Việt Nam vượt Trung Quốc về môi trường kinh doanh
Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận việc Việt Nam nâng cấp hệ thống thông quan hàng hóa tự động
Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh mang tên Ease of Doing Business Ranking (Chỉ số thuận lợi kinh doanh) 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB).
Đây là báo cáo thường niên, xếp hạng 190 nền kinh tế theo 10 tiêu chí, bao gồm mở doanh nghiệp; giải quyết giấy phép xây dựng; cấp điện cho doanh nghiệp; đăng ký tài sản; cấp vốn tín dụng; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số; đóng thuế; thương mại xuyên biên giới; thực thi hợp đồng; và giải quyết phá sản.
Việt Nam đứng thứ 68 trong xếp hạng 2018 được WB công bố ngày 31/10, tăng 14 bậc so với hạng 82 của xếp hạng 2017. Thứ hạng này của Việt Nam cao hơn 10 bậc so với Trung Quốc, nền kinh tế đứng ở vị trí 78. Thứ hạng của Trung Quốc trong xếp hạng 2018 không thay đổi so với xếp hạng 2017.
Trong số các tiêu chí đánh giá, Việt Nam đạt thứ hạng cao nhất ở tiêu chí giải quyết giấy phép xây dựng (hạng 20), và thấp nhất ở tiêu chí giải quyết phá sản (hạng 129). Ở tiêu chí mức độ dễ dàng về mở doanh nghiệp, Việt Nam cũng đạt thứ hạng khá thấp là 120.
5 nền kinh tế dẫn đầu xếp hạng 2018 không có sự thay đổi so với xếp hạng 2017, vẫn là New Zealand, Singapore, Đan Mạch, Hàn Quốc, và Hồng Kông. Tuy nhiên, ngoài 3 vị trí đầu tiên giữ nguyên, Hàn Quốc đã vượt lên vị trí thứ 4, trong khi Hồng Kông tụt xuống vị trí thứ 5.
Các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á, bao gồm Thái Lan và Ấn Độ, có sự thăng hạng mạnh về mức độ dễ dàng của môi trường kinh doanh. Chẳng hạn Ấn Độ tăng 30 bậc so với xếp hạng trước, lên vị trí 100, Thái Lan tăng 20 bậc lên vị trí 46, Indonesia tăng 19 bậc lên vị trí 72, Philippines tăng 14 bậc lên vị trí 99…
Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản nhìn chung "dậm chân tại chỗ" trong xếp hạng này. Mỹ đứng ở vị trí thứ 6, Anh thứ 5, còn Nhật Bản giữ nguyên vị trí 34.
WB nhận định những bước tiến mạnh của các nền kinh tế mới nổi về môi trường kinh doanh cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nước này nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Báo cáo của WB nhấn mạnh rằng Thái Lan "đã tạo điều kiện dễ dang hơn cho việc mở doanh nghiệp bằng cách loại bỏ yêu cầu phải có con dấu công ty" và "tăng cường khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với nguồn vốn tín dụng bằng cách thông qua luật mới, mở rộng phạm vi tài sản có thể được sử dụng để thế chấp vay vốn".
WB cũng nói rằng Việt Nam "đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu thông qua nâng cấp hệ thống thông quan hàng hóa tự động và tăng giờ làm việc của hải quan".
Về sự tụt hạng của Hồng Kông xuống vị trí thứ 5, WB giải thích đó là do nền kinh tế này "khiến việc mở doanh nghiệp trở nên tốn kém hơn khi áp dụng trở lại phí đăng ký doanh nghiệp".
Theo tờ Nikkei Investment Review, phản ứng về đánh giá này của WB, Hồng Kông ngày 1/11 đã ra một tuyên bố. "Chính quyền Hồng Kông áp dụng chính sách miễn phí đăng ký doanh nghiệp vào năm 2016-2017 như biện pháp một lần để hỗ trợ doanh nghiệp. Sau đó, phí đăng ký doanh nghiệp chỉ quay lại mức bình thường vào ngày 1/4/2017, vốn ở mức thấp", tuyên bố viết.
WB cũng đánh giá Singapore "đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng và thiết bị cảng biển", nhưng vẫn chưa thể đuổi kịp New Zealand.