09:11 24/07/2007

Vì sao nhiều doanh nhân nữ Việt Nam thành công?

Kiều Oanh

Người châu Âu tới Việt Nam vào những năm 1600 “thấy rằng phụ nữ ở đây tỏ ra xuất sắc hơn trong các hoạt động thương mại”

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Ảnh: VNN.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Ảnh: VNN.
Thời báo PhWall (Wall Street Journal) của Mỹ ngày 19/7 đã đăng tải bài viết của tác giả Laura Santini lý giải sự thành công của doanh nhân nữ ở Việt Nam, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn REE. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

Năm 1968, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Thị Mai Thanh rời quê hương Sài Gòn, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ, để làm y tá trong một đoàn quân của miền Bắc Việt Nam do cha bà lãnh đạo ở gần khu vực thành phố.

Sau đó, bà mắc bệnh sốt rét và ra Bắc, sau nhiều ngày đi bộ ròng rã trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Bà đã phải trốn chạy những cuộc không kích của quân Mỹ và chứng kiến những người Việt Nam bị chết hoặc bị thương vì bom đạn Mỹ.

Ngày nay, khi ở vào tuổi 54, cuộc đời bà Mai Thanh đã có rất nhiều thay đổi. Là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của REE, một doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thiết bị gia dụng, xây dựng và bất động sản, bà là một trong số những nữ doanh nhân Việt Nam thành đạt nhất và giàu có nhất. Đầu năm nay, một tạp chí kinh tế Việt Nam đã xếp bà vào vị trí người giàu thứ 9 ở Việt Nam, với tài sản ước tính khoảng 887 tỷ đồng, tương đương 55 triệu USD.

Thành công như vậy của một người phụ nữ không phải là chuyện lạ trong giới doanh nhân Việt Nam. Tại Vinamilk, công ty lớn nhất của Việt Nam về giá trị vốn hóa thị trường, chuyên các sản phẩm về sữa, trước đây thuộc sở hữu Nhà nước, cũng có nữ tổng giám đốc và 4 trong số 6 thành viên hội đồng quản trị của công ty cũng là phụ nữ.

Sacombank, tổ chức tài chính lớn nhất được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng có một nữ giám đốc. Chính phủ Việt Nam mới đây cũng bổ nhiệm một phụ nữ vào vị trí lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), một cơ quan phụ trách hoạt động cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp Nhà nước.

Theo tính toán của giới phân tích, hiện nay, các công ty có giám đốc nữ chiếm tới 30% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở Mỹ, chỉ có chưa đầy 2% trong số danh sách 500 công ty lớn nhất nước này do tạp chí Fortune bình chọn có lãnh đạo là phụ nữ. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, phụ nữ thường không được khuyến khích theo đuổi sự nghiệp riêng và hiếm khi đột phá được tới những vị trí quản lý doanh nghiệp cao cấp.

Việc phụ nữ Việt Nam có được vị trí bình đẳng với nam giới là một kết quả của chiến tranh. Trong khi nhiều người tham gia chiến đấu, nhiều người khác như bà Mai Thanh làm những công việc nguy hiểm trong các đơn vị hỗ trợ chiến đấu. Tỷ lệ thương vong cao ở nam giới buộc người Việt Nam phải từ bỏ những vai trò nghiêm ngặt của hai giới vì họ phải phụ thuộc vào nhau để có thể tồn tại được.

John Shrimpton, một giám đốc của quỹ đầu tư Dragon Capital, đồng thời là người có mặt trong Hội đồng Quản trị của REE nói: “Nếu bạn đứng vai kề vai cùng với một ai đó trong một chiến hào để chống lại kẻ thù, bạn sẽ nghĩ rằng người đó là bình đẳng với bạn.”

Ở Việt Nam, địa vị được tôn trọng của phụ nữ trên thực tế đã có từ hàng nghìn năm trước. Một vài nhà sử học cho rằng, trước khi bị Trung Quốc đô hộ vào năm 111 trước Công nguyên, Việt Nam thậm chí đã có một xã hội mẫu hệ. Người châu Âu tới Việt Nam vào những năm 1600 “thấy rằng phụ nữ ở đây tỏ ra xuất sắc hơn trong các hoạt động thương mại” so với phụ nữ châu Âu, Peter Zinoman, một giáo sư về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học California ở Berkeley cho biết.

