ ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, về tình hình thị trường ngoại hối hiện nay

Ông Nguyễn Quang Huy.
Ông Nguyễn Quang Huy.
Trước tình trạng thị trường ngoại tệ vẫn căng thẳng do biểu hiện găm giữ, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý  ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục có các biện pháp can thiệp kịp thời, nhằm ổn định tỷ giá.

Thưa  ông, mặc dù Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định sẽ ổn định tỷ  giá nhưng doanh nghiệp vẫn kêu khó  khi mua ngoại tệ và  căng thẳng trên thị trường vẫn tiếp tục. Ông lý giải thế nào về tình trạng này?

Thời gian qua, thị trường ngoại hối trong nước có những biểu hiện căng thẳng. Sự căng thẳng này không hoàn toàn do tác động của các điều kiện kinh tế vĩ mô như từng xảy ra trong năm 2008 mà chính là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố.

Ông nói rõ hơn đó là những yếu tố gì?

Trước hết, không thể không nhắc đến vấn đề khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ tới tâm lý găm giữ ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, cần phải “lo xa” nên đã không bán ngoại tệ, hoặc bán với số lượng rất hạn chế cho ngân hàng thương mại, dẫn đến ngân hàng thiếu cơ số ngoại tệ cần thiết để điều hoà cho nền kinh tế.

Thêm vào đó, giới đầu cơ đã lợi dụng tâm lý  găm giữ ngoại tệ trên thị trường, đưa ra những tin đồn thất thiệt để mua bán kiếm lời, gây nên biến động tỷ giá trên thị trường “chợ đen”.

Một lý do khác không kém phần quan trọng, đó là tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp vay bằng VND. Do lãi suất vay VND thấp, phạm vi và thời gian cho vay được mở rộng theo chủ trương kích cầu của Chính phủ, không ít doanh nghiệp nắm giữ ngoại tệ có xu hướng không muốn bán ngoại tệ ra và chỉ muốn vay bằng VND. Vì vậy mặc dù nhu cầu ngoại tệ không quá lớn nhưng do doanh nghiệp không bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, nên các ngân hàng thương mại không có đủ ngoại tệ phục vụ doanh nghiệp.

Nếu như “nhu cầu ngoại tệ không lớn” mà vẫn xảy ra tình trạng căng thẳng thì đáng lẽ, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát tình hình đơn giản hơn. Vậy tại sao tình trạng này vẫn tiếp diễn? Giải pháp trước mắt để bình ổn thị trường là gì?

Để  ổn định thị trường ngoại tệ trong giai đoạn hiện nay, với những nguyên nhân như đã phân tích ở trên, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết là tăng cường chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại, đại lý thu đổi ngoại tệ, hạn chế hoạt động của thị trường “chợ đen”.

Cụ thể, cách đây hơn một tuần, Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn số 4941/NHNN-QLNH chấn chỉnh hoạt động thu phí trong các giao dịch hối đoái gửi các tổ chức tín dụng và các cơ quan có liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết. Cũng trong công văn này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu gắn trách nhiệm của tổng giám đốc các tổ chức tín dụng với việc xảy ra vi phạm trong phạm vi đơn vị mình quản lý.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã và sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động mua bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình mua, bán USD với tỷ giá ngoài biên độ cho phép. Song song là việc áp dụng các biện pháp chống găm giữ ngoại tệ một cách hợp lý kết hợp tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích để hạn chế tình trạng này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có các biện pháp tạo sự đồng thuận giữa các ngân hàng thương mại, thống nhất hạ mặt bằng lãi suất cho vay ngoại tệ xuống còn từ 3-3,5%, mặt bằng lãi suất huy động ngoại tệ ở mức từ 1-1,5%, giúp cho việc nắm giữ VND có lợi hơn và giảm áp lực tăng dư nợ VND.

Rất nhiều lo ngại rằng, trong điều kiện cân  đối cán cân thanh toán tổng thể  gặp nhiều khó khăn, nếu không giải quyết triệt để tình trạng găm giữ, thị  trường sẽ còn tiếp tục căng thẳng. Ông chia sẻ nỗi lo này như thế nào?

So với năm 2008, các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam về cơ bản đã chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Sáu tháng đầu năm 2009, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 2,1 tỷ USD chỉ bằng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, kế hoạch cả năm của Bộ Công Thương nhập siêu chỉ ở mức dưới 20% so với kim ngạch xuất khẩu, tương đương dưới 10 tỷ USD cho cả năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến hết tháng 6/2009 chỉ tăng 2,68% so với cuối năm 2008.

Đồng thời dòng vốn đầu tư gián tiếp đang có xu hướng chuyển vào, riêng trong quý 2/2009 đã chuyển vào ròng. Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm đạt khoảng 4 tỷ USD và cả năm có thể giải ngân lên đến 8 tỷ USD, các khoản vay của WB, ADB cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tăng lên từ 1,2-1,5 tỷ USD so với kế hoạch cũ.

Nguồn kiều hối, lao động nước ngoài gửi về 6 tháng đầu năm cũng ở mức 2,83 tỷ USD, tuy có giảm so với năm 2008 nhưng không giảm nhiều, dự kiến cả năm 2009 đạt từ 5,8-6 tỷ USD so với 7,2 tỷ USD của năm 2008.

Những yếu tố cân đối này theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước là rất tốt, và rất ít ảnh hưởng cũng như gây áp lực lên cân đối cung cầu ngoại tệ và chính sách điều hành tỷ  giá.

Với các biện pháp đồng bộ mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai thực hiện, tình hình cung cầu trên thị trường sẽ được cải thiện và tâm lý găm giữ sẽ được giải tỏa.

Vậy còn các giải pháp điều hành tỷ  giá trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, linh hoạt trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường, bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, hài hòa lợi ích các chủ thể kinh tế và sự bền vững của cán cân thanh toán quốc tế, bảo đảm việc sử dụng ngoại tệ cho các mục đích cần thiết, đáp ứng ngoại tệ phục vụ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế.