11:59 20/11/2013

VIB: “Công nghệ luôn đi trước một bước”

Hương Giang

Tại VIB, đầu tư công nghệ luôn đi trước một bước, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Ông Trần Nhất Minh, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB), phát biểu tại Diễn đàn Ngân hàng Đông Nam Á 2013.<br>
Ông Trần Nhất Minh, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB), phát biểu tại Diễn đàn Ngân hàng Đông Nam Á 2013.<br>
Ngày 19/11, trong khuôn khổ Diễn đàn Ngân hàng Đông Nam Á 2013 tổ chức tại Tp.HCM, khác biệt hóa dịch vụ và tối ưu hoạt động là một chủ đề thời sự đối với các ngân hàng Việt Nam, khi bối cảnh hoạt động đang có nhiều khó khăn.

Giai đoạn 2006 - 2008, hệ thống ngân hàng Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng cả chiều rộng và chiều sâu. Đầu tư cho công nghệ không những là yêu cầu mà còn là cuộc cạnh tranh thực sự giữa các ngân hàng thương mại. Hệ thống ngân hàng lõi (core banking) định hình, phát huy giá trị lớn trong chất lượng quản trị, điều hành nội bộ mỗi thành viên và kích hoạt sự bùng nổ nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao trên thị trường.

Nhưng, core banking không phải là một miếng ghép công nghệ dễ chịu. Hàng trăm tỷ đồng là chi phí lớn, có thể chiếm trên 10% đến 20% quy mô vốn điều lệ nhiều ngân hàng giai đoạn đó. Điều này cũng giải thích vì sao có những thành viên phải mất tới 3 năm, thậm chí 5 năm mới có thể hoàn thiện.

Bên lề diễn đàn trên, một lãnh đạo ngân hàng phụ trách khối công nghệ cho rằng, 2006 - 2008 có thể nói là giai đoạn may mắn, hoạt động ngân hàng khởi sắc và việc đầu tư cho phát triển công nghệ nhìn chung khá thuận lợi. Tuy nhiên, những năm gần đây và hiện nay, đầu tư cho công nghệ thực sự là thử thách lớn nếu không nói là có nhiều khó khăn.

Trong khuôn khổ chủ đề trên của diễn đàn, câu hỏi liên quan cũng đã được đặt ra: Các ngân hàng lựa chọn thế nào khi hoạt động kinh doanh có nhiều khó khăn, hầu hết phải cắt giảm nhân sự, co hẹp chi phí hoạt động, trong khi đầu tư cho công nghệ là yêu cầu thường trực, chi phí thường không dễ chịu và luôn có áp lực đổi mới?

Là diễn giả của diễn đàn, ông Trần Nhất Minh, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc Tế (VIB), đưa ra quan điểm đáng chú ý.

“Khác với hoạt động kinh doanh, đầu tư cho công nghệ là chiến lược mang tính lâu dài, được hoạch định chắc chắn và nhất quán mà không thể nhượng bộ với khó khăn chung. Bởi lẽ, các dự án hay đầu vào của công nghệ mới đều có sự tương tác sâu, rộng với các hoạt động, sản phẩm để tạo đích đến là giá trị mới, sức cạnh tranh mới trên thị trường. Vì vậy, ở đây không có chỗ cho sự đầu tư nửa vời”, ông Minh nói.

Tại VIB, để trở thành ngân hàng có công nghệ hiện đại, nhiều dự án đã định hình và lần lượt triển khai những năm gần đây, với sự tham gia của các tổ chức tư vấn uy tín trên thế giới, cũng như sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược nước ngoài CBA.

Theo ông Minh, trong bối cảnh thị trường và hoạt động kinh doanh của ngành khó khăn, những nỗ lực đầu tư và đổi mới công nghệ càng có điều kiện để phát huy những lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, nói gì thì nói, khó khăn chung ảnh hưởng nhất định đến mong muốn chủ quan của mỗi ngân hàng. Điều này càng đòi hỏi việc xây dựng kiến trúc công nghệ phải kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là phải sáng tạo hơn nữa.

“Khó khăn hiện nay theo tôi là ngắn hạn. Trong khi đầu tư và ứng dụng công nghệ gắn với tầm nhìn dài hạn, là luôn tạo được sự vượt trội trong tiện ích, chất lượng sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng. Vì vậy, trong quá trình ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm - dịch vụ, chúng tôi luôn đặt nhu cầu và lợi ích của khách hàng lên trên hết, chứ không phải là vấn đề cho phí và co lại khi khó khăn”, Phó tổng giám đốc VIB cho biết.

Như năm 2012, năm khó khăn nổi bật trong hoạt động ngân hàng nói chung, VIB đã đẩy mạnh triển khai dự án Ebanking – ngân hàng điện tử. VIB cũng là ngân hàng đầu tiên cung cấp khả năng thanh toán hóa đơn tiền điện qua điện thoại cho khách hàng; hay thiết lập cơ chế cho phép khách hàng phản hồi khi đăng nhập dịch vụ internet banking để cải thiện dịch vụ…

Đặc biệt, nắm bắt xu hướng công nghệ ngân hàng, VIB đã tiến hành đưa vào sử dụng nền tảng công nghệ ESB (Enterprise Service Bus) – một nền tảng công nghệ hoàn toàn mới trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng tại Việt Nam. Việc xây dựng và phát triển nền tảng ESB được coi như đặt viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng kiến trúc hướng dịch vụ (SOA) - dịch vụ mới mà rất nhiều ngân hàng Việt Nam chưa thực hiện được.

Với ESB, VIB có thể giảm thiểu sự phụ thuộc lẫn nhau của các thành phần trong hệ thống công nghệ ngân hàng, có khả năng tích hợp các dịch vụ và ứng dụng mới ra thị trường với thời gian nhanh nhất, giá thành thấp nhất và ảnh hưởng ít nhất đến các hệ thống hiện tại…

Công nghệ luôn đi trước một bước. Loạt dự án vừa triển khai của VIB không những thúc đẩy cho toàn hệ thống của mình hiện tại, tạo thêm nhiều tiện ích và giá trị gia tăng cho khách hàng, mà còn là bước chuẩn bị cho chiến lược phát triển mạnh hơn trong năm 2014.

Dự kiến trong năm tới ngân hàng này sẽ mở thêm 20 chi nhánh và khoảng 60 ATM trên toàn quốc. Bên cạnh mạng lưới hiện có, địa bàn hoạt động theo đó sẽ mở rộng ra một số tỉnh thành trọng điểm khác như Bắc Ninh, Nam Định, Long An, Ninh Bình… Trong kế hoạch này, hệ thống công nghệ và các sản phẩm - dịch vụ có sức cạnh tranh đã sẵn sàng.

(Nguồn: VIB)