17:01 08/06/2011

Vì sao Việt Nam đổi cách thống kê sản xuất công nghiệp?

Anh Quân

Chỉ số sản xuất công nghiệp (Index of Industrial Production - IIP) sẽ chính thức được sử dụng từ tháng 6/2011

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp ngày càng thấp so với tốc độ tăng giá trị sản xuất.
Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp ngày càng thấp so với tốc độ tăng giá trị sản xuất.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá 1994 nửa đầu năm nay khoảng 14,2%, nhưng giá trị tăng thêm ngành này chỉ khoảng 6,6%.

“Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp ngày càng thấp so với tốc độ tăng giá trị sản xuất”, Bộ này nêu một thực tế lâu nay tại bản báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Cũng liên quan đến chất lượng con số thống kê công nghiệp, sáng 8/6, Tổng cục Thống kê đã tổ chức hội thảo công bố Thông tư số 07/2011/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc áp dụng chỉ số sản xuất công nghiệp (Index of Industrial Production - IIP), thay thế chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994, sẽ chính thức được sử dụng từ tháng 6/2011.

Cơ quan này cho rằng, IIP phản ánh biến động của ngành công nghiệp về mặt lượng với quyền số là giá trị gia tăng, cho nên sát thực hơn với tốc độ tăng của ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng tính theo GDP.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994 vẫn được áp dụng lâu nay chỉ phù hợp với thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, khi mà chủng loại sản phẩm không nhiều, chất lượng sản phẩm ít thay đổi, và giá cả sản phẩm ổn định trong thời gian dài.

 “Mặt khác, sử dụng giá từ năm 1994 để làm phương tiện so sánh chịu ảnh hưởng nhiều của kết cấu sản phẩm năm 1994, nếu dùng bảng giá cố định 1994 để tính giá trị sản xuất theo giá cố định sẽ cho kết quả sai lệch, không phản ánh đúng thực tế”, Tổng cục Thống kê cho hay.

Hơn nữa, chỉ tiêu giá trị sản xuất giá cố định 1994 phản ánh toàn bộ giá trị (gồm cả nguyên, vật liệu, phụ tùng) nên bị tính trùng nhiều. Điều này đặc biệt không còn phù hợp với thực tế sản xuất công nghiệp Việt Nam đang phát triển theo hướng tăng nhanh các ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng thấp (chủ yếu là các ngành gia công, lắp ráp, các ngành sử dụng nhiều nguyên, vật liệu) như chế biến thủy sản, đóng tàu, lắp ráp ôtô, xe máy, sản xuất máy móc, thiết bị gia đình, máy móc, thiết bị điện tử…

Để giải quyết bất cập này, từ năm tháng 1/2007, Tổng cục Thống kê đã thử nghiệm tính bộ chỉ tiêu mới gồm chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp hàng tháng, đang được các nước phát triển trên thế giới áp dụng rộng rãi và xuất bản kết quả trong niên giám thống kê Liên hiệp quốc.
    
Chỉ số sản xuất công nghiệp được thực hiện theo quy trình điều tra chọn mẫu ngành, sản phẩm/mặt hàng, cơ sở sản xuất đại diện cho ngành công nghiệp cấp 4. Mỗi cấp chọn mẫu đảm bảo chiếm từ 75% trở lên giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, gán với quyền số là giá trị tăng thêm và năm gốc so sánh là năm 2005 (hiện nay đang thực hiện chuyển đổi năm gốc so sánh về 2010).

Tổng cục Thống kê cho rằng, ưu điểm của phương pháp mới là cho kết phản ánh đúng xu hướng và sát với kết quả sản xuất thực chất của ngành công nghiệp (sát với tốc độ tăng trưởng tính theo giá trị tăng thêm và GDP của ngành công nghiệp) toàn quốc và 63 tỉnh, thành phố; cung cấp thông tin phong phú phản ánh đầy đủ chu kỳ sản xuất, tiêu thụ, tồn kho của ngành công nghiệp; đảm bảo so sánh quốc tế.