18:25 12/08/2008

Vì sao đầu tư từ ngân sách chưa hiệu quả?

Thúy Nhung

Câu hỏi này đã được các chuyên gia và nhà quản lý đưa ra giải đáp từ nhiều góc độ

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng chiếm tới 50% ngân sách sẽ khiến đầu tư cho an sinh xã hội, giáo dục bị ảnh hưởng.
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng chiếm tới 50% ngân sách sẽ khiến đầu tư cho an sinh xã hội, giáo dục bị ảnh hưởng.
Câu hỏi này đã được các chuyên gia và nhà quản lý đưa ra giải đáp từ nhiều góc độ, tại một hội thảo về đề tài nâng cao hiệu quả từ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

VnEconomy xin trích giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.

"Đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng"

(Ông Lê Hải Mơ, Viện Khoa học Tài chính, Học viện Tài chính)

"Đầu tư khu vực nhà nước tuy đã có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao. Từ mức bình quân 51% thời kỳ 1991- 2005, đến nay tỷ lệ này còn là 43%. Cơ cấu đầu tư đã có sự dịch chuyển theo hướng tập trung hơn cho những mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quan tâm đầu tư hơn cho vùng nghèo, xã nghèo vùng đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư còn yếu kém, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa thực sự là cơ sở vững chắc cho hoạch định các kế hoạch phát triển. Việc quản lý vừa rườm rà, vừa lỏng lẻo trong đầu tư thể hiện ở tất cả các khâu từ xác định chủ trương, lập thẩm định dự án, ra quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lập tổng dự toán… đến khâu triển khai thực hiện, theo dõi cấp phép và thanh toán gây ra tình trạng thất thoát không nhỏ cho vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn có tình trạng số lượng dự án duyệt chờ ngân sách cấp vốn ngày càng tăng, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.

Tất cả những yếu kém trên đã khiến cho đầu tư kém hiệu quả. Điều này được thể hiện qua chỉ số ICOR ngày càng lớn. Thời kỳ 1991-1995 chỉ số này là 3, nhưng thời kỳ 1996-2000 đã lên tới 4,3; thời kỳ 2001-2005 khoảng 4,7 đến nay là trên 5,0.

Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa còn là do đã đầu tư từ ngân sách nhà nước tập trung quá nhiều vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở, chưa đầu tư thoả đáng cho các dự án có khả năng thu hồi vốn, trực tiếp tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị làm tăng GDP.

Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển đời sống, kinh tế nhân dân, nhưng đây cũng không phải là cách ứng xử duy nhất, vì chúng ta có thể vận dụng những thức như BOT, BTO, PPP.

Hiện đầu tư công của chúng ta đã vượt xa so với khả năng của ngân sách nhà nước. Trong khi đó, đầu tư cho cơ sở hạ tầng đã chiếm tới 50% ngân sách. Điều này sẽ khiến đầu tư cho an sinh xã hội, giáo dục bị ảnh hưởng."

"Quá chú trọng tới chỉ tiêu tăng trưởng"

(PGS.TS Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)

"Những năm gần đây, chúng ta đã quá chú ý tới tốc độ tăng trưởng và quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng cao nên đã dẫn tới tình trạng đầu tư năm sau cao hơn năm trước.

Bên cạnh đó, cách làm phổ biến hiện nay vẫn là chọn việc dễ để thực hiện. Cộng thêm với tâm lý quá trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước và khai thác tận thu nguồn tài nguyên sẵn có của đội ngũ lãnh đạo đã tạo nên lối “ứng xử” địa phương cát cứ, đầu tư theo kiểu “chộp giật”.

Hình thức phân bổ các dự án vẫn mang tính bình quân, theo kiểu ban phát lợi ích chứ chưa theo quy hoạch phát triển tổng thể.

Tất cả đã khiến cho những dự án quy hoạch thường có tính địa phương, ít tạo được tính kết nối thị trường. Vì vậy, cùng một khoản tiền đầu tư nhưng hiệu quả mang lại chưa có tính lan tỏa mạnh.

Ngoài ra, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước lẽ ra cần đầu tư cho bộ máy công chức thông qua tiền lương lại chưa được quan tâm thích đáng. Thiếu sự quan tâm đúng mức cũng đã làm giảm hiệu quả của đội ngũ này gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc thẩm định, giám sát việc thực hiện các dự án."

"Chưa sẵn sàng cho hình thức đầu tư ngoài nhà nước"

(TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội)

"Hiện nay, chúng ta vẫn còn quan niệm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển. Chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi mô hình từ đầu tư của nhà nước sang hình thức đầu tư ngoài nhà nước.

Thêm vào đó là sự lạm dụng đầu tư công cho xây dựng cơ bản, tập trung phát triển theo chiều rộng không chú trọng tới chiều sâu. Lối tư duy nhiệm kỳ đã tạo ra tâm lý là lãnh đạo ai cũng muốn xây dựng hình ảnh đẹp trong thời gian đương nhiệm.

Ngoài ra, tư tưởng cục bộ dựa trên lợi ích của nhóm nhỏ trong xã hội cũng đã làm nảy sinh tham nhũng. Dự toán, quyết toán công trình lỏng lẻo khiến cho chất lượng của các công trình đầu tư cơ bản thường thấp.

Chi phí bảo trì, duy tu công trình thường không được tính tới trong dự án càng khiến cho nhưng các công trình càng mau xuống cấp. Để các công trình này hoạt động theo đúng yêu cầu chi phí vận hành là rất lớn.

Vì vậy, để các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng thực sự mang lại hiệu quả về mặt nhận thức cần có sự chuyển trọng tâm đầu tư phát triển ra ngoài khu vực nhà nước. Vận dụng hình thức chìa khoá trao tay cũng sẽ tránh được việc phải điều chỉnh khi có sự biến động về giá cả. Công trình sẽ được đảm bảo tiến độ hoàn thiện và vốn đầu tư cũng không bị đội lên.

Cơ chế xin cho cũng cần phải được xóa bỏ thay vào đó là hình thức đầu thầu công khai, minh bạch và có sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài. Nếu chưa tìm được đối tác thích hợp sẽ tổ chức đấu thầu lại."