Việt Nam có cần ngân hàng nhỏ?
Chính phủ đã có những dự liệu nào cho trường hợp các ngân hàng nhỏ sẽ không kịp đạt con số vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng đúng hạn?
Trong niềm hứng khởi của thời gian đầu gia nhập WTO, các cơ quan giám sát ngân hàng đã mong muốn rằng các ngân hàng phải nâng cao tầm vóc của mình, để có thể nâng cao vị thế trong cạnh tranh và hội nhập.
Thậm chí, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng vào WTO thì các ngân hàng nhỏ của Việt Nam sẽ chết hết (?!). Nhưng liệu các ngân hàng nhỏ sẽ không còn chỗ đứng ở Việt Nam?
Các lợi thế của ngân hàng nhỏ
Nhớ lại thời kỳ trước khi có Nghị định 141/2006, ở Việt Nam, bên cạnh các ngân hàng cổ phần đô thị, đã tồn tại và phát triển trong một thời gian dài các ngân hàng cổ phần nông thôn.
Một số ngân hàng loại này đã phục vụ khá tốt cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân, nông hộ và khách hàng khu vực nông thôn, chẳng hạn như Ngân hàng Kiên Long, Mỹ Xuyên... ở ĐBSCL. Các ngân hàng này chịu sự hạn chế về mặt địa lý, chỉ có thể hoạt động trong một tỉnh thành nhất định.
Trào lưu chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên đô thị, cộng với lộ trình tăng vốn theo quy định của Nghị định 141/2006 đã mặc nhiên “xóa sổ” mô hình ngân hàng nông thôn. Một số ngân hàng nông thôn như gặp được một cơ hội phát triển không phải dễ mà có được, một số khác hình như phải cố gắng lao theo cơn lốc thời cuộc.
Người ta tự hỏi, các cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng của Việt Nam có dự liệu đầy đủ hay không các tình huống và nhu cầu khác nhau của nền kinh tế, để trong một thời gian quá nhanh, đã đề ra và thực thi các chính sách có thể có những tác động lâu dài đến cấu trúc ngành của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trên thế giới, ngay tại các cường quốc kinh tế, bên cạnh các ngân hàng lớn vẫn tồn tại các ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn như ở Mỹ, hiện nay vẫn tồn tại hàng ngàn ngân hàng hạng nhỏ, trong đó, hơn phân nửa là các ngân hàng có tổng tài sản nhỏ hơn 100 triệu Đô la Mỹ. Có nhiều tên gọi khác nhau cho các ngân hàng này: ngân hàng khu vực (regional bank), ngân hàng cộng đồng (community bank), và phần lớn là các ngân hàng cộng đồng.
Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về ngân hàng cộng đồng, nhưng có hai đặc điểm chung mà nhiều người công nhận, đó là những ngân hàng có quy mô nhỏ và tập trung phần lớn các hoạt động vào khu vực cộng đồng nơi mà hội sở được thiết lập.
Một đặc điểm thứ ba cũng được ít nhiều xét đến là các cổ đông địa phương chiếm đa số. Riêng hai đặc điểm đầu tiên thường đi đôi với nhau: phạm vi phục vụ nhỏ nên không nhất thiết phải có quy mô lớn, và quy mô nhỏ sẽ phù hợp với một phạm vi hoạt động nhất định, miễn là biết giới hạn, không có tham vọng mở rộng quá sức của mình.
Không chỉ riêng ở Mỹ, nghiên cứu tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển cho thấy, các ngân hàng nhỏ luôn luôn có những vai trò bổ sung, thay thế cho những khoảng trống mà các ngân hàng lớn khó mà phục vụ tốt hơn.
Có thể nói quan hệ khách hàng của các ngân hàng lớn chủ yếu dựa vào giao dịch (transactional banking), trong khi đó, hoạt động các ngân hàng nhỏ phần nhiều dựa vào quan hệ (relationship banking) nhờ vào những lợi thế vượt trội trong quá trình quan hệ khách hàng. Cho vay nhỏ thường cần, và cũng từ đó, sinh ra quan hệ gần gũi, thâm giao, do đó các ngân hàng nhỏ có lợi thế trong việc tiết kiệm chi phí thẩm định khách hàng.
Quen thuộc với môi trường kinh doanh và con người trong khu vực, các ngân hàng nhỏ thường cũng nhận thức rằng, do phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tiết kiệm dân cư, nên họ càng cần phải quan tâm cung ứng dịch vụ tốt hơn.
