12:21 05/08/2009

Vì sao khối ngoại liên tiếp mua ròng?

Minh Đức

Gần 30 phiên liên tiếp khối ngoại mua ròng. Riêng tháng 7, giá trị mua ròng của họ mạnh nhất trong 12 tháng trở lại đây

"Nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn và khi họ mua có nghĩa là niềm tin tăng trưởng của thị trường trong dài hạn. Sự tham gia của khối ngoại và tổ chức sẽ giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn”.
"Nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn và khi họ mua có nghĩa là niềm tin tăng trưởng của thị trường trong dài hạn. Sự tham gia của khối ngoại và tổ chức sẽ giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn”.
Gần 30 phiên liên tiếp khối ngoại mua ròng. Riêng tháng 7, giá trị mua ròng của họ mạnh nhất trong 12 tháng trở lại đây.

Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu lắng xuống, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón sự trở lại của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trên sàn, dù trước đó chưa hẳn đã rút khỏi thị trường.

Dòng tiền đến muộn…

Phiên ngày 24/7, sau một tháng giao dịch mua ròng mạnh, khối đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng đầu tiên trên cả HOSE và HNX. Tuy nhiên, với tính chất của phiên này, mất thanh khoản đối với bên mua, lượng cung rất hạn chế do găm hàng trước xu thế đi lên mạnh, khối ngoại khó lòng mua ròng. Theo đó, có thể xem họ đã có một mạch mua ròng liên tiếp gần 30 phiên kể từ cuối tháng 6 đến nay.

Riêng trên HOSE, trong tháng 7, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài có mức cao nhất xét trong 12 tháng trở lại đây. Đây cũng là tháng mua ròng lớn nhất với 1.782 tỷ đồng, gần 100 triệu USD, và cũng là giá trị mua ròng lớn nhất 12 tháng qua.

Xu hướng và những giá trị trên được đặt trong bối cảnh điều chỉnh khá mạnh của thị trường cuối tháng 6 và khá phổ biến trong tháng 7. Nguồn tiền mạnh đó cũng đặt trong sự chùng xuống của thị trường nói chung và nhà đầu tư trong nước nói riêng. Một dòng tiền đến muộn, hay sự trở lại rõ nét của họ diễn ra sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục rất mạnh ngay trước đó, trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6.

Trao đổi với VnEconomy, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC), lý giải rằng sự nhập cuộc trên xuất phát từ sự lỡ nhịp với đợt sóng hồi phục mạnh mẽ trước đó; khối ngoại tham gia chưa nhiều.

“Họ đã quá bất ngờ trước diễn biến quá nhanh của thị trường, trong khi các quyết định của họ thường mất nhiều thời gian. Họ vẫn chờ các tín hiệu hồi phục của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam mới tham gia mạnh. Và tháng 7 là cơ hội để họ có thể vào thị trường bởi đã có sự điều chỉnh mạnh, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự đoán, giá cổ phiếu tại thị trường Việt Nam tương đối rẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam là lớn”, ông Nghĩa nhận định.

Theo tính toán và tổng hợp của TSC, hệ số P/E của thị trường Việt Nam cuối tháng 7 vừa qua ở mức thấp nhất trong các thị trường so sánh, 13.5 so với 13.87 của Singapore, 15.91 của Thái Lan, 33.19 của Hàn Quốc, hay so với những thị trường như Hồng Kông, Anh, Đài Loan… Đây cũng là một cơ sở để tạo hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc quỹ Vietnam Asset Management (VAM), khi nền kinh tế thế giới đã ổn định hơn và bắt đầu phục hồi, nền kinh tế Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm và sẽ dần trở lại. Bản thân VAM cũng đang đẩy mạnh việc gọi vốn để tiếp tục đầu tư với tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, một số nhận định cho rằng sự nhập cuộc mạnh của vốn ngoại trong tháng 7 còn có mục đích chính từ sự đón đầu khả năng hồi phục của những thị trường mới nổi, thường có sự tăng trưởng mạnh hơn so với những thị trường đã phát triển.

Và, không ngạc nhiên nếu một bộ phận của dòng tiền đó đi cùng với mục đích chính là “lướt” ngắn hạn...

Ảnh hưởng thuộc về nhà đầu tư trong nước

Mua ròng mạnh, liền mạch trong gần 30 phiên, khối đầu tư nước ngoài đã thể hiện vai trò ảnh hưởng và giá trị hỗ trợ đối với thị trường, nhất là khi các đợt điều chỉnh ngắn hạn liên tiếp xuất hiện với thanh khoản yếu trong tháng 7 vừa qua, cũng như đối với tâm lý chung. Nhưng, theo nhận định của một số chuyên gia, gây ảnh hưởng thực sự đến thị trường hiện nay lại là nhà đầu tư trong nước, cụ thể hơn là nhà đầu tư cá nhân.

“Vai trò của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 3 tháng qua là không nhiều. Sự hồi phục của thị trường từ tháng 3 chủ yếu xuất phát từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tuy nhiên trong thời gian một tháng vừa qua và thời gian tới họ có vai trò quan trọng, bởi họ (phần lớn) là nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn và khi họ mua có nghĩa là niềm tin tăng trưởng của thị trường trong dài hạn. Sự tham gia của khối ngoại và tổ chức sẽ giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Trong bản phân tích công bố đầu tuần này, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng nhận định: “Dòng vốn trong nước đã chứng tỏ là dòng vốn quyết định, dòng vốn FII (đầu tư gián tiếp nước ngoài) chỉ đóng vai trò quan trọng. Có nhà đầu tư nước ngoài đã nói rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã truởng thành khi dòng vốn trong nước đóng vai trò quyết định - phù hợp với thông lệ của thị trường chứng khoán thế giới. Yếu tố này đã làm tăng tính thanh khoản cho thị trường, đồng thời thúc đẩy gia tăng dòng vốn FII”.

Trên thực tế, tỷ trọng của khối đầu tư nước ngoài trong tổng giao dịch chung của thị trường thời gian qua và hiện nay vẫn chỉ ở mức khiêm tốn. Trong tháng 7, tỷ trọng cao nhất của tổng mua của họ cũng chỉ chiếm 27% giá trị toàn thị trường (ngày 27/7), mức bình quân tháng 7 chỉ là 14,3%. Nhưng đây là một chuyển biến đáng chú ý, khi liên tục những tháng trước đó tỷ trọng mua vào hoặc bán ra của khối này trên HOSE chỉ xoay quanh mức 5% mỗi phiên.

Trong những phiên đầu tháng 8, đến thời điểm này, mạch mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục. Dòng tiền vẫn tiếp tục chọn vào nhóm cổ phiếu lớn, gợi hướng đầu tư dài hạn và tiềm năng như nhận định của một số nhà môi giới.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa lạc quan khi cho rằng: “Tôi tin là khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng bất cứ khi nào có thể bởi họ còn đang nắm giữ rất nhiều tiền mặt”.

“Tuy nhiên chúng ta cũng không nên ngạc nhiên nếu như họ quay ra bán ròng vì một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài là các quỹ đầu cơ ngắn hạn, họ sẽ cụ thể hóa lợi nhuận khi thị trường tăng mạnh. Ngoài ra bản thân các quỹ dài hạn cũng dành một phần cho “trading” do vậy không phải lúc nào chúng ta cũng thấy khối ngoại mua ròng”, chuyên gia này nói thêm.