06:53 28/02/2007

“Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư Nhật”

Tùy Phong

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori đã nhận định như vậy trước báo giới vào chiều 27/2 tại Hà Nội

Ông Norio Hattori thông báo là Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt - Nhật (JVEPA) sẽ tiếp tục đàm phán phiên thứ hai vào tháng 3 tới - Ảnh: VNN.
Ông Norio Hattori thông báo là Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt - Nhật (JVEPA) sẽ tiếp tục đàm phán phiên thứ hai vào tháng 3 tới - Ảnh: VNN.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori đã nhận định như vậy trước báo giới vào chiều 27/2 tại Hà Nội.

Với cương vị Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam trong 4 năm qua, ông Norio Hattori cho hay: “Hai năm về trước, Việt Nam chỉ là một trong các địa chỉ đầu tư của khu vực, nhưng nay Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản”.

Những lý do mà ông Norio Hattori đưa ra là nền kinh tế Việt Nam đang phát triển vững chắc, tình hình chính trị ổn định và Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi đối với hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Năm 2006, tuy số vốn FDI cam kết của Nhật Bản chỉ đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, song số vốn thực hiện so với số vốn cam kết của nhà đầu tư Nhật Bản lại ở vị trí đầu tiên, và số vốn cũng đã tăng 30% so với 2005.

Và Đại sứ Nhật Bản tin tưởng: “Năm nay vốn FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng hơn nữa, điều này được đảm bảo bởi hiện có một số dự án có quy mô vốn lớn của Nhật Bản đang vào Việt Nam”.

Đơn cử, theo những thông tin mới nhất thì UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch xây dựng một khách sạn 5 sao có quy mô lớn tại Thủ đô, và phía Nhật Bản mong muốn đầu tư xây dựng khách sạn này.

“Hiện nay, một doanh nghiệp Nhật đã quan tâm tới dự án, và phía Đại sứ quán rất ủng hộ dự này vì chúng tôi hy vọng sẽ có một khách sạn lớn của Nhật Bản tại Hà Nội, điều này cũng có nghĩa là đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng lên”.

Ông Norio Hattori cũng thông tin thêm: nhiều doanh nghiệp bất động sản của Nhật Bản rất quan tâm tới các dự án xây dựng khách sạn lớn và căn hộ đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nội, tuy vậy việc triển khai những dự này như thế này còn gặp khó.

Trong cuộc gặp gỡ với báo giới, ông Norio Hattori cũng thông báo là Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt - Nhật (JVEPA) sẽ tiếp tục đàm phán phiên thứ hai vào tháng 3 tới (sau phiên đàm phán đầu tiên diễn ra vào tháng 1/2007) và có thể kết thúc vào năm nay. Đại sứ Nhật cho biết hiện hai bên vẫn chưa thống nhất lĩnh vực sẽ thảo luận. Phía Việt Nam quan tâm đến tỉ lệ thuế của Nhật Bản đối với hàng nông lâm sản và việc tạo thuận lợi cho người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Còn phía Nhật Bản quan tâm đến tỉ lệ thuế đối với sản phẩm công nghiệp.

Về dán Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại sứ Nhật cho biết năm tài chính 2007 của Nhật Bản bắt đầu từ tháng 4/2007, khi đó phía Nhật sẽ xem xét lại kế hoạch và báo cáo khả thi (FS). Tiếp đó, việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được triển khai vào năm 2008.

"Hiện nay các doanh nghiệp nhỏ trong ngành IT của Nhật đã đầu tư vào khu công nghệ này. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp quy mô lớn nên công việc quan trọng lúc này là xây dựng cơ sở hạ tầng", ông nói.


Về dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam của Việt Nam, phía Nhật Bản tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam về vấn đề kỹ thuật và một phần vốn của dự án.

“Chúng tôi muốn thông báo rằng một ủy ban về xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam giữa Việt Nam và Nhật Bản mới được thành lập. Các thành viên của Ủy ban gồm, về phía Việt Nam có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; phía Nhật Bản có Đại sứ quán Nhật Bản, Tổ chức JICA, JETRO, JIBIC”, vẫn theo lời ông Norio Hattori.

Ông cũng đưa ra lời khuyên với Việt Nam rằng việc xây dựng một đường sắt cao tốc, dự kiến với vận tốc 300km/h, là rất khó khăn khi cần thời gian dài, và một tiềm lực rất lớn, nhất là về vốn. "Nguồn vốn để thực hiện dự án này rất lớn, khoảng trên 100 tỷ USD. Do đó, nếu chỉ sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản sẽ không đủ mà cần có sự hợp tác của các nhà tài trợ khác nữa. Tuy nhiên, Nhật Bản mong muốn sẽ đóng vai trò trụ cột trong dự án này", ông nói.