09:06 02/11/2007

“Việt Nam có đủ khả năng sử dụng tốt vốn của WB”

Thùy Trang

Nội dung cuộc trao đổi với ông Ajay Chibber, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

"Nếu Việt Nam thực hiện tốt trong năm nay thì năm sau sẽ nhận được nhiều vốn của IBRD hơn."
"Nếu Việt Nam thực hiện tốt trong năm nay thì năm sau sẽ nhận được nhiều vốn của IBRD hơn."
Với những thành quả của mình, Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công nhận có đủ điều kiện tiếp nhận tài chính từ Ngân hàng Tái thiết phát triển (IBRD), nguồn tín dụng có lãi suất thấp cho các nước có thu nhập trung bình. Nguồn vốn này sẽ bổ sung cho hỗ trợ tài chính từ nguồn tài chính của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB dành cho các nước có thu nhập thấp.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ajay Chibber, Giám đốc WB tại Việt Nam.

Căn cứ trên cơ sở nào để WB xác định là Việt Nam có đủ tiêu chuẩn để nhận nguồn vốn IBRD, thưa ông?

Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu rất kỹ lưỡng với một nhóm chuyên gia thuộc bộ phận tin cậy tín dụng của WB. Nhóm này đã có đánh giá tất cả những ghi chép cũng như số liệu của Việt Nam từ trước tới nay về tốc độ phát triển, xoá đói giảm nghèo, các chỉ số liên quan tới sự tăng trưởng cũng như mức độ tin cậy tín dụng của Việt Nam, những thành tựu gần đây của Việt Nam và những yếu tố khác liên quan đến tăng cường củng cố các thể chế, cải cách ngành tài chính.

Nhóm nghiên cứu này cũng đã xem xét và đánh giá những điều kiện xã hội ở Việt Nam. Thậm chí họ còn xem xét mối quan hệ mà Việt Nam đã xây dựng và cải thiện với các quốc gia trong khu vực thời gian gần đây. Và họ đưa ra một kết luận rằng Việt Nam chắc chắn vẫn cần phải làm nhiều việc để có thể tăng cường và củng cố thể chế cũng như cải cách tài chính và cải thiện những vấn đề liên quan đến tham nhũng.

Mặc dù có những nhận xét như vậy, nhưng nhóm nghiên cứu cũng cho rằng Việt Nam đã thể hiện sự tăng trưởng kinh tế rất mạnh, phát triển thương mại và tăng trưởng toàn diện thể hiện qua quá trình xoá đói giảm nghèo rất tích cực. Do đó, chắc chắn Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trong thời gian tới.

Khi cân đối và so sánh tất cả những nhận xét này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra quyết định rằng trong thập kỷ tới Việt Nam sẽ đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ và lành mạnh. Do đó, WB hoàn toàn có thể giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển này cho tương lai và cũng để giúp Việt Nam duy trì sự tăng trưởng đã có, tiếp tục phát triển bền vững hơn nữa.

Tóm lại, với nhóm nghiên cứu này, chúng tôi đã đánh giá rất toàn diện về Việt Nam và xem xét nhiều tiêu chí khác nhau. Tất cả các tiêu chí đánh giá này đều đưa ra kết luận rằng Việt Nam cần có những hỗ trợ tài chính bổ sung từ phía WB để đảm bảo mục tiêu phát triển của mình. WB hoàn toàn sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ bổ sung đó.

Điều quan trọng là chúng tôi cũng phải duy trì các ý tưởng của WB, vì nguồn vốn của IBRD chủ yếu được sử dụng cho các mục tiêu xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng. Vì thế chúng tôi sẽ đưa ra một chương trình để Việt Nam có thể đạt được sự tăng trưởng toàn diện, đồng thời xoá đói giảm nghèo một cách hiệu quả hơn, cũng như có thể giải quyết được các khía cạnh cụ thể của vấn đề đói nghèo. Đó cũng chính là lí do tại sao chúng tôi nghĩ nên giữ tình thế hiện nay là Việt Nam có thể vay hỗn hợp của IBRD và IDA.

