10:21 27/04/2011

Vị thế quân sự Mỹ nhìn từ “núi” nợ công

Hồng Ngọc

Thế giới đang dồn sức tập trung vào tình hình bất ổn tại Trung Đông, Bắc Phi mà bỏ quên vấn đề vị thế của Mỹ

Lính Mỹ tại Afghanistan - Ảnh: Getty.
Lính Mỹ tại Afghanistan - Ảnh: Getty.
Tờ South China Morning Post của Hồng Kông hôm 26/4 bình luận, trong bối cảnh các cuộc bạo động lan rộng ở Lybia, cũng như khắp các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, mọi sự chú ý của các quốc gia châu Á được tập trung vào vấn đề duy trì sự ổn định xã hội, mà bỏ sót một khía cạnh quan trọng khác đối với khu vực này, đó là vị thế của Mỹ trên thế giới.

Thực tế, cuộc khủng hoảng Lybia đã nói lên nhiều điều. Trong những ngày đầu của chiến dịch ngoại giao quốc tế dẫn tới các cuộc không kích và thiết lập vùng cấm bay, Washington có vẻ như chịu để Anh, Pháp, Italy và thậm chí là Canada cầm trịch hay khơi mào các cuộc can thiệp quân sự. Chính quyền Mỹ trái lại, giữ thái độ trầm lắng, lùi lại sau nhường các đồng minh gánh vác công việc mà nước này đã đảm đương suốt một thời gian dài.

Điều này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Bush. Mỹ trở nên không hào hứng với việc sa lầy vào một cuộc chiến khác nữa trong thế giới Arab. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sở dĩ chính quyền của ông Obama đột ngột lùi lại phía sau là bởi đã trải nghiệm được quá nhiều cuộc sa lầy trong thập niên trước dưới thời của người tiền nhiệm. Nhưng thực tế, Mỹ nhẹ giọng hơn là bởi nước này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ dự đoán, nợ công của nước này sẽ chạm tới mức trần 14.300 tỷ USD mà pháp luật liên bang cho phép, trong khoảng thời gian từ 15/4 đến 31/5. Tính đến hôm 1/4, lượng tiền mà Bộ Tài chính vay chỉ còn cách mức trên có 95 tỷ USD. Chính xác hơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner khẳng định, nợ công của Mỹ sẽ kịch trần vào ngày 16/5 tới.

"Nếu Quốc hội chậm hành động, thì nguy cơ lớn hơn đối với chúng ta là, các nhà đầu tư ở đây cũng như trên khắp thế giới sẽ đánh mất niềm tin vào khả năng thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của chúng ta", ông Geithner tuyên bố. "Sự vỡ nợ của nước Mỹ là điều không thể tưởng tượng nổi".

Mặc dù Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng một số biện pháp nhất định để trì hoãn thời gian xảy ra việc nợ công kịch trần. Bộ trưởng Timothy Geithner cảnh báo, nếu trần nợ không được nâng, nền kinh tế và người dân Mỹ sẽ phải đối mặt với những kết cục không mong muốn. Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng lãi suất tăng cao và sẽ phải ngừng hoặc trì hoãn thanh toán cho quân đội, người về hưu và nhiều người lao động trong các lĩnh vực khác.

Với núi nợ cao ngất ngưởng như vậy và đang tiếp tục dâng lên, các vấn đề mang tính cấu trúc kinh tế đang buộc Mỹ không những phải cắt giảm thâm hụt ngân sách, mà còn phải đánh giá lại tổ hợp quân sự - công nghiệp khổng lồ của mình. Dĩ nhiên, Mỹ vẫn là một siêu cường, nhưng là một siêu cường đang mắc kẹt trong đống nợ, phải giảm bớt chi tiêu và vận động các quốc gia khác cùng gánh vác trách nhiệm lãnh đạo toàn cầu.

Theo học giả Michael Mandelbaum trong một nghiên cứu gần đây mang tên "Siêu cường phải tiết kiệm", Mỹ phải siết chặt các hoạt động quân sự và ngoại giao do đang ở thế phải thắt lưng buộc bụng. Mandelbaum cho rằng, từ sau Thế chiến 2 tới nay, đặc trưng chính sách ngoại giao của Mỹ là tự do vận động hơn là kiềm chế hành động, nhưng hiện thời điều đó sẽ phải thay đổi.

Chưa hết, học giả quân sự Sam Bateman ở Singapore còn nghi ngờ triển vọng dài hạn về sự hiện diện quân sự Mỹ tại khu vực châu Á, do ngân sách của quốc gia này bị giảm mạnh, bất chấp việc đầu năm nay, Phó đô đốc Scott Van Buskirk, chỉ huy hạm đội 7, đã phản bác quan điểm cho rằng, vị thế của Mỹ ở Đông Á đang suy yếu. Còn nhà sử học người Anh, Geoffrey Till, nhấn mạnh Mỹ là cường quốc duy nhất đủ sức giữ cho các tuyến hàng hải quốc tế tự do thông thương.

Trong bài phát biểu mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị cắt giảm thêm 400 tỷ ngân sách quốc phòng trong vòng 12 năm tới. Tờ Times dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, Robert Gates hôm 25/4 cho hay, việc cắt giảm đáng để ngân sách quốc phòng sẽ để lại hậu quả đối với vai trò toàn cầu của Mỹ cũng như đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Theo lời ông Gates, “việc cắt giảm được ông Obama tuyên bố sẽ dẫn đến sự thay đổi trong chiến lược tổng thể của Washington, nơi Mỹ sẽ phải từ bỏ tất cả các quy định tồn tại 60 năm qua, cụ thể là quốc gia này cần phải có đủ nguồn lực để tiến hành cùng lúc 2 cuộc chiến tranh ở 2 chiến trường khác nhau”. Tuy nhiên, theo phân tích của CS Monitor, khoản cắt giảm 400 tỷ USD này bao gồm cả ngân sách chi tiêu gần 1.000 tỷ USD cho an ninh nội địa.