10:51 13/02/2009

Việt Nam trong mắt doanh nghiệp Nhật năm 2008

Hải Bằng

Kết quả cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh tại nước ngoài năm 2008 của các doanh nghiệp Nhật Bản

Hoàng thái tử Nhật Bản Naruhito - người đang có chuyến thăm Việt Nam trong những ngày này - tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An, hôm 11/2 - Ảnh: AP.
Hoàng thái tử Nhật Bản Naruhito - người đang có chuyến thăm Việt Nam trong những ngày này - tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An, hôm 11/2 - Ảnh: AP.
Ngày 10/2, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật bản (JBIC) đã tổ chức cuộc họp để công bố kết quả cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh tại nước ngoài năm 2008 của các doanh nghiệp Nhật Bản và triển vọng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Cuộc khảo sát thường niên này, do JBIC bắt đầu thực hiện từ năm 1988 thông qua các cuộc phỏng vấn bằng thư tới các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại hải ngoại.

Cuộc khảo sát năm 2008 được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 8/2008. Các bản câu hỏi phỏng vấn đã được gởi đến cho 982 công ty Nhật đang đầu tư kinh doanh tại hải ngoại và có khoảng 620 công ty đã trả lời các câu hỏi của cuộc khảo sát.

Người Nhật lạc quan về môi trường kinh doanh

Kết quả khảo sát cho thấy bất chấp mối quan ngại ngày càng tăng về sự suy thoái kinh tế toàn cầu và áp lực thu nhỏ quy mô các hoạt động tại nước ngoài, các công ty Nhật vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng chiếm lĩnh các thị trường tại nước ngoài.

79,2% số công ty trả lời nói rằng họ có kế hoạch đẩy mạnh hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại nước ngoài trong thời gian trung hạn sắp tới (giảm 3 điểm phần trăm so với năm 2007).

Phần lớn các công ty mong muốn duy trì mức hiện tại đối với các hoạt động kinh doanh của họ ở trong nước với 40,8% số công ty được hỏi nói rằng họ có kế hoạch đẩy mạnh hoặc mở rộng hoạt động ở trong nước trong thời gian trung hạn sắp tới, giảm 9,7 điểm % so với năm ngoái.

Mặt khác, 53,2% các công ty trả lời rằng họ sẽ duy trì hoạt động kinh doanh ở mức hiện tại (tăng 7,6 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát năm trước), nhiều hơn hẳn số các công ty cho biết họ muốn đẩy mạnh hoặc mở rộng.

Về các quốc gia và vùng lãnh thổ có triển vọng cho hoạt động kinh doanh trung hạn ở nước ngoài, cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ vẫn cạnh tranh nhau ngôi vị đứng đầu.

Trung Quốc vẫn độc chiếm ngôi đầu bảng nhưng tỷ lệ công ty xem Trung Quốc là nơi đầu tư đầy hứa hẹn đã giảm đi còn 63% so với năm trước là 68% trong khi Ấn Độ tiếp tục giành vị trí thứ nhì với tỉ lệ tương ứng đạt 58% trong năm 2008, tăng từ mức 50% vào năm 2007, và tiến gần hơn đến vị trí của Trung Quốc.

Tương tự, Nga và Brazil được nhiều công ty xem như quốc gia có nhiều triển vọng với tỷ lệ tăng khá ấn tượng. Số công ty ưa thích Nga đã tăng từ 23% lên 28% và Brazil từ 9% lên 19%.

Một xu thế khác cũng được khảo sát chỉ ra là các công ty Nhật đã quan tâm đến các quốc gia mới nổi ở Trung Đông và châu Phi, đặc biệt là Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất và Nam Phi.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu khảo sát, một nước châu Phi lọt vào danh sách 20 nước đứng đầu.

Việt Nam, quốc gia "đáng tin cậy để phân tán rủi ro"

Riêng đối với Việt Nam, số các công ty Nhật xem Việt Nam là nơi nhiều triển vọng đã hơi giảm đi, từ 35% trong năm 2007 xuống còn 32% trong năm 2008, mặc dù vẫn được xếp ở vị trí thứ ba trong kết quả khảo sát.

Đặc biệt, Việt Nam là nước duy nhất trong danh sách các nước triển vọng có lý do "nguồn nhân công rẻ" được xếp hạng cao nhất, do họ hy vọng nhiều vào việc đây sẽ là một nguồn cung lao động đầy tiềm năng.

Thêm vào đó, cũng có khá nhiều công ty khác đánh giá Việt Nam là một quốc gia "đáng tin cậy để đa dạng hoá và phân tán rủi ro", xứng đáng với danh tiếng là một ứng cử viên được ưa thích trong việc chuyển đầu tư tránh rủi ro dự kiến có thể xảy ra ở Trung Quốc.

Vấn đề "cơ sở hạ tầng kém phát triển" vẫn là tồn tại lớn nhất, thêm vào đó, nhiều công ty đang lo ngại về vấn đề giá nhân công đang gia tăng.

Cũng theo kết quả khảo sát, các ngành công nghiệp có triển vọng tại Việt Nam theo đánh giá của các công ty Nhật được liệt kê theo thứ tự như sau: thiết bị điện/điện tử, xe hơi, máy móc, hóa chất, sản phẩm kim loại, dệt may, máy móc chính xác, lương thực-thực phẩm, dầu mỏ-cao su, kim loại màu.

Đánh giá triển vọng theo ngành công nghiệp của Việt Nam so với các nước, các công ty Nhật đã đánh giá cao Việt Nam về triển vọng trong ngành dệt may, chỉ xếp sau Trung Quốc và vượt qua Ấn Độ, nước đã chiếm vị trí thứ nhì trong năm 2007. Đối với ngành lương thực-thực phẩm, trong năm 2008 Việt Nam mất vị trí thứ nhì về tay Thái Lan và Trung Quốc vẫn vững ở vị trí đầu.

Về triển vọng trong lãnh vực thiết bị điện-điện tử, Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba, sau Trung Quốc và Ấn Độ trong khi lại tụt một bậc trong lĩnh vực hóa chất và xe hơi xuống vị trí thứ 6.

Trong ngành chế tạo máy móc, Việt Nam vẫn giữ được vị trí thứ tư, xếp sau Ấn Độ, Trung Quốc và Nga nhưng trên Thái Lan một bậc.