Theo ông, nguồn vốn mới này sẽ được sử dụng hiệu quả ở Việt Nam?

Lãi suất của IBRD không được ưu đãi như IDA. Tuy nhiên, với nguồn tài chính mới này, Việt Nam sẽ có đủ điều kiện và khả năng để sử dụng nguồn vốn ngoại tệ hiệu quả. Mặc dù tỉ lệ hoàn vốn kinh tế của nguồn tài chính IBRD có thể khó khăn để đạt được hơn so với IDA thế nhưng hiệu quả sẽ cao hơn.

Tôi nghĩ rằng nguồn tài chính này tốt cho Việt Nam để các bạn có thể sử dụng nhanh chóng cũng như hiệu quả. Chúng ta sẽ cùng làm việc với nhau để đưa ra những chi tiết cụ thể hơn về việc sử dụng nguồn vốn của IBRD cho những lĩnh vực nào, dự án nào. Chúng tôi sẽ cố gắng đạt mục tiêu sử dụng nguồn tài chính mới này hiệu quả, nhanh chóng, tất nhiên vẫn phải tuân thủ chính sách an toàn của WB mà đó là những chính sách chúng ta áp dụng cho tất cả các nguồn vay của WB.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có thể sử dụng nguồn tài chính mới này hiệu quả, đặc biệt dành cho nhu cầu về năng lượng, cơ sở hạ tầng. Chúng ta sẽ cùng làm việc và xem Việt Nam sử dụng nguồn tài chính IBRD hiệu quả đến mức nào. Với nguồn tài chính này, Việt Nam sẽ có nền kinh tế mạnh mẽ hơn để đạt được nhiều thành tựu hơn.

Hiện nay, lượng vốn WB đã cho Việt Nam vay là bao nhiêu? Với lượng vốn vay từ IBRD có giới hạn về số lượng hay không, thưa ông?

Cho tới nay chúng tôi đã cung cấp cho Việt Nam khoảng hơn 7 tỉ USD từ IDA. Năm nay chúng tôi cũng đã có chương trình khoảng 1 tỉ USD dành cho Việt Nam và sẽ kết thúc vào tháng 6/2008. Dự kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ của IDA dành cho Việt Nam.

Không chỉ với Việt Nam, mà với các nước khác trên thế giới luôn luôn có giới hạn nhất định về nguồn tài chính từ IBRD. Chúng tôi cũng có chương trình được thiết lập theo hàng năm để các quốc gia nhận vốn vay của WB có thể nhận được nguồn tài chính của mình. Và việc xét theo chương trình hàng năm đó sẽ dựa trên kết quả thực hiện của năm trước. Tức là nếu Việt Nam thực hiện tốt trong năm nay thì năm sau sẽ nhận được nhiều vốn của IBRD hơn.

Ông có thể cho biết lãi suất cụ thể của IBRD?

Nguồn vốn IBRD là nguồn vốn tín dụng có lãi suất thấp nhất cho các quốc gia đang phát triển trên thị trường thương mại quốc tế bởi vì lãi suất của IBRD cho vay bình quân thấp hơn 25 điểm so với lãi suất libor. Chính vì thế nguồn vốn IBRD của WB sẽ là nguồn vốn tín dụng rẻ nhất đối với các quốc gia đang phát triển mà họ có thể tiếp cận được trên thị trường vốn quốc tế. Hiện nay chúng tôi đang xem xét để mở rộng kỳ hạn cũng như điều khoản của nó. Những quốc gia đã nhận IBRD đều đã phát triển nền kinh tế của mình.

Đối với những dự án sử dụng nguồn vốn IBRD, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án có khác gì so với sử dụng nguồn vốn IDA không, thưa ông?

Thủ tục tương tự như các khoản vay của IDA. Đó là những dự án được thực hiện dựa theo nhu cầu của Việt Nam. Theo đó, các cơ quan ban ngành của Việt Nam sẽ có những ý tưởng hay nhu cầu về các dự án và sẽ tiếp cận nguồn vốn IBRD thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như chúng ta vẫn làm đối với các khoản vay của IDA.