22:08 29/01/2010

Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu việc làm bền vững?

Vũ Quỳnh

Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương vẫn ở mức cao dễ dẫn đến nguy cơ thiếu việc làm bền vững

Theo ILO, điều quan trọng là chuyển dịch người có việc làm sang nhóm lao động làm công ăn lương có chất lượng nhằm giảm thiểu sự tổn thương và số lượng lao động nghèo - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo ILO, điều quan trọng là chuyển dịch người có việc làm sang nhóm lao động làm công ăn lương có chất lượng nhằm giảm thiểu sự tổn thương và số lượng lao động nghèo - Ảnh: Việt Tuấn.
Cơ cấu thị trường lao động Việt Nam đang thay đổi, nhiều vị thế công việc đã được cải thiện, tuy nhiên phần lớn công việc vẫn có chất lượng thấp, vẫn tồn tại nguy cơ thiếu việc làm bền vững.

Đó là những nội dung quan trọng được công bố trong ấn phẩm đầu tiên về "Xu hướng việc làm Việt Nam" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp thực hiện.

Lao động nông nghiệp là chủ yếu

Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng, nhìn vào nhóm dân số có việc làm, có thể nhận thấy một số xu hướng quan trọng, Việt Nam mặc dù đã có một số thành phố lớn, vẫn là một nước nặng về nông nghiệp, nông thôn, do đó, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng nhất và lao động ở ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng việc làm lớn nhất.

Theo số liệu điều tra của ILO, năm 2007 có 23,8 triệu người có việc làm trong ngành này, chiếm khoảng 52% tổng số người có việc làm. So với những năm trước,  lao động nông nghiệp đã có xu hướng giảm, tuy nhiên tính chất nông thôn và sự phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp phản ánh thị trường lao động Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ thiếu việc làm bền vững.  

Lý giải thực trạng trên, một chuyên gia của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, ở nông thôn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm luôn ở mức cao, vì việc nhà nông thường theo thời vụ. Cụ thể, theo điều tra của Bộ này, năm 2008, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nông thôn là 6,1%, trong khi mức này ở thành thị chỉ chiếm 2,3%.

Báo cáo "Xu hướng việc làm" của ILO cũng cho thấy, các ngành nghề tiếp theo chiếm tỷ lệ lao động lớn bao gồm, ngành công nghiệp chế biến với khoảng 12%. Ngành này đóng vai trò lớn đối với thị trường lao động khi cung cấp việc làm cho 5,6 triệu người (năm 2007), tăng hơn 2 triệu so với cuối những năm 90.

Đứng thứ ba là ngành thương nghiệp (bao gồm cả sửa chữa xe có động cơ) thu hút 4,8 triệu lao động, chiếm gần 11% . Với 2,6 triệu lao động,  ngành xây dựng cũng là một trong những ngành có nhiều lao động, chiếm khoảng 6%.

Ngoài ra, báo cáo của ILO còn phản ánh một thực trạng dẫn đến việc thiếu việc làm hiệu quả do nhóm lao động giản đơn hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Năm 2007, nhóm lao động giản đơn là 28,1 triệu người, chiếm 62% tổng số người có việc làm. Trong đó, nam giới chiếm 58% tổng số nam giới có việc làm, và nữ giới lao động giản đơn chiếm tới 66% tổng số nữ giới có việc làm.

Lao động "không được trả lương" chiếm số lượng lớn

Các số liệu thu thập được trong báo cáo về xu hướng việc làm của ILO chia vị thế công việc làm bốn loại: lao động làm công ăn lương, tự làm có thuê lao động (chủ sơ sở sản xuất kinh doanh), lao động tự làm và lao động gia đình không được trả lương (nhóm tự làm có thuê lao động là những lao động tự làm có thuê thêm những lao động làm công ăn lương làm việc cho mình).

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Giám đốc Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin Thị trường lao động cũng cho biết, những năm gần đây, vị thế công việc được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên,  nhóm vị thế công việc lớn nhất trong những năm qua là lao động gia đình "không được trả lương". Năm 2007, nhóm này chiếm 42% tổng số người có việc làm. Nhóm lớn thứ hai là những lao động tự làm, chiếm 34%. 23% còn lại là những người làm công ăn lương.

Nhóm lao động “không được trả lương” được xác định gồm những người làm việc cho nông trại hoặc công việc sản xuất kinh doanh của gia đình nhưng không nhận tiền công. Những người này thường là vợ, chồng hoặc con cái của người chủ/người điều hành công việc kinh doanh, nhưng cũng có thể là thành viên của một gia đình lớn như ông, bà, cháu, cô, dì, chú, bác.
 
Theo kết quả khảo sát,  đang có sự khác biệt giữa hai giới ở nhóm lao động gia đình không được trả lương; hơn một nửa (trên 53%) tổng số phụ nữ có việc làm là những người làm việc cho gia đình không được trả lương, so với tỷ lệ 32% ở nam giới.

Kết quả này là một con số thống kê đáng chú ý, bởi vì nó thể hiện một cách rõ ràng rằng hơn nửa số phụ nữ có việc làm ở nước ta không nhận tiền lương cho công việc mà họ làm. Thông tin này cũng không cho biết được là sức lao động của những người phụ nữ này đã tạo ra bao nhiêu thu nhập cho gia đình.

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng, người có việc làm là lao động gia đình không được trả lương/trả công ít có khả năng được bố trí công việc chính thức. Đây là đối tượng lao động dễ bị tổn thương, vì thế, khi tỷ trọng lao động này lớn, có thể thiếu các yếu tố liên quan tới việc làm bền vững.

Năm 2007, số việc làm dễ bị tổn thương chiếm 77% tổng số việc làm của cả nước. Đặc biệt ở Việt Nam, nữ giới phải chịu nhiều khả năng bị tổn thương hơn nam giới. Cụ thể, 78% nữ giới có việc làm thuộc về nhóm lao động tự làm và lao động gia đình, so với tỷ lệ cũng rất cao của nam giới là 75% (năm 2007).

Theo ILO, tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương cao là dấu hiệu của tình trạng đói nghèo phổ biến. Vì thế, tổ chức này cho rằng, trong những năm tới, điều quan trọng là chuyển dịch người có việc làm sang nhóm lao động làm công ăn lương có chất lượng nhằm giảm thiểu sự tổn thương và số lượng lao động nghèo.