Các nghiên cứu khác nhau cũng cho thấy, đối với cho vay nhỏ, ngân hàng nhỏ thường có mức chênh lệch lãi suất bình quân cao hơn các ngân hàng lớn. Do đó, nhìn chung, hoạt động cho vay của các ngân hàng nhỏ hiệu quả hơn.
Các ngân hàng lớn thực ra cũng nhận thức được thế mạnh trên. Họ có thể mua lại các ngân hàng nhỏ. Nhưng đối với trường hợp sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào các ngân hàng lớn, các nghiên cứu thực nghiệm cũng đã cho thấy, hiệu quả cho vay nhỏ của ngân hàng sau khi sáp nhập sẽ giảm sút. Đó là chưa kể đến chuyện các ngân hàng lớn vốn cũng đã không mặn mà đối với những khoản cho vay nhỏ.
Đó là các phân tích về quản trị. Còn về mặt vĩ mô, các ngân hàng nhỏ thường ít tác động đến rủi ro hệ thống hơn so với các ngân hàng lớn. Tình hình tài chính ngân hàng nước Mỹ trong thời gian gần đây đã là một minh chứng.
Giải thể phải chăng là giải pháp an toàn?
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có những dự liệu nào cho trường hợp các ngân hàng nhỏ sẽ không kịp đạt con số vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng vào ngày 31/12/2008? Đó là một quan tâm cần thiết và vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Một số ý kiến đề xuất giải thể những ngân hàng yếu nhất xem ra không phải là một bài thuốc an toàn, trong tình trạng một số ngân hàng nhỏ đã có những bước phát triển và mở rộng nhất định về mặt địa lý. Sáp nhập có thể là một cách tốt hơn, nhưng không dễ dàng nếu chỉ dựa vào các quyết định hành chính. Sáp nhập nhiều khi cũng không phù hợp với các mục tiêu vĩ mô.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế nông thôn, kinh tế nông hộ nói riêng, thậm chí cả khu vực kinh tế phi chính thức, vẫn luôn cần đến những hoạt động cho vay và dịch vụ của các ngân hàng nhỏ.
Các ngân hàng nhỏ là một tồn tại khách quan vì có những đóng góp không thể phủ nhận đối với nền kinh tế. Chúng tôi nghĩ rằng chính sách vẫn logic và đạt được sự đồng thuận nếu có những thay đổi hợp quy luật.
Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể thực thi những điều chỉnh việc tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng nhỏ trong một lộ trình thận trọng hơn, song song với việc thiết lập và thực thi các chính sách, mô hình quản lý và giám sát phù hợp.
TS. Trương Quang Thông / Đại học Kinh tế Tp.HCM (TBKTSG)
Thậm chí, đã xuất hiện những ý kiến cho rằng vào WTO thì các ngân hàng nhỏ của Việt Nam sẽ chết hết (?!). Nhưng liệu các ngân hàng nhỏ sẽ không còn chỗ đứng ở Việt Nam?
Các lợi thế của ngân hàng nhỏ
Nhớ lại thời kỳ trước khi có Nghị định 141/2006, ở Việt Nam, bên cạnh các ngân hàng cổ phần đô thị, đã tồn tại và phát triển trong một thời gian dài các ngân hàng cổ phần nông thôn.
Một số ngân hàng loại này đã phục vụ khá tốt cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân, nông hộ và khách hàng khu vực nông thôn, chẳng hạn như Ngân hàng Kiên Long, Mỹ Xuyên... ở ĐBSCL. Các ngân hàng này chịu sự hạn chế về mặt địa lý, chỉ có thể hoạt động trong một tỉnh thành nhất định.
Trào lưu chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên đô thị, cộng với lộ trình tăng vốn theo quy định của Nghị định 141/2006 đã mặc nhiên “xóa sổ” mô hình ngân hàng nông thôn. Một số ngân hàng nông thôn như gặp được một cơ hội phát triển không phải dễ mà có được, một số khác hình như phải cố gắng lao theo cơn lốc thời cuộc.
Người ta tự hỏi, các cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng của Việt Nam có dự liệu đầy đủ hay không các tình huống và nhu cầu khác nhau của nền kinh tế, để trong một thời gian quá nhanh, đã đề ra và thực thi các chính sách có thể có những tác động lâu dài đến cấu trúc ngành của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trên thế giới, ngay tại các cường quốc kinh tế, bên cạnh các ngân hàng lớn vẫn tồn tại các ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn như ở Mỹ, hiện nay vẫn tồn tại hàng ngàn ngân hàng hạng nhỏ, trong đó, hơn phân nửa là các ngân hàng có tổng tài sản nhỏ hơn 100 triệu Đô la Mỹ. Có nhiều tên gọi khác nhau cho các ngân hàng này: ngân hàng khu vực (regional bank), ngân hàng cộng đồng (community bank), và phần lớn là các ngân hàng cộng đồng.
Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về ngân hàng cộng đồng, nhưng có hai đặc điểm chung mà nhiều người công nhận, đó là những ngân hàng có quy mô nhỏ và tập trung phần lớn các hoạt động vào khu vực cộng đồng nơi mà hội sở được thiết lập.
Một đặc điểm thứ ba cũng được ít nhiều xét đến là các cổ đông địa phương chiếm đa số. Riêng hai đặc điểm đầu tiên thường đi đôi với nhau: phạm vi phục vụ nhỏ nên không nhất thiết phải có quy mô lớn, và quy mô nhỏ sẽ phù hợp với một phạm vi hoạt động nhất định, miễn là biết giới hạn, không có tham vọng mở rộng quá sức của mình.
Không chỉ riêng ở Mỹ, nghiên cứu tại nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển cho thấy, các ngân hàng nhỏ luôn luôn có những vai trò bổ sung, thay thế cho những khoảng trống mà các ngân hàng lớn khó mà phục vụ tốt hơn.
Có thể nói quan hệ khách hàng của các ngân hàng lớn chủ yếu dựa vào giao dịch (transactional banking), trong khi đó, hoạt động các ngân hàng nhỏ phần nhiều dựa vào quan hệ (relationship banking) nhờ vào những lợi thế vượt trội trong quá trình quan hệ khách hàng. Cho vay nhỏ thường cần, và cũng từ đó, sinh ra quan hệ gần gũi, thâm giao, do đó các ngân hàng nhỏ có lợi thế trong việc tiết kiệm chi phí thẩm định khách hàng.
Quen thuộc với môi trường kinh doanh và con người trong khu vực, các ngân hàng nhỏ thường cũng nhận thức rằng, do phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tiết kiệm dân cư, nên họ càng cần phải quan tâm cung ứng dịch vụ tốt hơn.
Các nghiên cứu khác nhau cũng cho thấy, đối với cho vay nhỏ, ngân hàng nhỏ thường có mức chênh lệch lãi suất bình quân cao hơn các ngân hàng lớn. Do đó, nhìn chung, hoạt động cho vay của các ngân hàng nhỏ hiệu quả hơn.
Các ngân hàng lớn thực ra cũng nhận thức được thế mạnh trên. Họ có thể mua lại các ngân hàng nhỏ. Nhưng đối với trường hợp sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào các ngân hàng lớn, các nghiên cứu thực nghiệm cũng đã cho thấy, hiệu quả cho vay nhỏ của ngân hàng sau khi sáp nhập sẽ giảm sút. Đó là chưa kể đến chuyện các ngân hàng lớn vốn cũng đã không mặn mà đối với những khoản cho vay nhỏ.
Đó là các phân tích về quản trị. Còn về mặt vĩ mô, các ngân hàng nhỏ thường ít tác động đến rủi ro hệ thống hơn so với các ngân hàng lớn. Tình hình tài chính ngân hàng nước Mỹ trong thời gian gần đây đã là một minh chứng.
Giải thể phải chăng là giải pháp an toàn?
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có những dự liệu nào cho trường hợp các ngân hàng nhỏ sẽ không kịp đạt con số vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng vào ngày 31/12/2008? Đó là một quan tâm cần thiết và vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Một số ý kiến đề xuất giải thể những ngân hàng yếu nhất xem ra không phải là một bài thuốc an toàn, trong tình trạng một số ngân hàng nhỏ đã có những bước phát triển và mở rộng nhất định về mặt địa lý. Sáp nhập có thể là một cách tốt hơn, nhưng không dễ dàng nếu chỉ dựa vào các quyết định hành chính. Sáp nhập nhiều khi cũng không phù hợp với các mục tiêu vĩ mô.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế nông thôn, kinh tế nông hộ nói riêng, thậm chí cả khu vực kinh tế phi chính thức, vẫn luôn cần đến những hoạt động cho vay và dịch vụ của các ngân hàng nhỏ.
Các ngân hàng nhỏ là một tồn tại khách quan vì có những đóng góp không thể phủ nhận đối với nền kinh tế. Chúng tôi nghĩ rằng chính sách vẫn logic và đạt được sự đồng thuận nếu có những thay đổi hợp quy luật.
Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể thực thi những điều chỉnh việc tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng nhỏ trong một lộ trình thận trọng hơn, song song với việc thiết lập và thực thi các chính sách, mô hình quản lý và giám sát phù hợp.
TS. Trương Quang Thông / Đại học Kinh tế Tp.HCM (TBKTSG)