07:39 28/10/2010

“Viễn thông là hiện tượng cần thí điểm về cạnh tranh”

Mạnh Chung

"Nên coi viễn thông là một hiện tượng để thí điểm, tổng kết xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh, thực sự cạnh tranh..."

Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại hiện có là 156,1 triệu, trong đó di động chiếm 90,32%; mật độ đạt 180,7 máy/100 dân.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại hiện có là 156,1 triệu, trong đó di động chiếm 90,32%; mật độ đạt 180,7 máy/100 dân.
Kể nếu còn kịp thì ngành viễn thông nên có một bản báo cáo cụ thể, chi tiết gửi tới Đại hội Đảng sắp tới làm bài học kinh nghiệm, nền tảng và định hướng cho sự phát triển của một nền kinh tế thị trường cạnh tranh, đặc biệt là trong khối các doanh nghiệp Nhà nước.

Đó là điều mà TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiếc nuối khi tham dự buổi tọa đàm "Mười năm thực hiện Chỉ thị 58 về phổ cập viễn thông và Interrnet của Việt Nam – những kinh nghiệm và bài học” do Báo Bưu điện Việt Nam tổ chức ngày 27/10. Theo ông, thị trường viễn thông, Internet của Việt Nam trong 10 năm qua đã có những bước phát triển đáng nể.

Nhớ lại thời điểm trước khi Chỉ thị 58 ra đời, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, cho biết: "Khi đó, tâm lý, tư duy về mở cửa thị trường viễn thông của mình vẫn còn e ngại, dè dặt lắm. Mất bao nhiêu năm không mở cửa được. Ngay cả việc cho mở đại lý Internet, chúng tôi (Tổng cục Bưu điện) và những cá nhân, tổ chức liên quan cũng 'cãi nhau' mất 2 năm rưỡi..."

Thị trường viễn thông Việt Nam tại thời điểm năm 2000 trở về trước chưa có cạnh tranh. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là doanh nghiệp gần như "độc tôn" thị phần trong hầu hết các dịch vụ viễn thông. Khi đó, dịch vụ viễn thông ở Việt Nam khá cao. Điện thoại di động chia 3 vùng cước với mức cước nội vùng là 3.500 đồng/phút, liên vùng là 6.000 đồng/phút; cách vùng là 8.000 đồng/phút.

Vì thế, đầu năm 2000, tổng số thuê bao điện thoại di động của cả nước cũng mới chỉ có khoảng 300.000. Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn quốc là 3,5 triệu.

Kể từ sau sự ra đời của Chỉ thị 58 với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, thị trường này của Việt Nam mới có sự cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ.

Nhiều doanh nghiệp viễn thông ra đời: Viettel, EVN Telecom, Gtel, Hanoi Telecom… khiến thị trường liên tiếp đạt được những mức tăng trưởng chưa từng thấy. Tốc độ phát triển thuê bao tăng rất nhanh qua các năm.

Giá cước viễn thông đã đạt mức trung bình và thấp hơn các nước trong khu vực (trung bình khoảng 900 đồng/phút). Năm 2009, viễn thông là ngành đóng góp tới 7,4% GDP cả nước, doanh thu 6,8 tỷ USD....

Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại hiện có là 156,1 triệu, trong đó di động chiếm 90,32%; mật độ đạt 180,7 máy/100 dân; cả nước đã có trên 25,09 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 29,24%. Tổng số thuê bao băng thông rộng đạt 3,38 triệu thuê bao, đạt mật độ 3,95%.

Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, để có được kết quả như ngày nay, là do Việt Nam đã quyết tâm cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển trong lĩnh vực viễn thông và Internet.

Ông Trần Đình Thiên nhìn nhận, sự phát triển của ngành viễn thông của Việt Nam thực sự ấn tượng và đáng nể, vì Việt Nam đã đi từ điểm thấp nhất của thế giới đến đỉnh cao nhất trong viễn thông. Mở cửa và đi vào hiện tại, chấp nhận sự cạnh tranh mạnh mẽ để có được một thị trường phát triển ngày càng lành mạnh, bùng nổ.

"Vì thế, nên coi viễn thông là một hiện tượng để thí điểm, tổng kết xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh, thực sự cạnh tranh", ông Thiên nói.

Để từ "hiện tượng" ngành viễn thông đi vào các thành phần, lĩnh vực kinh tế khác, theo ông Mai Liêm Trực, quan trọng nhất là ở nhận thức và quyết tâm hành động, phải giữ ý chí làm cho bằng được, từ đó sẽ tạo ra những cơ chế thuận lợi thúc đẩy phát triển mọi thành phần kinh tế theo hướng cạnh tranh lành mạnh.