10:45 26/04/2011

Vì sao tài khóa còn “dửng dưng” chống lạm phát?

Nguyễn Hoài

Ngân hàng Nhà nước vừa mới chỉ đạo từng ngân hàng thương mại không được tăng dư nợ tín dụng quá 20%

Theo cán bộ tín dụng một ngân hàng, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 và Ngân hàng Nhà nước triển khai Chị thị 01, toàn ngành ngân hàng gần như chỉ nhắm đến một mục tiêu: hãm đà lạm phát.
Theo cán bộ tín dụng một ngân hàng, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 và Ngân hàng Nhà nước triển khai Chị thị 01, toàn ngành ngân hàng gần như chỉ nhắm đến một mục tiêu: hãm đà lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước vừa mới chỉ đạo từng ngân hàng thương mại không được tăng dư nợ tín dụng quá 20%.

Giới phân tích tài chính cho rằng, đây là hành động siết chặt tiền tệ nặng thêm để kiểm chế lạm phát, khi mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 phi mã lên 3,32%. Tuy nhiên, trong khi chính sách tiền tệ đang bị lạm dụng thì dường như, chính sách tài khóa vẫn còn dửng dưng.

Khó tứ bề

Nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại lớn, đã “tưởng” rằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% của năm nay là chỉ số chung toàn ngành, và không áp dụng cứng nhắc cho từng ngân hàng.

Vì thế, cách đây vài tuần, đã có ngân hàng “đánh tiếng” với với Ngân hàng Nhà nước tại một hội thảo: “Chúng tôi là ngân hàng lớn, phải phục vụ vốn cho nhiều dự án trọng điểm quốc gia, nên cần được nới “room” tín dụng vượt quá 20%”.  

Nhưng nay, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đã quá rõ ràng: bất phân ngân hàng lớn hay nhỏ, nhà nước hay cổ phần, trong hay ngoài nước, tất cả chung một chỉ tiêu.

Phản ứng trước thông tin này, những ngân hàng lớn cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là giải quyết thanh khoản cho cả hệ thống, sau đó mới nên tính đến chuyện khống chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo cán bộ tín dụng một ngân hàng, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 và Ngân hàng Nhà nước triển khai Chị thị 01, toàn ngành ngân hàng gần như chỉ nhắm đến một mục tiêu: hãm đà lạm phát.

Cùng với kế hoạch giảm mức tăng tín dụng toàn hệ thống năm 2011 so với 2010 khoảng 70 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã rốt ráo thắt chặt tiền tệ bằng những công cụ chủ chốt như tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu; thu hẹp quy mô giao dịch và tăng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở; rút nguồn tái cấp vốn ở một số ngân hàng thương mại Nhà nước về kho…

Dĩ  nhiên, khi hành động như vậy, hiệu quả kiềm chế lạm phát có thể chưa hiện rõ (vì độ trễ của chính sách), nhưng trước mắt, đã hiện ra nỗi lo thanh khoản, vốn dĩ âm ỉ trong hệ thống ngân hàng nhiều năm nay.

Có lẽ vì thế mà Ngân hàng Nhà nước còn chần chừ chưa sử dụng tới công cụ dự trữ bắt buộc VND. Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói: “Dự trữ bắt buộc là công cụ đầy "bạo lực". Hiện chỉ cần tăng dự trữ bắt buộc 1% thì Ngân hàng Nhà nước đã hút về khoảng 20 nghìn tỷ đồng”.

Ở một bình diện khác, theo phản ánh từ các ngân hàng thương mại lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại nhà nước, trong khi tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước đang rất khó khăn thì họ còn phải đối mặt tình trạng “chảy máu” nguồn vốn.

Theo thông tin riêng của người viết, nguồn tiền gửi của một ngân hàng thương mại Nhà nước hiện đã bị hụt 17 nghìn tỷ đồng so với tình trạng bình thường, do nhiều ngân hàng khác lách luật dâng lãi suất rút đi. Tương tự, cán bộ lãnh đạo ban nguồn vốn một ngân hàng khác cũng phản ánh thêm: “Khách hàng chúng tôi đang mặc cả lãi suất tiền gửi tới 19%/năm, nếu không chấp nhận, họ sẽ “chuyển tay ba” ngay lập tức”.

