Vì sao Taya Việt Nam lỗ?
Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam vừa giải trình nguyên nhân thua lỗ 11,5 tỷ đồng trong quý IV/2006
Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam vừa giải trình nguyên nhân thua lỗ 11,5 tỷ đồng trong quý IV/2006.
Quý IV/2006, Công ty Taya (mã cổ phiếu là TYA) đạt tổng doanh thu 301,28 tỷ đồng (cả năm 1.300 tỷ đồng, tăng 68% so năm 2005 và 40% so kế hoạch đề ra cho năm 2006), lợi nhuận sau thuế âm hơn 11,5 tỷ đồng (cả năm lãi 52,706 tỷ đồng, tăng 35% so năm 2005 và giảm 7,5% so kế hoạch đề ra cho cả năm 2006), lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu âm 476 đồng nhưng cả năm dương 2.182 đồng và cổ tức trên mỗi cổ phiếu là 15% (1.500 đồng/cổ phiếu).
Theo giải trình của Công ty Taya (công ty có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên lên sàn giao dịch chứng khoán), trong quý I và II/2006, Taya đạt mức tăng trưởng cao chủ yếu là do công ty có được nguồn nguyên liệu đồng đã nhập khẩu từ quý IV/2005 với giá thấp (4.500 USD/tấn) để sản xuất trong khi giá đồng thế giới trong quý I và II/2006 tăng đột biến, lên tới 7.200 USD/tấn, tăng 90% so với giá bình quân năm 2005 và công ty tiêu thụ được nhiều hàng hóa tồn kho của năm 2005.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ trong quý IV/2006 của Taya là quý 4/2006, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty bị cuốn theo sự giảm giá đảo chiều của giá đồng thế giới, xuống còn 6.700 USD/tấn sau khi tăng lên mức trần của năm 2006 là 8.000 USD/tấn vào quý II/2006.
Việc giảm giá đột ngột này khiến công ty bị lỗ 11,5 tỷ đồng trong quý IV/2006 do phải giảm giá bán sản phẩm đầu ra theo xu hướng giảm giá của thị trường.
Theo quan điểm của Hội đồng Quản trị của Taya, sự tăng giá nguyên liệu đồng thế giới trong thời gian qua là do thị trường Trung Quốc thu hút nguyên liệu đồng quá lớn, lượng đồng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh (Trung Quốc hiện chiếm 1/5 lượng tiêu thụ đồng nguyên liệu của toàn thế giới).
Kim loại đồng, nhôm là loại vật tư quan trọng trong đời sống kinh tế của mỗi quốc gia, giá cả của 2 loại hàng này bị ảnh hưởng trực tiếp từ yếu tố tăng trưởng kinh tế, lạm phát, biến động của thị trường tiền tệ, cộng vào đó là khả năng kìm hãm giá cả và đầu cơ của các quỹ đầu tư tại các sàn giao dịch kim loại trong nước và trên thế giới.
Theo phân tích của Taya, khi giá đồng tăng cao từ quý I/2006, công ty đã liên tục điều chỉnh giá bán sản phẩm theo kế hoạch dự phòng rủi ro giá giảm và kết quả sản xuất kinh doanh của quý IV/2006, công ty đã phải thua lỗ 11,5 tỷ đồng, nhưng do công ty đã có biện pháp điều chỉnh giá bán trong quý I và II/2006 nên đã cân bằng được lợi nhuận, giảm thiểu tổn thất ở mức thấp nhất cho công ty.
Công ty Taya kết luận rằng nhìn chung, sản xuất kinh doanh quý IV thua lỗ nhưng cả năm vẫn duy trì được lợi nhuận sau thuế hơn 52,706 tỷ đồng (thuế thu nhập phải nộp cả năm 2006 là 3,303 tỷ đồng), đạt 93% kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm.
Trong đó, các khoản chi phí tài chính ngắn hạn của công ty vào khoảng 11,4 tỷ đồng, gần bằng với số tiền thua lỗ, nếu công ty tái cơ cấu lại phần vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn, chắc hẳn việc thua lỗ trong quý IV sẽ không xảy ra.
Trên thực tế, từ đầu tháng 12/2006, thị trường đã có được những thông tin chưa chính thức về tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty Taya trong quý IV/2006. Do đó, trong khi giá nhiều cổ phiếu liên tục tăng đụng trần trong tháng 12/2006 thì giá cổ phiếu TYA luôn quanh quẩn ở mức 51-52.000 đ/cổ phiếu.
Tuần đầu sau Tết Dương lịch, giá cổ phiếu TYA giảm xuống còn 48-49.000 đ/cổ phiếu, sau đó tăng lên 56.000 đ/cổ phiếu trong mấy phiên gần đây theo cơn sốt nóng của thị trường cổ phiếu.
Một số nhà đầu tư cá nhân nhận định, cổ phiếu của các công ty sản xuất dây và cáp điện ở VN nhiều rủi ro hơn các công ty trong ngành công nghiệp khác, thể hiện cụ thể qua việc toàn bộ nguyên liệu đầu vào đồng và nhôm đều phải nhập khẩu.
Việc này phụ thuộc rất lớn vào biến động của giá thị trường thế giới và tình trạng đầu cơ của các quỹ đầu tư trên sàn giao dịch kim loại London (sàn giao dịch kim loại quy mô lớn nhất thế giới), nhất là những giao dịch kỳ hạn (future market).
Do phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu đầu vào nên khi tỷ giá đồng Việt Nam so với những ngoại tệ mạnh tăng lên (đồng Việt Nam mất giá so với ngoại tệ), giá thành nguyên liệu nhập khẩu (tính bằng đồng Việt Nam) sẽ tăng lên làm giảm lợi nhuận của những nhà sản xuất dây và cáp điện.
Một rủi ro nữa của các công ty sản xuất dây và cáp điện ở Việt Nam là thị trường ngày càng cạnh tranh quyết liệt, các công ty trong nước đang có sức cạnh tranh ngang ngửa và nổi trội hơn công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều này sẽ được thể hiện rõ nhất trong phiên đấu giá 3,4 triệu cổ phiếu của Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi) vào ngày 31/1/2007. Ngay ngày đầu tiên đăng ký tham dự đấu giá cổ phiếu của Cadivi tại Công ty chứng khoán SSI, lượng người kéo đến ùn ùn làm tắc nghẽn và chật cứng cửa ra vào của Công ty chứng khoán SSI.