08:26 02/06/2008

Việt Nam vẫn còn… quá ít ngân hàng?

Minh Đức

Những so sánh cho thấy số ngân hàng tại Việt Nam bình thường ở khu vực nhưng quá ít so với các nước phát triển

Sẽ có thêm những ngân hàng mới vào cuộc. Trong ảnh: Cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Ngân hàng Tiên Phong.
Sẽ có thêm những ngân hàng mới vào cuộc. Trong ảnh: Cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Ngân hàng Tiên Phong.
Những so sánh cho thấy số ngân hàng tại Việt Nam bình thường ở khu vực nhưng quá ít so với các nước phát triển.

Thời gian gần đây, một số khuyến nghị cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần “quy hoạch” lại hệ thống ngân hàng theo hướng thu hẹp và thanh lọc.

Khuyến nghị trên có từ sau kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động của một loạt ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị, cùng gần chục bộ hồ sơ lập ngân hàng mới được thông qua về nguyên tắc (trong đó có 2 trường hợp đã chính thức được cấp phép).

Lý giải cho khuyến nghị trên, Việt Nam có quá nhiều ngân hàng trong một nền kinh tế quy mô còn nhỏ, còn đang phát triển, trong khi sức cạnh tranh của các ngân hàng không có nhiều lợi thế riêng biệt.

Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, những bất cập của nhiều thành viên bắt đầu bộc lộ, như tính thanh khoản, năng lực quản trị rủi ro… và sự vào cuộc nhanh, mạnh đã và đang đẩy cuộc đua lãi suất lên cao, ảnh hưởng đến ổn định hệ thống và hoạt động tài chính, cũng như các hoạt động đầu tư liên quan.

Theo ý kiến của một chuyên gia, để giải quyết tận gốc của những vấn đề trên, “cách tốt nhất là sử dụng các công cụ minh bạch và tuân theo quy luật thị trường để giảm số lượng các ngân hàng”.

Nhìn lại, số lượng ngân hàng hoạt động tại Việt Nam hiện nay đang đứng ở đâu trong khu vực và trên thế giới? Ngân hàng Nhà nước cũng đã bắt đầu nghiên cứu so sánh này để có ứng xử phù hợp.

Tính đến tháng 5/2008, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam gồm có 5 ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) vừa chính thức nhận giấy phép chuyển sang mô hình cổ phần, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển và Nông thôn, 6 ngân hàng liên doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 10 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính và 998 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

Xét riêng về hệ thống ngân hàng, đó là một số lượng lớn so với một số nước trong khu vực. Như Thái Lan có 65 triệu dân với 30 ngân hàng, trong đó có 17 ngân hàng nước ngoài; Malaysia có 24 triệu dân với 32 ngân hàng, gồm 14 ngân hàng nước ngoài; Indonesia có 215 triệu dân với 160 ngân hàng, gồm 29 ngân hàng ngoại…

Với những con số trên cho thấy có một sự tương đồng nhất định. Nhưng ở đây không thể so sánh về dân số và vị trí “cùng khu vực”. Yếu tố phát triển của nền kinh tế được đề cao hơn trong so sánh này và gần như quyết định số lượng nhà băng có trong hệ thống.

Tiêu biểu như tại Singapore, một quốc gia chỉ có 4,4 triệu dân nhưng có tới 106 ngân hàng; đáng chú ý là trong số đó có tới 103 ngân hàng nước ngoài.

Nhìn xa hơn, ở những nước phát triển của phương Tây, số lượng ngân hàng đi cùng với tầm phát triển của nền kinh tế. Đó là lý do mà 897 ngân hàng ở Pháp vẫn sống được dù chỉ có 60 triệu dân; hay ở Italia chỉ có 58 triệu dân nhưng có tới 787 ngân hàng; Bồ Đào Nha chỉ vẻn vẹn khoảng 10 triệu dân nhưng vẫn có 197 ngân hàng…

Như vậy có thể thấy số lượng ngân hàng tùy thuộc chủ yếu vào quy mô và sự phát triển của nền kinh tế. Và với Việt Nam, những khuyến nghị trên là có cơ sở.

Khuyến nghị trên cũng là một bước “đón đầu” khi lượng ngân hàng hoạt động tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh.

Trước hết, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ ngày 1/4/2007, Việt Nam mở cửa cho phép ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con 100% vốn.

Thứ hai, hai năm gần đây, có một “phong trào” là nhiều tập đoàn kinh tế, thậm chí cả địa phương, cũng có nhu cầu và xin lập các ngân hàng thương mại.

Từ năm 2006 đến nay, Ngân hàng Nhà nước nhận được 25 hồ sơ xin thành lập ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và 33 hồ sơ xin thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Đến cuối tháng 5/2008, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho hai ngân hàng cổ phần trong nước là Ngân hàng Liên Việt (hiện đã chính thức đi vào hoạt động) và Ngân hàng Tiên Phong; cấp giấy phép thành lập, hoạt động cho 3 chi nhánh nước ngoài.

Các hồ sơ còn lại đang được Ngân hàng Nhà nước thẩm định, xem xét; trong đó còn 7 bộ hồ sơ xin lập ngân hàng thương mại cổ phần đã được thông qua về chủ trương.

Tính đến ngày 31/12/2007, có 19 tập đoàn, tổng công ty góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần với tổng giá trị đầu tư 4.426 tỷ đồng. Những con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi thị trường có thêm những giấy phép mới.

Về nguyên tắc, việc lập ngân hàng mới, cũng như sự vào cuộc của các tập đoàn, tổng công ty nói trên đều tuân thủ cơ chế kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Nhưng hoạt động ngân hàng là kinh doanh có điều kiện. Mặt khác, với tầm phát triển kinh tế hiện nay, Việt Nam chưa thể là Singapore, Pháp hay Italia… để có những con số quá lớn.