Việt Nam, điểm đến outsourcing mới
Nếu không tính các thành phố ở Ấn Độ, Tp.HCM là thành phố có sức cạnh tranh lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ outsourcing
Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ cao và thu hút các công ty dịch vụ outsourcing tới đây đầu tư, thay vì các quốc gia khác có điều kiện tốt hơn.
Sáu năm trước, khi Tập đoàn Harvey Nash PLC của Anh bắt đầu tìm kiếm một đầu mối ở nước ngoài để phát triển lĩnh vực kinh doanh mới của mình là phần mềm, Việt Nam không phải là một lựa chọn được đánh giá cao. Trong khi các quốc gia như Ấn Độ, Philippines và Nam Phi đã tham gia mạnh mẽ vào hoạt động outsourcing, Việt Nam vẫn đang cố gắng sản xuất giày dép, xe đạp và hàng may mặc với mức giá rẻ hơn bất kỳ một quốc gia nào khác.
Tuy nhiên, khi đoàn khảo sát thị trường của Harvey Nash trở về từ Hà Nội để đánh giá các lựa chọn, Việt Nam được coi là thị trường hàng đầu với các ưu thế như giá nhân công rẻ, trình độ tiếng Anh và kỹ thuật tốt của người lao động ở đây. Việc Harvey Nash liên kết với Công ty Phần mềm cũng là một lợi thế trong bối cảnh chi phí outsourcing và tình trạng thay đổi công việc đang gia tăng ở Ấn Độ.
Hiện nay, tại Việt Nam, Harvey Nash đã có tới 1.500 nhân viên và công ty hiện đang sản xuất phần mềm tính cước điện thoại cho các công ty viễn thông như Belgacom SA của Bỉ, các ứng dụng quản lý nguồn nhân lực cho hãng Honda tại Anh và kiểm tra các hệ thống phần mềm cho kênh truyền hình Discovery của hãng Discovery Communications và MSNBC của hãng NBC Universal.
Từ khi chính sách mở cửa bắt đầu được áp dụng vào thập niên 1980, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và các ngành chế tạo sử dụng nhân công với mức lương thấp. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn cho rằng Việt Nam có thể làm được nhiều hơn thế.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái, Chủ tịch Microsoft Bill Gates phát biểu, không có lý do gì để Việt Nam không thể phát triển công nghiệp phần mềm và các dạng dịch vụ outsourcing khác như Ấn Độ. Cũng trong năm ngoái, Tập đoàn Intel đã quyết định xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn với vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Tp.HCM, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam. Quyết định trên của Intel là một dấu hiệu cho cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế thấy rằng các công ty công nghệ cao sẵn sàng đổ những khoản tiền khổng lồ vào Việt Nam.
Đất đai cho sản xuất công nghiệp ở Việt Nam rẻ hơn so với ở Trung Quốc, lương nhân công ở đây cũng chỉ bằng chưa đầy 1/3 so với ở các khu công nghiệp ven biển của Trung Quốc. Gần một nửa dân số 90 triệu người của Việt Nam ở độ tuổi dưới 30 và nguồn nhân lực được đào tạo tốt của Việt Nam rất dồi dào. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cải cách hành chính trong nỗ lực chống lại nạn tham nhũng. Ngoài ra, Việt Nam cũng dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn như Intel.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Cao Viết Sinh, kể từ khi Intel đưa ra cam kết đầu tư tại Việt Nam, các tập đoàn công nghệ nước ngoài càng trở nên quan tâm hơn đến Việt Nam và muốn tiếp bước Intel đầu tư vào đây. Ông nói: “Các nhà đầu tư công nghệ cao đang tới Việt Nam và nhận thấy cơ hội đầu tư ở đây. Chúng tôi có lực lượng lao động trẻ, quen với công nghệ và nền giáo dục của Việt Nam luôn được cải thiện.”
Dựa trên trình độ nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, công ty tư vấn NeoIT tại California (Mỹ) đã xếp Tp.HCM ở vị trí hàng đầu trong bảng danh sách các thành phố cạnh tranh nhất trong lĩnh vực dịch vụ outsourcing (không tính các thành phố của Ấn Độ). Trong top 10 của danh sách này, ngoài các công ty của Ấn Độ, chỉ có Tp.HCM, Manila và Thượng Hải.
Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đánh giá cao Việt Nam, nhiều công ty công nghệ cao trong nước cũng đang phát triển mạnh mẽ như Glass Egg Digital Media ở Tp.HCM. Công ty này thiết kế một số phần của các videogames cho các tập đoàn như Microsoft, Sony và Electronic Arts. Nhiều công ty Việt Nam khác như TMA Solutions cũng sản xuất phần mềm cho nhiều khách hàng, bao gồm cả Nortel Networks và Alcatel-Lucent.
Louis Nguyễn, một Việt kiều Mỹ từng làm Giám đốc điều hành quỹ của VinaCapital và hiện đang quản lý một quỹ đầu tư chuyên về công nghệ tại Việt Nam, nói: “Đây là một lĩnh vực đầy triển vọng ở Việt Nam.”
Ngành dịch vụ outsourcing toàn cầu không chỉ phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực mà còn phụ thuộc vào chất lượng của cơ sở hạ tầng viễn thông, nhưng theo các chuyên gia, đây vẫn còn là một hạn chế của Việt Nam. Mặt khác, nhân viên Việt Nam cũng chưa thể nói tiếng Anh trôi chảy như nhân viên Ấn Độ hay Philippines. Tuy nhiên, việc cải thiện cơ sở hạ tầng viễn thông có thể được thực hiện nhanh chóng hơn nhiều so với việc cải thiện nguồn nhân lực và các công ty, như Harvey Nash, đang tuyển dụng nhiều người tài nhất ở mức có thể.
Theo Graham Davies, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực sản xuất phần mềm của Harvey Nash, phần mềm và dịch vụ outsourcing chiếm tới 20% trong tổng doanh thu 499,5 triệu USD của tập đoàn này trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 năm nay, mặc dù mới chỉ cách đây 6 năm, tập đoàn mới bắt đầu ở vạch xuất phát trong lĩnh vực này. Ông Davies kỳ vọng, trong vòng 2, 3 năm tới, công ty sẽ có thêm nhiều đơn đặt hàng từ phía các khách hàng Mỹ.
Đặc điểm hoạt động của Harvey Nash rất phù hợp với số lượng sinh viên Việt Nam ra trường tìm việc làm đang tăng cao. Theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào việc phát triển giáo dục nhằm tăng cường “cơ sở hạ tầng mềm” của đất nước.
Như nhiều nhà đầu tư khác, ông Davies cho rằng, chính sách này của Việt Nam đang phát huy hiệu quả. Ông nói: “Các trường đại học của Việt Nam tập trung nhiều vào các ngành khoa học tự nhiên và toán học.” Ông cũng cho biết, nhiều công ty mới vào Việt Nam đã bắt đầu cạnh tranh với công ty của ông trong việc thu hút các công ty mới ra trường vào làm việc.