17:01 09/10/2008

Việt Nam xuống bậc trong xếp hạng kinh doanh toàn cầu

Kiều Oanh

Việt Nam đã tụt hai bậc so với năm ngoái trong Báo cáo Xếp hạng khả năng cạnh tranh toàn cầu năm nay

Bìa Báo cáo Xếp hạng khả năng cạnh tranh toàn cầu của WEF.
Bìa Báo cáo Xếp hạng khả năng cạnh tranh toàn cầu của WEF.
Việt Nam đã tụt hai bậc so với năm ngoái trong Báo cáo Xếp hạng khả năng cạnh tranh toàn cầu năm nay, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 8/10.

Năm ngoái, xếp hạng của Việt Nam là 68, năm nay, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 70 trong danh sách 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu so với năm 2006, Việt Nam đã tụt 6 bậc trong xếp hạng này.

Xếp hạng kinh doanh toàn cầu của WEF đánh giá năng lực cạnh tranh của các quốc gia dựa trên 12 trụ cột, bao gồm các yếu tố như định chế, cơ sở hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, giáo dục bậc cao và đào tạo, hiệu quả của thị trường hàng hóa, hiệu quả của thị trường lao động mức độ phát triển của thị trường tài chính, mức độ tiến bộ về công nghệ, quy mô thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp, và mức độ sáng tạo.

Với thang điểm từ 1 đến 7 cho 12 trụ cột trên, tổng điểm năng lực cạnh tranh của Việt Nam là 4,1. Trong khi đó, ở vị trí cao nhất trong xếp hạng, Mỹ có điểm số là 5,74, còn Cộng hòa Chad - nước “đội sổ” - có điểm số là 1,31. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 30 với điểm số là 4,7. Hai nước xếp liền trước và liền sau Việt Nam là Azerbaijan và Philippines có điểm số lần lượt là 4,1 và 4,09.

Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam xếp trên Philippines, Cambodia và Đông Timor.

Theo báo cáo, những vấn đề đáng lo ngại trong môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay lần lượt là lạm phát, cơ sở hạ tầng yếu kém, lực lượng lao động trình độ thấp, tình trạng tham nhũng và sự thiếu ổn định trong chính sách.

Báo cáo cũng chia các quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng vào 5 nhóm nước dựa trên hai yếu tố là GDP tính theo đầu người và mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào thị trường bên ngoài. Trong đó, phát triển nhất là nhóm 5.

Theo cách phân chia này, Việt Nam ở trong nhóm 1 cùng với một số nước như Campuchia, Indonesia, Mông Cổ, Sri Lanka, Zimbabwe, Philippines… Quốc gia láng giềng Trung Quốc của Việt Nam nằm ở nhóm thứ 2.

Một số nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… được xếp vào nhóm 5 cùng với Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Phần Lan…

Các quốc gia và nền kinh tế góp mặt trong top 10 của danh sách năm nay hầu như không thay đổi so với năm ngoái, gồm có Mỹ, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Singapore, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Nhật Bản và Canada. Riêng Anh đã bị loại ra khỏi top 10 do sự suy yếu của thị trường tài chính nước này.