“Chuyển tay ba”, có nghĩa, ngân hàng đang nhận tiền gửi không chấp nhận nâng lãi suất cho “bằng chị, bằng em” thì khách sẽ rút và bàn giao ngay cho nhân viên tín dụng của ngân hàng khác, khỏi mất công kiểm đếm!

Vừa phải khó khăn xoay xở với thanh khoản, vừa không đẩy được tín dụng ra thị trường do bị khống chế bởi “chỉ tiêu 20%”, đã báo trước một viễn cảnh đầy bi quan của báo cáo tài chính các ngân hàng trong năm nay.

Lý do chậm trễ?

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong khi chính sách tiền tệ quá mệt mỏi vì chống lạm phát và thanh khoản hệ thống đang bị tổn thương thì chính sách tài khóa thể hiện qua các tuyên bố “cắt giảm chi thường xuyên 10%”, “giảm đầu tư công”, “giảm bội chi ngân sách” vẫn chưa được chuyển hóa thành thực tế.

Thực tế, đã hơn một tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cử hơn 10 đoàn xuống địa phương rà  soát cắt giảm đầu tư công, nhưng con số cắt giảm bao nhiêu, cắt giảm những dự án nào vẫn chưa được công bố.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, một trong những lý do của sự chậm trễ này chính là cơ chế phân bổ và phân cấp quản lý ngân sách quốc gia. Theo ông, nếu muốn quản trị rạch ròi thì cần phải phân biệt ngân sách quốc gia khác với ngân sách địa phương.

Theo đó, Quốc hội phải kiểm soát ngân sách quốc gia còn chính quyền địa phương thì kiểm soát ngân sách địa phương. Muốn làm được điều này thì phải điều chỉnh ngay từ luật thuế. Cụ thể, theo luật định, loại thuế gì thuộc về ngân sách quốc gia, còn loại thuế gì thuộc về ngân sách địa phương, kể cả một đồng, một cắc cũng phải rành rẽ. Sự rạch ròi này sẽ làm rõ tính chất của ngân sách, chứ không phải "tiền lớn" thì về ngân sách Trung ương còn "tiền nhỏ" thì về địa phương như Việt Nam hiện nay.

Khi đó, về nguyên tắc, mỗi địa phương sẽ tự quyết thu chi theo luật định, còn Trung ương không can thiệp. Ông Lịch cũng nêu một dẫn chứng: Thượng Hải (Trung Quốc) là địa phương có nguồn thu thuế rất lớn, vì thế, Chính phủ Trung Quốc luôn tạo ra một “dư địa” để họ tự chủ nguồn thu bằng cách cấp rót ngân sách thiếu so với nhu cầu.

Do thực hiện thu ngân sách theo kiểu “miếng lớn là của Trung ương, miếng bé là của địa phương” nên khi phân bổ ngân sách cho địa phương, tất yếu nảy sinh cơ chế “xin - cho”. “Giống như thả gà ra đuổi. Lẽ đời, đã cho thì khi đòi lại rất khó”, một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét.

Chưa kể, không ít địa phương vận dụng phương sách “con khóc, mẹ mới cho bú”, bằng cách xin thật nhiều dự án để được cấp ngân sách, còn triển khai thì cứ... từ từ.

Có phải vì thế mà hơn một tháng qua, Bộ  Kế hoạch và Đầu tư cử các đoàn công tác xuống các địa phương và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước “rà soát” để “cắt giảm”, mà hiện vẫn chưa có kết quả?

Và, giá như cơ chế thu chi ngân sách được điều chỉnh qua luật thuế như nói trên, thì việc cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát hẳn sẽ đơn giản hơn, và chính sách tiền tệ không bị lạm dụng quá mức như hiện nay?