08:36 14/12/2007

Việt Nam, nhân tố mới trong cuộc đua

Kiều Oanh

Báo chí Hàn Quốc so sánh những điểm tương đồng và khác biệt trong phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Việt Nam đang phát triển bùng nổ, “giống như Hàn Quốc vào thập niên 1970”.
Việt Nam đang phát triển bùng nổ, “giống như Hàn Quốc vào thập niên 1970”.
Mới đây, trên tờ The Koreal Herald của Hàn Quốc có đăng bài viết của tác giả Tariq Hussain cho rằng, Việt Nam đang có nhiều ưu điểm so với Hàn Quốc trong quá trình phát triển kinh tế. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

Thành công trên con đường công nghiệp hóa đất nước của Hàn Quốc là điều khiến nhiều quốc gia đang phát triển khác phải ganh tị. Có thể nói, chỉ có một số ít các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan và Malaysia, đang tiến sát Hàn Quốc.

Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng là một quốc gia nữa đang nổi lên trong cuộc đua này.

Những điểm tương đồng

Có vài lý do khiến Việt Nam có thể cạnh tranh với Hàn Quốc. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng rất năng động. Người Hàn Quốc tới du lịch ở Việt Nam thường có nhận xét rằng, Việt Nam đang phát triển bùng nổ, “giống như Hàn Quốc vào thập niên 1970”. GDP của Việt Nam tăng trưởng bình quân xấp xỉ 8% trong thời kỳ từ 2002 đến 2006. Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang hấp thụ lượng lao động mỗi lúc một lớn, tạo ra 1 triệu việc làm mới mỗi năm trong giai đoạn 2001 - 2005.

Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc xâm nhập các thị trường nước ngoài. Mỹ đã nổi lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ở vị trí thứ 2 và 3 là Nhật Bản và Australia.

Thứ hai, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm chung về thể chế và văn hóa. Cũng giống như Hàn Quốc ở những năm đầu của thời kỳ phát triển, đứng đầu Chính phủ Việt Nam hiện nay là những nhà kỹ trị hiểu rõ những ưu tiên của đất nước. Mặt khác, cũng giống như Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Park Chung-hee, Việt Nam là một quốc gia có thể chế chính trị nhất nguyên. Điều này đảm bảo sự ổn định và đặt trọng tâm liên tục vào phát triển kinh tế.

Về mặt văn hóa, tư tưởng Nho giáo mà người Hàn Quốc và người Việt Nam cùng coi trọng tạo ra mảnh đất tốt cho sự nỗ lực. Việt Nam hiện có 95% dân số biết chữ, một tỷ lệ cao, thậm chí cả so với tiêu chuẩn của các nước Đông Á. Tính nỗ lực vươn lên của cả hai dân tộc cũng là một sản phẩm của lịch sử liên tục phải chống giặc ngoại xâm từ châu Á và châu Âu.

Nhân tố thứ ba thúc đẩy Việt Nam trong cuộc “chạy đua” với Hàn Quốc chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Năm 2006, Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn FDI lớn nhất ở Việt Nam. Hiện người Hàn Quốc chiếm 1/3 số người chơi golf ở Việt Nam. Các công ty bất động sản ở Hàn Quốc đang xây dựng hàng loạt các resort ở đây để phục vụ chính người Hàn Quốc tới Việt Nam làm ăn.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức. Trong số đó có sự phát triển mất cân đối giữa các vùng miền. Giảm tệ quan liêu, tham nhũng là một thách thức khác. Mặc dù Việt Nam là một đất nước có nhiều nhân tài, những thủ tục hành chính nhiêu khê vẫn là một cản trở lớn đối với hoạt động đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở đây.

Một thách thức nữa là việc phát triển nguồn nhân lực từ giáo dục cơ bản lên giáo dục trình độ cao. Đây chính là điểm mấu chốt mà những quốc gia khác, trong đó có Thái Lan, còn đang “kẹt” trong quá trình đuổi kịp Hàn Quốc. Tuy nhiên, triển vọng trong dài hạn của Việt Nam là rất sáng sủa. Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế là 7%/năm, Việt Nam sẽ mất 17 năm nữa để đạt mức thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD/năm. Hàn Quốc đã đạt mức thu nhập này từ năm 1994.

Những ưu thế

Đó là những cái “nếu” lớn nhưng không phải là không khắc phục được. Mặt khác, Việt Nam thậm chí còn có cả những ưu thế hơn so với Hàn Quốc trong dài hạn.

Với chính sách Đổi mới được thi hành từ năm 1986, Việt Nam đã mở cửa đón các công ty nước ngoài. Đây là một sự khác biệt lớn so với mô hình phát triển của Hàn Quốc. Ngày nay, khu vực FDI chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ vốn FDI so với GDP của Việt Nam hiện ngang bằng với các nước phát triển - một khác biệt lớn nữa của Việt Nam so với Hàn Quốc.

Với việc gia nhập WTO và thực thi AFTA,Việt Nam có thể trở thành tâm điểm của các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở khu vực. Trên thực tế, một số công ty Hàn Quốc đang đi đầu trong xu thế này, trong đó, Kumho Tire, Doosan Heavy Industries và LS Cable đều đã tuyên bố kế hoạch đưa Việt Nam trở thành địa điểm sản xuất chính tại khu vực Đông Nam Á.

Các công ty Nhật Bản đang coi Việt Nam là phần “+1” trong chiến lược “Trung Quốc + 1” với mục đích giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Và đương nhiên, việc trở thành một trọng tâm khu vực chính là tham vọng của Hàn Quốc, nhưng tới thời điểm nay, đó vẫn là một giấc mơ chưa thành hiện thực.

Để đạt được mục tiêu này, người Hàn Quốc cần phải vượt qua nỗi lo sợ và hoài nghi đối với người nước ngoài. Về điểm này, có lẽ họ nên học tập người Việt Nam.

Một lãnh đạo doanh nghiệp người Mỹ đã đạt được thỏa thuận cho một trong số những chuyến bay đầu tiên của hàng không Mỹ tới Việt Nam sau chiến tranh nhớ lại: “Tôi đàm phán với một quan chức Chính phủ Việt Nam. Có lẽ vào thời chiến tranh Mỹ ở Việt nam, ông ấy khoảng 20 tuổi. Nhưng ông ấy không đề cập gì tới chuyện quá khứ mà chỉ tập trung vào tương lai, và tìm giải pháp hợp tác”.

Một nhà ngoại giao lâu năm đã từng sống và làm việc ở cả Việt Nam và Hàn Quốc từng viết: “Người Hàn Quốc thường bị ám ảnh bởi những gì trong lịch sử, khiến họ khó nhìn về phía trước. Còn người Việt Nam thì vị tha hơn và có quan điểm hướng về tương lai hơn. Điều này sẽ giúp Việt Nam có lợi thế trong việc tiến về phía trước.”