16:35 21/04/2010

Việt kiều: Nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài?

Địa vị pháp lý của Việt kiều trong quá trình về nước đầu tư, kinh doanh vẫn là một câu hỏi chưa có giải đáp rõ ràng

Các Việt kiều trong một cuộc gặp gỡ trao đổi thông tin và kiến nghị các chính sách để đầu tư về Việt Nam - Ảnh: Lê Toàn.
Các Việt kiều trong một cuộc gặp gỡ trao đổi thông tin và kiến nghị các chính sách để đầu tư về Việt Nam - Ảnh: Lê Toàn.
Địa vị pháp lý của Việt kiều trong quá trình về nước đầu tư, kinh doanh vẫn là một câu hỏi chưa có giải đáp rõ ràng. Các nhà đầu tư than phiền rằng chính sự tù mù này đang trở thành vật cản trên con đường họ trở về làm ăn tại quê nhà.

Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, Việt kiều Đức, kể cách đây vài tháng ông cùng một số bạn bè trong nước dự kiến mở một công ty dịch vụ tin học tại Tp.HCM. Thế nhưng, sau năm lần đi lại liên hệ với sở kế hoạch và đầu tư mong muốn của ông vẫn không thể trở thành hiện thực. Chán nản và thất vọng, ông và các bạn ông đành bỏ cuộc.

Trên đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp mà Việt kiều gặp phải trong quá trình về nước đầu tư kể từ sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực vào 1/7/2006, và đặc biệt trong thời gian gần đây. Trước đó, theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, ngoài một số ưu đãi (thuế, đất đai...) Việt kiều còn được đối xử giống như công dân trong nước trong thủ tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Điều 7, Luật Quốc tịch quy định rõ: “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước...”.

Tuy nhiên, sau khi Luật Khuyến khích đầu tư trong nước bị bãi bỏ bởi Luật Đầu tư thì địa vị pháp lý của nhà đầu tư Việt kiều rơi vào cảnh tù mù vì không có một văn bản pháp luật nào xác định cụ thể. Xem họ như nhà đầu tư trong nước, có sở kế hoạch và đầu tư chỉ yêu cầu họ thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Ngược lại, có nơi lại bắt buộc họ phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài.

Tình trạng không rõ ràng này kéo dài cho đến ngày 18/6/2009 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 88/2009/QĐ-TTg. Trong đó có đưa ra định nghĩa “cá nhân nước ngoài là người không mang quốc tịch Việt Nam, cư trú tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam”.

Trước đó, tại Quyết định số 121/2008/QĐ-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, cá nhân nhà đầu tư nước ngoài lại được quy định “là người có quốc tịch nước ngoài, cư trú tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam, bao gồm cả người gốc Việt Nam có quốc tịch nước ngoài”.

Một số sở kế hoạch và đầu tư đã coi những quy định này như “phao cứu sinh” để làm cơ sở khi giải quyết thủ tục đầu tư đối với Việt kiều. Tức là Việt kiều sẽ được xem là nhà đầu tư nước ngoài khi không còn quốc tịch Việt Nam hoặc có quốc tịch nước ngoài.

Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là phạm vi áp dụng của những văn bản trên lại có phần hạn hẹp, ví dụ Quyết định 88/2009/QĐ-TTg chỉ liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, còn Quyết định 121/2008/QĐ-BTC lại điều chỉnh về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Do không có luật lệ rõ ràng, có nơi như Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM phải “cầu cứu” đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phải mất hai tháng sau, ngày 3/7/2009 cơ quan này mới phúc đáp bằng Công văn số 4861/BKH-PC nhằm “chữa cháy” cho việc giải quyết các trường hợp Việt kiều đầu tư tại Việt Nam.

Đáng nói ở đây là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã căn cứ vào khoản 5, điều 3 Luật Đầu tư - một điều khoản gần như không ăn nhập gì - để đưa ra hướng dẫn như sau:

a. Trường hợp nhà đầu tư không còn quốc tịch Việt Nam thì áp dụng như đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b. Trường hợp nhà đầu tư còn quốc tịch Việt Nam thì cho họ lựa chọn được đối xử như nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.

Tại công văn nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận đây chỉ là hướng dẫn tạm thời trong lúc chưa có quy định mới. Dù vậy, văn bản hướng dẫn này cũng vẫn chưa rõ ràng vì không đưa ra được những tiêu chí rõ ràng, cụ thể để xác định thế nào là Việt kiều “không còn quốc tịch Việt Nam” và thế nào là “còn quốc tịch Việt Nam”; cần phải có những giấy tờ gì chứng minh... Tình trạng mỗi nơi yêu cầu mỗi kiểu tiếp tục diễn ra, tiếp tục gây rắc rối cho các nhà đầu tư.

Không chỉ các Việt kiều mới về đầu tư gặp rắc rối mà các doanh nghiệp do Việt kiều thành lập theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước trước đây cũng bị vạ lây.

Luật sư Trần Thanh Tùng, Công ty Luật P&P, kể có doanh nghiệp tương tự tại Vĩnh Long muốn mở một công ty để thực hiện một dự án đầu tư cũng đành chịu vì bị sở kế hoạch và đầu tư liệt vào diện nhà đầu tư nước ngoài và do đó bắt buộc phải lập dự án, xin giấy chứng nhận đầu tư như đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Quốc Vinh, giảng viên Học viện Tư pháp, có một trường hợp tương tự ở Đồng Nai lại được chấp nhận đối xử như doanh nghiệp trong nước khi họ tiến hành thủ tục mua cổ phần của một doanh nghiệp Việt Nam.

So với nhà đầu tư trong nước thì rõ ràng việc xem doanh nghiệp do Việt kiều thành lập theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước trước đây như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bất lợi hơn rất nhiều.

“Nếu là nhà đầu tư trong nước thì họ chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh với thời gian 5-7 ngày. Thế nhưng, thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài từ việc xin chấp thuận chủ trương đến thuê đất, cấp giấy chứng nhận đầu tư... có khi phải mất nhiều tháng hoặc cả năm trời. Hoặc nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì hàng năm phải có báo cáo kiểm toán, ngược lại doanh nghiệp trong nước thì không yêu cầu”, luật sư Tùng phân tích.

Vì vậy, theo ông Tùng, để tránh nhập nhằng gây khó khăn, bất lợi cho nhà đầu tư, Nhà nước nên có văn bản quy định rõ địa vị pháp lý đối với số doanh nghiệp do Việt kiều thành lập trước đây theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

Cần phải làm rõ họ là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

Nguyên Tấn (TBKTSG)