11:48 24/07/2008

Vì sao lao động ĐBSCL không “mặn mà” với xuất khẩu?

Hồng Lĩnh

Kế hoạch xuất khẩu lao động các tỉnh ĐBSCL đang bị “vỡ”, khi 6 tháng đầu năm số lao động đi xuất khẩu đạt rất thấp

Thiếu tay nghề và thiếu vốn chính là lực cản của công tác xuất khẩu lao động.
Thiếu tay nghề và thiếu vốn chính là lực cản của công tác xuất khẩu lao động.
Kế hoạch xuất khẩu lao động các tỉnh ĐBSCL đang bị “vỡ”, khi 6 tháng đầu năm số lao động đi xuất khẩu đạt rất thấp.

Từ thực trạng lao động thiếu tay nghề…

Thống kê của Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, 6 tháng đầu năm 2008, cả tỉnh mới chỉ có 150 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Một số tỉnh khác, tình hình cũng không được cải thiện, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…chỉ xuất khẩu được trên dưới 100 người. Thậm chí, tỉnh Tiền Giang vừa báo cáo, 6 thángchỉ xuất khẩu được 24 lao động, đạt 8% kế hoạch cả năm.

Ông Vũ Minh Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động cho biết, ngay thị trường được xem là “béo bở” nhất như Hàn Quốc, lao động vùng này cũng không “mặn mà”.

Dẫn chứng mà ông Xuyên đưa ra là năm 2008, chỉ tiêu đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc “rót” cho các tỉnh vùng ĐBSCL chỉ khoảng 1/3 so với các tỉnh phía Bắc mà họ vẫn không “dùng” hết. Phần lớn các tỉnh này đều trả lại 40 đến 50 chỉ tiêu.

Giải thích lý do này, nhiều doanh nghiệp tạo nguồn cho rằng, phần lớn lao động khu vực này trình độ thấp, thiếu tay nghề, họ cũng chẳng chịu khó học nghề như lao động miền Bắc, dẫn đến số lao động đăng ký ít, tỷ lệ lao động đã đăng ký đạt yêu cầu qua phỏng vấn thấp, vì thế cơ hội cho họ rất ít.

Với những thị trường thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, đòi hỏi trình độ tay nghề và ngoại ngữ khá cao, lao động không đáp ứng được. Trước đây, lao động vùng này rất “chuộng” thị trường Malaysia, là thị trường lao động phổ thông, không đòi hỏi quá cao về tay nghề, đặc biệt là ngoại ngữ.

“Sự cố” lao động chết tại thị trường Malaysia tăng cao vào cuối năm 2007 khiến thị trường này hụt hơn, kéo theo sự kém hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động vùng ĐBSCL.

…đến chuyện thiếu vốn

Một nguyên nhân nữa được sở lao động thương binh và xã hội các tỉnh này nhìn nhận khiến hoạt động xuất khẩu lao động “èo uột” chính là điều kiện kinh tế.

Ông Đặng Minh Ngọc, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre) cho biết, người tham gia xuất khẩu lao động đều thuộc diện hộ nghèo - cận nghèo, để bỏ ra một khoản kinh phí để học nghề và phí môi giới xuất khẩu lao động với họ là rất khó.

“Ngay cả những thị trường chi phí bỏ ra ít như Malaysia, Trung Đông lao động cũng không có, nói gì đến thị trường thu nhập cao, phí lên đến 6-7 nghìn USD”, ông nói.

Trong khi đó, nhiều lao động cho rằng, vay vốn ngân hàng thời lạm phát này không dễ chút nào.

Theo quy định, người lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài sẽ được vay vốn ngân hàng. Đối tượng chính sách được vay tại Ngân hàng Chính sách, các đối tượng còn lại vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, do chính sách cho vay của nhiều ngân hàng hiện nay rất ngặt nghèo, ràng buộc hơn nên mặc dù nhiều lao động rất “mặn mà” với việc “xuất ngoại” thì cũng khó tiếp cận.

Ngoài ra, theo quy định, mỗi lao động được vay tối đa 30 triệu đồng/người, chỉ đủ chi phí đi lao động tại một số thị trường “dễ tính” với mức lương thấp như Trung Đông, Malaysia, trong khi hai thị trường này không đủ sức hấp dẫn.

Đấy là chưa kể hiện nay các ngân hàng đang chạy đua lãi suất tiền gửi, trung bình khoảng 15%-19%/năm nên người lao động không dám vay.

“Cuối cùng, nguồn lao động ĐBSCL vốn đang yếu về tay nghề, nay lại thiếu về nguồn kinh phí dẫn đến các doanh nghiệp không thể tạo nguồn và các địa phương không thể đẩy mạnh số lượng người đi. Và tất nhiên cùng với đó là, người lao động đang mất đi cơ hội thoát nghèo”, một cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Tháp bức xúc.
   
Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, 6 tháng cuối năm 2008, hoạt động xuất khẩu lao động ở ĐBSCL khó có chuyển biến.

Ông Hải cho rằng, nguồn lao động của vùng ĐBSCL rất dồi dào, đã đến lúc các tỉnh phải tính tới việc đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động một cách bài bản. Số lượng cũng quan trọng, song chất lượng lao động vẫn là “lực đẩy” cho phong trào xuất khẩu lao động tại các đại phương.