10:47 15/06/2007

Việt Nam đang ở trên "màn hình ra-đa" của giới đầu tư Mỹ

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nói về chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

"Trên một phương diện nào đó, những tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là dấu hiệu phản ánh giá trị ngày càng tăng của mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ."
"Trên một phương diện nào đó, những tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là dấu hiệu phản ánh giá trị ngày càng tăng của mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ."
Nguyên là Bộ trưởng BThương mại dưới thời Tổng thống Clinton, ông William Daley khẳng định bất kỳ Tổng thống nào cũng muốn và sẽ nỗ lực để quan hệ với Việt Nam ngày càng sâu rộng, tốt đẹp hơn.

Hiện là một giám đốc của Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase, ông Daley tin đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng nhanh vì Việt Nam đang trên "màn hình ra-đa" của giới kinh doanh Mỹ, trong đó có tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới này.

Lần đầu tiên tới thăm Việt Nam, vị cựu quan chức của chính quyền Clinton, một nhân vật đang có tiếng nói khá quan trọng trong Đảng Dân chủ đã có cuộc trò chuyện với báo giới về quan hệ Việt - Mỹ nhân chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Chỉ vài ngày nữa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ có chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ. Theo ông, chuyến đi này liệu sẽ tạo ra những cơ hội nào cho mối quan hệ Việt - Mỹ?

Việc nguyên thủ quốc gia một nước sang thăm một nước khác luôn là một cơ hội quan trọng để phát triển mối quan hệ song phương. Vì thế, tôi cho rằng, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sắp tới là cơ hội tuyệt vời để các nhà lãnh đạo cũng như nhân dân Mỹ hiểu rõ hơn về Việt Nam.

Tôi biết là Chủ tịch Triết sẽ thăm New York, Thủ đô Washington và Los Angeles. Đây là ba thành phố quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, với tư cách là một người Chicago (thành phố đứng thứ 3 của Mỹ về mặt dân số, thuộc bang Illinois), tôi vẫn nuôi hy vọng rằng một nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ đến thăm Chicago, một vùng khác của nước Mỹ. Người Mỹ thường gọi vùng này là “Heartland of America” (trái tim của nước Mỹ).

Việc mà một nhà lãnh đạo thăm Chicago giống như một nhà lãnh đạo nước ngoài rời khỏi Hà Nội và Tp.HCM để thăm một vùng nông thôn. Nước Mỹ rất rộng lớn và người Mỹ cảm thấy thật tốt khi nghe và thấy một nguyên thủ quốc gia đến thăm thành phố này.

Chuyến đi của Chủ tịch Triết là cơ hội để nói về những đổi thay đang diễn ra ở Việt Nam , và đặc biệt là một cơ hội để Chủ tịch Triết chia sẻ tầm nhìn của ông về Việt Nam trong 5 năm, 10 năm tới, về những mục tiêu mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam muốn giành được trong thời gian tới.

Tôi cũng xin nói luôn rằng trong những cuộc gặp gỡ như thế này cả hai bên phải cố gắng có một nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về các vấn đề thương mại giữa hai nước. Càng trao đổi thương mại nhiều, các vấn đề càng dễ phát sinh. Sự nảy sinh các tranh chấp thương mại là điều tất yếu và rất bình thường. Không riêng gì với Việt Nam, Mỹ cũng thường xuyên gặp những tranh chấp với các đối tác kinh tế của mình, như Trung Quốc, Mexico, Canada và châu Âu.

Cách duy nhất để tránh các tranh chấp thương mại là hai nước không có trao đổi hàng hoá. Nhưng, tất nhiên không ai mong muốn điều đó, vì thương mại quốc tế mang lại quá nhiều lợi ích cho các nước.

Trên một phương diện nào đó, những tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là dấu hiệu phản ánh giá trị ngày càng tăng của mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong Tạp chí Foreign Affairs số gần đây, một số chuyên gia nghiên cứu của Mỹ phân tích rằng đã đến thời điểm Việt Nam và Mỹ xây dựng một mối quan hệ đối tác tốt đẹp hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng Tổng thống Bush và chính quyền của ông đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của mối quan hệ Việt - Mỹ. Ngay trong lĩnh vực quốc phòng, gần đây hai bên cũng đã có những bước hợp tác mới.

Chính phủ Mỹ, bất kể là dưới thời tổng thống nào sẽ quan tâm đến quan hệ với Việt Nam và sẽ nỗ lực để mối quan hệ này ngày càng sâu rộng và tốt đẹp. Tôi rất tự tin và lạc quan về điều này.

