17:55 28/08/2008

Việt Nam sẽ khai thác các dự án dầu theo chủ quyền

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng nói về vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc

"Bằng việc tích cực đàm phán và kiên trì giải quyết, chúng tôi cho rằng vùng biển đang từng bước được giải quyết, phân định giống như tinh thần phân giới cắm mốc trên bộ."
"Bằng việc tích cực đàm phán và kiên trì giải quyết, chúng tôi cho rằng vùng biển đang từng bước được giải quyết, phân định giống như tinh thần phân giới cắm mốc trên bộ."
Từ ngày 23-25/8/2008 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng đã có cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ về vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước, và về công tác phân giới cắm mốc.

Ngày 26/8/2008, khi trao đổi với báo chí trong nước, Thứ trưởng Vũ Dũng cho biết Việt Nam và Trung Quốc sẽ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền trước cuối năm nay, hình thành đường biên giới lịch sử giữa hai nước.

Đường biên giới trên bộ lịch sử

Hai bên đã nhất trí sẽ kết thúc công tác phân giới cắm mốc trong vòng đàm phán vào tháng 9 tại Bắc Kinh?

Hiện nay, hai nước đang bàn để giải quyết nốt 4% khu vực cần phân giới cắm mốc còn lại. Trong cuộc họp của tôi với Thứ trưởng Vũ Đại Vĩ, hai bên nhất trí chậm nhất vào tháng 9 năm nay sẽ kết thúc công tác phân giới cắm mốc trong nội địa, tức hoàn thành vẽ sơ đồ đường biên giới trong nội địa.

Nếu đúng tiến độ, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối năm nay, hai bên sẽ chính thức tuyên bố với thế giới việc hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc.

Việc hoàn thành phân giới cắm mốc có ý nghĩa như thế nào?

Đây sẽ là một thành tựu chung có ý nghĩa lịch sử của Trung Quốc và Việt Nam. Lần đầu tiên, chúng ta có một đường biên giới do chính hai Đảng cộng sản, hai Chính phủ tự hoạch định.

Đường biên giới trước đây do nhà Thanh hoạch định với Pháp, còn nhiều chỗ chưa hoàn chỉnh, mật độ cột mốc thấp, có chỗ 40 km mới có một cột mốc. Chúng ta giải quyết những hạn chế này để hình thành rõ một đường biên giới hoàn chỉnh, dễ nhận biết.

Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc với Trung Quốc phát đi tín hiệu tích cực về mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hai nước anh em xã hội chủ nghĩa giải quyết những vấn đề tồn tại với nhau. Đây là một việc làm có ý nghĩa lịch sử đối với Việt Nam.

Việc giải quyết xong đường biên giới là cú hích quan trọng đối với giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa giữa hai nước và nó sẽ giải quyết được một số vấn đề tranh chấp lâu nay tồn tại.

Chừng nào chưa có đường biên giới thì ai muốn làm ăn cái gì cũng ngại. Hoạch định xong đường biên giới thì người ta yên tâm làm ăn.

Xin ông cho biết 4% khu vực, còn lại cần thuộc khu vực nào? Các khu vực này đang vướng mắc triển khai ra sao?

4% khu vực còn lại nằm chủ yếu ở Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Giang. Vướng mắc cơ bản giống nhau. Ví như bản đồ, lời văn của Hiệp ước có mô tả không giống thực địa như lời văn mổ tả đường biên giới đi theo sông núi nhưng ra thực địa thì không có sông núi. Có thể do địa hình thay đổi hoặc do bản đồ bị lạc hậu. Đó là khó khăn.
 
Khai thác các dự án dầu theo chủ quyền

Việc đàm phán phân định biên giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Sau mấy chục năm đàm phán, hai nước đã giải quyết được biên giới trong Vịnh Bắc bộ. Đây là thành tựu quan trọng vì kể từ khi có đường biên giới trên Vịnh Bắc bộ, tình hình đã đi vào ổn định.

Hiện Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, tức đoạn từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng. Hai bên đang đàm phán, từng bước thu hẹp khác biệt. Đây là cách hai bên nên kiên trì thực hiện.

Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực có thể hợp tác được, ít nhất trong lĩnh vực ít nhạy cảm như bão lũ, nước biển dâng, biến đổi khí hậu, tai nạn trên biển, cứu hộ, cứu nạn... Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực đó.

Xin ông cho biết thêm về các dự án khai thác dầu trên thềm lục địa Việt Nam như dự án khai thác dầu của BP và Exxon Mobil?

Tất cả các dự án Việt Nam đang tiến hành đều nằm trong vùng thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của Việt Nam. Điều này tuân theo quy định quan trọng trong Công ước Luật Biển năm 1982. Công ước này quy định bất kỳ quốc gia ven biển nào đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, tức khoảng hơn 300 km.

Điều quan trọng, tất cả tài nguyên nằm trong thềm lục địa đó thuộc quyền chủ quyền của quốc gia đó. Công ước Luật Biển năm 1982 cũng quy định những nơi có vùng chồng lấn thì các bên liên quan tìm kiếm giải pháp công bằng.

Việt Nam đã ký hiệp định phân định thềm lục địa với Indonesia, hiệp định phân định biển với Thái Lan, hiệp định về vùng nước lịch sử với Campuchia và hiện đang đàm phán tiếp với các nước khác.

Bằng việc tích cực đàm phán và kiên trì giải quyết, chúng tôi cho rằng vùng biển đang từng bước được giải quyết, phân định giống như tinh thần phân giới cắm mốc trên bộ.

Những dự án khai thác hiện nay trên thềm lục địa Việt Nam thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Quyền của chúng ta thì chúng ta làm. Chúng tôi đã nói rõ quan điểm với Trung Quốc như vậy.

Phản ứng của phía Trung Quốc ra sao?

Trung Quốc cho rằng đó là vùng biển tranh chấp nhưng Việt Nam không chấp nhận.

Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại, được điều tiết bởi những bộ luật hoàn chỉnh, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982. Tất cả mọi nước phải có trách nhiệm thực hiện nội dung Công ước đó.

(Theo Website Bộ Ngoại giao, VNN)