Trong nhiều hộ gia đình Việt Nam, phụ nữ là người quản lý hầu bao. “Bố tôi thường đưa lương cho mẹ tôi và sau đó lại hỏi tiền bà mỗi khi ông cần,” Đinh Thị Hoa, Chủ tịch Tập đoàn Galaxy, một công ty truyền thông do chính bà sáng lập.

Những nữ chiến binh cũng có hình ảnh vĩ đại trong truyền thuyết lịch sử Việt Nam. Tương truyền, vào khoảng năm 43 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đã khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc và đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước ở Việt Nam. Ngày nay, có một quận mang tên Hai Bà Trưng tại Hà Nội và nhiều tượng đài của của Hai Bà Trưng đã được xây dựng trên cả nước.

Con đường đến với vị trí ngày nay của bà Mai Thanh bắt đầu từ sau chiến tranh, khi bà rời Việt Nam tới Đức để theo học ngành cơ điện. Trong một chuyến thăm Cuba để tham dự cuộc gặp mặt thanh niên cộng sản, bà gặp lại một người bạn học cũ từ Tp.HCM. Hai người yêu nhau rồi sau đó kết hôn.

Khi hai vợ chồng trở về Việt Nam, bà Mai Thanh vào làm tại REE, công ty có trụ sở tại Tp.HCM, và nhanh chóng thăng tiến trong công ty này. Mới ngoài 30 tuổi, bà đã trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ree.

Nguyễn Bình, 26 tuổi, con trai bà Mai Thanh cho biết, khi anh còn bé, mẹ anh thường nấu bữa tối cho cả nhà. Rất hiếm khi thấy bà bực bội vì áp lực công việc, Bình nhớ lại. Anh nói: “Tôi thấy chúng tôi cũng bình thường như những người khác. Bây giờ tôi mới đọc những bài báo viết về mẹ tôi.” Chồng bà Mai Thanh, một giáo sư hóa học và một nhà điểu học nghiệp dư, đã nghỉ hưu vài năm trước để dành toàn bộ thời gian quản lý tài sản mới của gia đình.

Tại REE, bà Chủ tịch Mai Thanh luôn tích cực trong việc tạo ra những thay đổi. Công ty của bà bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán mới thành lập của Việt Nam vào năm 2000. Người phụ nữ sôi nổi, luôn cười trong khi trò chuyện này nói: “Ngày nay, mỗi khi chúng tôi làm ra một sản phẩm, chúng tôi phải suy nghĩ xem ai sẽ là người sử dụng nó.”

Bà đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh của REE, đưa công ty tham gia vào lĩnh vực bất động sản bất chấp sự phản đối của một số thành viên trong Hội đồng Quản trị của công ty. Bước tiến này đã giúp tăng lợi nhuận cho công ty và giờ đây, các công ty Việt Nam khác cũng đang đổ xô vào lĩnh vực bất động sản như “một trào lưu mốt”, theo lời của Spencer White, một nhân vật trước đây từng làm việc cho Merrill Lynch và hiện đang thành lập một ngân hàng đầu tư ở Việt Nam.

Sự nhạy bén của bà Mai Thanh còn giúp bà có được mối quan hệ tốt với các nhà đầu tư nước ngoài. Bà đã nhận được sự ủng hộ từ hai công ty quản lý quỹ là VinaCapital và Dragon Capital được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư phương Tây và hai công ty này đều có đại diện trong Hội đồng Quản trị của REE.

Giống như nhiều người Việt Nam khác, bà Mai Thanh nói, bà gác lại quá khứ khi làm việc với người Mỹ. Mới tháng trước, bà đã có mặt trong đoàn đại biểu Việt Nam tới Mỹ trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, với tư cách là một đại diện của giới doanh nhân Việt Nam. Bà nói: “Đang có những cơ hội làm ăn để cả doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ cùng có lợi.”