Nói về sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ, tôi cho rằng hai bên nên nỗ lực để mở rộng hơn nữa phạm vi của mối quan hệ, ngoài lĩnh vực kinh tế - thương mại. Chúng ta không nên quên những lĩnh vực khác cũng đầy tiềm năng, ví dụ như hợp tác trong giáo dục. Chúng ta nên tăng cường hỗ trợ các vấn đề giáo dục, và tạo điều kiện cho nhiều trường đại học Mỹ có những chương trình hoạt động lớn tại Việt Nam . Điều này sẽ tạo nên những mối liên hệ chằng chịt và chắc chắn, và sẽ rất khó để có thể làm đứt. Giáo dục sẽ là một vấn đề tối quan trọng cho tương lai của Việt Nam.

Một lĩnh vực khác là vai trò của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tôi đã gặp rất nhiều người Mỹ gốc Việt ở các vùng khác nhau, với hoàn cảnh khác nhau, ở các thế hệ khác nhau, những người trẻ nhìn thấy một Việt Nam mới, với những mối quan hệ mới. Tóm lại, hợp tác trong giáo dục, văn hóa, du lịch sẽ là cách tốt để tạo nên những mối liên hệ bền vững.

Chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Mỹ lần này được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp khuyến khích các công ty của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về điều này?

Tôi không tin là như vậy. Lời tuyên bố mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ khi chúng ta bình thường hóa quan hệ ngoại giao, việc Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO mới là những biểu hiện mạnh mẽ nhất.

Những cơ hội to lớn ở Việt Nam đang thúc đẩy người Mỹ nhận ra tính năng động cũng như tiềm năng to lớn của nền kinh tế Việt Nam . Trên đường ra sân bay từ Hà Nội, bạn có thể cảm nhận rõ và bị ấn tượng bởi sự năng động của nền kinh tế Việt Nam .

Cộng đồng các doanh nghiệp toàn cầu đều rất năng động. Tôi không nghĩ là chúng tôi (các nhà đầu tư Mỹ) phải ngồi đợi Chính phủ Mỹ nói cho biết điều đó.

Nhiều người dự đoán Mỹ sẽ là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam . Tuy nhiên, hiện nay, Mỹ mới chỉ đứng hạng 6 trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam . Theo ông, làm thế nào để Mỹ đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam?

Tôi không biết những con số cụ thể, nhưng tôi nhận xét rằng trước đây các công ty Mỹ tập trung đầu tư vào Trung Quốc. Nhiều khi, trong một thời gian dài, những dự án này chưa sinh lời, nhưng gần đây hình như các khoản đầu tư này bắt đầu sinh lời.

Các nhà đầu tư Mỹ cũng đang tìm kiếm cơ hội mới, nhất là ở châu Á, và trong đó đặc biệt có Việt Nam . Tôi nghĩ, Việt Nam có thể là một nơi nhận đầu tư trực tiếp của Mỹ vì Việt Nam đang xuất hiện trên các “màn hình ra-đa” của giới đầu tư Mỹ.

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sau 5 năm nữa, con số đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam tăng nhanh. Có thể chưa phải là nhà đầu tư hàng đầu nhưng chắc chắn sẽ có xu hướng tăng.

Theo ông, làm thế nào để Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài?

Tôi không nghĩ là bất kỳ quốc gia nào nên cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Tất cả các quốc gia đều hiểu được tình thế hiện nay, và nghĩ rằng họ phải cạnh tranh với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Chính phủ các nước phải xác định rõ tình hình của mình, những lợi thế cạnh tranh của mình, và tìm ra hướng đi. Khi bạn bị đặt trong tình thế hiểm nghèo, bạn sẽ biết cách tự điều chỉnh.

Đọc trong báo Vietnam News, tôi được biết rằng Chính phủ Việt Nam đang trong tiến trình tái tổ chức, cơ cấu lại bộ máy nhà nước để trở nên hiệu quả hơn. Hầu hết các chính phủ trên thế giới đều cần phải tái cơ cấu, nhưng cải cách như thế không phải dễ, cần phải rất quyết tâm, và nhiều khi lòng quyết tâm đó không có. Ví dụ, trong 60 năm trở lại đây, Chính phủ Mỹ không cải cách như thế.

Tôi rất hoan nghênh những nỗ lực này của Việt Nam . Đó là bước đi lớn mà mỗi chính phủ phải làm, để thích ứng, và để gửi thông điệp tới khu vực tư nhân rằng chính phủ đang thực sự nghiêm túc trong việc tạo sự khác biệt về mặt pháp lý và giúp cho bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn và tập trung giải quyết những vấn đề lớn.

Là một cựu quan chức Chính phủ, và bây giờ là một doanh nhân, cách nhìn nhận của ông về Việt Nam có gì thay đổi, thưa ông?

