09:21 20/11/2010

Vì sao Trung Quốc liên tục tăng dự trữ bắt buộc?

Diệp Anh

Hôm qua (19/11), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng nước này tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%

Thanh khoản sẽ giảm khoảng 300 tỷ Nhân dân tệ - Ảnh: Getty.
Thanh khoản sẽ giảm khoảng 300 tỷ Nhân dân tệ - Ảnh: Getty.
Hôm qua (19/11), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu các ngân hàng của nước này tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản (+0,5%). Quy định có hiệu lực từ ngày 29/11.

Đây là lần thứ hai trong tháng 11 và lần thứ 5 trong năm nay, Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Trước đó, hôm 11/11, PBOC cũng thông báo, từ ngày 16/11, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại nước này sẽ được điều chỉnh tăng thêm 50 điểm cơ bản, do quan ngại lạm phát và chi phí nhà đất gia tăng.

Theo PBOC, mục đích của việc nâng thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 5 là nhằm tăng cường quản lý khả năng thanh toán bằng tiền mặt và kiểm soát tiền, tín dụng ở mức vừa phải.

Một chuyên gia kinh tế thuộc Merrill Lynch nhận định, Trung Quốc chỉ nâng tỷ lệ bắt buộc, mà không có ý định nâng lãi suất cơ bản hay làm đóng băng hoạt động cho vay do tăng tỷ lệ dự trữ, có tác dụng trực tiếp giúp hút bớt thanh khoản.

Dự kiến, với việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc này, thanh khoản sẽ giảm khoảng 300 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 44,8 tỷ USD).

Khi quyết định của PBOC có hiệu lực từ ngày 29/11 tới, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Nông nghiệp, sẽ ở mức 18,5%.

Trung Quốc đang cố gắng hạn chế nguồn cung tiền. Việc Mỹ bơm thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua kế hoạch mua lại trái phiếu chính phủ sẽ tiếp thêm dòng tiền nóng đầu cơ đổ vào Trung Quốc và làm gia tăng lạm phát.

Brian Jacson, chiến lược gia về các thị trường mới nổi thuộc Royal Bank of Canada nhận định: “Bắc Kinh đang tỏ ra ngày càng lo lắng về viễn cảnh lạm phát và sẵn sàng sử dụng hàng loạt các công cụ chính sách”.

Theo tờ New York Times, tính đến thời điểm này, lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc chủ yếu mới chỉ tính đến yếu tố lương thực và năng lượng. Nếu không tính giá lương thực và năng lượng, chỉ số giá tiêu dùng chỉ ở mức 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc tránh xem xét lạm phát tổng thể có thể dẫn đến nhiều khó khăn.

Cung tiền tổng thế của Trung Quốc đã tăng 54% trong 2 năm qua nhờ sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương đối với nền kinh tế xuất khẩu. Một lượng tiền lớn ồ ạt đổ vào nền kinh tế Trung Quốc qua các khoản cho vay cực lớn của các ngân hàng quốc doanh trong 2 năm qua nhằm hỗ trợ nền kinh tế đã khiến nước này tăng trưởng đến 2 con số.

Giới phân tích cho rằng, một lượng lớn tiền chi cho kích thích kinh tế, vay mượn từ ngân hàng cùng dòng tiền nóng đầu cơ đổ vào nền kinh tế này, là nhân tố chính dẫn tới việc CPI tháng 10 của Trung Quốc tăng tới 4,4%, cao nhất trong 25 tháng qua.

Theo Tân Hoa Xã, giá 18 mặt hàng rau tươi đã tăng rất cao trong mười ngày đầu tháng 11 so với cùng kỳ năm trước. Dẫn lời một quan chức Bộ Thương mại nước này, Tân Hoa xã nêu giá các loại rau đã tăng đến 62,4% trong gần nửa đầu tháng 11. Giá bán sỉ những mặt hàng này trên 36 tỉnh, thành phố lớn tăng 11,3% kể từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, giá thịt các loại cũng không ngừng leo dốc, thịt heo tăng 1,6%, trứng tăng 0,9%, bột tăng 0,4%... Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số niềm tin tiêu dùng đã giảm trong quý 3 năm nay, đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm sau khi liên tục tăng năm quý trước đó.

Tờ China Daily dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 17/11 cho biết, để đối phó với tình trạng tăng giá, Quốc vụ viện nước này đang soạn thảo một loạt biện pháp ngăn chặn tăng giá hàng hóa.

Theo trang web của Chính phủ Trung Quốc, các biện pháp trên sẽ bao gồm việc đẩy mạnh các nguồn cung thực phẩm và nhu cầu cần thiết khác, tăng trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp và thực hiện nhiều chính sách nhằm duy trì trật tự thị trường.

Cũng trong ngày 19/11, Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc (SIC) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 4 nhiều khả năng đạt 8,7%, thấp hơn so với con số 9,6% trong quý 3. Tuy nhiên, SIC cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc có thể đạt khoảng 10%.