Thực ra ở hai vị trí, là một quan chức của Nhà Trắng và một doanh nhân, tôi thấy có nhiều điểm tương đồng. Điều tôi nhấn mạnh là, toàn cầu hóa đã thay đổi cách nhìn nhận của người Mỹ và làm cho họ chú ý đến Việt Nam nhiều hơn. Việc người Mỹ nhận ra tiềm năng to lớn của Việt Nam , khả năng gặt hái được nhiều hơn trong quan hệ với Việt Nam, đã được thể hiện qua việc Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của việc này đối với các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ cảm thấy may mắn trước những cơ hội mới. Nhưng như bạn đã biết, có rất nhiều những khó khăn đi liền theo những thay đổi bình thường ở các nước. Một số doanh nhân khác chưa đánh giá đúng mức, chưa hiểu rõ giá trị của biến đổi này.

Chúng tôi, Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tại các quốc gia Đông Á thấy rất phấn khởi về những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Chỉ cách đây hai tháng, vị Chủ tịch của Tập đoàn đã sang Việt Nam để tìm hiểu về những cơ hội này.

Chúng tôi đang khởi động tiến trình thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng. Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội lớn. Chúng tôi đang nghiên cứu và xem xét khả năng đưa các nguồn lực, tài chính của chúng tôi vào Việt Nam. Nhưng chúng tôi muốn làm tìm hiểu thật kỹ càng, để xây dựng một chiến lược làm ăn đúng đắn và lâu dài tại Việt Nam .

Khi các ngân hàng, tổ chức tài chính tín dụng Mỹ đến đầu tư ở Việt Nam, theo ông, họ sẽ mang theo những gì tới Việt Nam?

Có mấy điều mà các ngân hàng, tổ chức tín dụng Mỹ sẽ mang đến thị trường này. Một mặt, họ sẽ mang theo một hệ thống quản lý chuyên nghiệp và lành mạnh. Đội ngũ nhân viên của họ tập hợp tài năng, trí óc từ khắp nơi trên thế giới với nhiều kinh nghiệm quý giá. Các ngân hàng Mỹ sẽ cung cấp công nghệ hiện đại nhất và các dịch vụ thông tin, nguồn vốn trí óc, các sản phẩm.

Các tập đoàn tài chính của Mỹ hoạt động nhiều tại Ấn Độ, Trung Quốc, và bây giờ chúng tôi lựa chọn Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng nhất chính là nguồn vốn kiến thức và khả năng kết hợp vốn kiến thức với vốn tài chính.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, JP Morgan Chase vẫn chưa thâm nhập thị trường Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là chúng tôi chưa tới Việt Nam. Chúng tôi đang ở giai đoạn chuẩn bị và chúng tôi rất nỗ lực. Chúng tôi muốn làm những việc đúng đắn. Chúng tôi không muốn cam kết, vào để rồi gặp những sai lầm. Chúng tôi không muốn vào để mới nhận ra rõ ràng về hệ thống.

Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đã thực sự thay đổi hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Chúng tôi mong những cam kết này sẽ được thực hiện tốt. Chúng tôi không muốn vấp những sai lầm và phải chung sống với sai lầm đó và thậm chí phải chung sống với một đống đổ nát. Chúng tôi sẽ phải mất cả một quá trình với điều này. Nhưng chúng tôi, trong đó có vị Chủ tịch của chúng tôi rất ấn tượng và lạc quan về Việt Nam .

Tôi không thể khẳng định chính xác thời điểm nào thì JP Morgan sẽ vào Việt Nam. Nhưng trên thực tế, các nhà lãnh đạo của chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc về cơ hội tham gia vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh những thay đổi thông thường đang diễn ra ở Việt Nam .

Chúng tôi cũng hiểu rất rõ rằng, mọi thứ đang chuyển biến rất nhanh ở Việt Nam. Và chúng tôi muốn trở thành một phần của những biến đổi nhanh chóng, của sự năng động đó.

Điều mà ông mong muốn ở thị trường và Chính phủ Việt Nam là gì để lựa chọn và đi đến quyết định thâm nhập vào thị trường Việt Nam?

Thực ra, đối với chúng tôi, quan trọng nhất không phải là Chính phủ Việt Nam sẽ làm những điều gì mà quan trọng nhất là chúng tôi có thể làm gì tại Việt Nam, có thể đóng góp gì. Và tất nhiên, chúng tôi cũng phải tính đến những gì mà chúng tôi có thể làm được ở những nơi khác trên thế giới.

Với những gì đang diễn ra, tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng đường. Chúng tôi muốn trở thành một đối tác làm ăn lâu dài tại Việt Nam (a long-term player).

* Với tư cách cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Clinton năm 1993, Daley đã tổ chức chiến dịch vận động thông qua Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Năm 2000, ông rất nỗ lực để giành được PNTR cho Trung Quốc. Cũng trong năm 2000, ông giữ cương vị Chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của Phó Tổng thống Al Gore. Hiện nay, Daley là Giám đốc trung tâm Trung Tây của Tập đoàn JP Morgan Chase, một công ty dịch vụ tài chính toàn cầu dẫn đầu thế giới. Ông giữ nhiều vị trí quan trọng của các tập đoàn.