Vietcombank và sự im lặng của nhu cầu 1 tỷ USD
Vietcombank từng cần 1 tỷ USD, nhưng quan trọng hơn là cần số tiền đó để làm gì
Hơn một năm trôi qua, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với nhu cầu tối đa 1 tỷ USD của Vietcombank vẫn để ngỏ. Có quá nhiều điểm để cân nhắc, cũng như có quá nhiều thay đổi để xem lại nhu cầu.
Ngày 2/4/2012, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có tờ trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với quy mô tối đa 1 tỷ USD, kỳ hạn tối đa 10 năm. Kế hoạch được thông qua và ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định thực hiện.
Nhưng, từ bấy đến nay, theo ghi nhận của VnEconomy, nhu cầu 1 tỷ USD đó vẫn nằm trong im lặng.
Kế hoạch huy động vốn nói trên được đưa ra trong bối cảnh các cân đối vốn ngoại tệ của ngân hàng này bắt đầu bộc lộ những khó khăn. Một mặt, tại thời điểm đó, tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên huy động vốn ngoại tệ của họ khá cao, với 83,77%, hẳn cần đến một sự xoa dịu, nhất là khi gắn với cầu tín dụng ngoại tệ vẫn cao và cơ cấu kỳ hạn huy động không mấy thuận lợi. Cái khó là nguồn trong nước hạn chế.
Vietcombank giải thích rằng, khi tính phương án gọi vốn ở thị trường nước ngoài, việc huy động ngoại tệ trong nước chịu tác động tiêu cực do quy định trần lãi suất huy động USD của Ngân hàng Nhà nước ở mức thấp, trong khi nhu cầu tín dụng ngoại tệ không suy giảm.
Cũng lưu ý rằng, ngoài hạn chế về lượng, huy động vốn ngoại tệ trong nước còn gặp hạn chế nữa khi chủ yếu là kỳ hạn ngắn. Theo đó, Vietcombank xác định tìm một kênh tạo nguồn dài hạn, qua phát hành trái phiếu quốc tế. Điều này giúp cân đối nguồn vốn cho các khoản tín dụng ngoại tệ trung và dài hạn đã cho vay cũng như đã cam kết giải ngân cho khách hàng.
Nhưng đã hơn một năm, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế vẫn chưa thể triển khai.
Chuyện đi ra bên ngoài vay vốn là rất bình thường. Chính phủ cũng đã nhiều lần đi vay. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đi vay. Thậm chí cá nhân cũng được quyền đi vay, theo độ mở của Pháp lệnh ngoại hối. Riêng các định chế tài chính, đến thời điểm này mới chỉ có Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) thực hiện. Dù có thể khập khiễng, song VietinBank trở thành một ví dụ để so sánh.
Ngày 12/5/2012, VietinBank phát đi thông cáo đã phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 8%/năm. Thành công ở lần đầu tiên một ngân hàng thương mại Việt Nam “ra biển lớn đánh cá”, nhưng về chi phí thời điểm đó còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Có lẽ là vô tình, VietinBank tạo nên một tham chiếu cho kế hoạch của Vietcombank chỉ một tháng sau khi nhu cầu 1 tỷ USD nói trên được đại hội đồng cổ đông thông qua. Tham chiếu quan trọng nhất là lãi suất.
Với kết quả phát hành của VietinBank, nhiều chuyên gia lúc đó thất vọng ở mức lãi suất phải trả quá cao, thậm chí cao hơn hẳn một số địa chỉ gọi vốn khác ở khu vực hoặc nền kinh tế có những điểm tương đồng. Câu hỏi vẫn là liệu có phải do áp lực xoa dịu tỷ lệ cho vay ngoại tệ trên huy động ngoại tệ quá cao hay không, hay với mức lãi suất đó vẫn có thể sinh lãi tốt khi sử dụng trong nước?
Nhưng có những nhận định cho rằng mức 8%/năm là hợp lý, gắn với mức độ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam vừa bị hạ, tình hình kinh tế vĩ mô bộc lộ nhiều khó khăn, và ngay cả dư chấn sự kiện Vinashin với cộng đồng quốc tế còn tươi mới…
Vietcombank đi sau. Có lẽ họ nhìn sang kết quả của VietinBank để thầm so sánh và cân nhắc. Còn cái chính là hạng mức tín nhiệm quốc gia, của chính mình vẫn chưa cải thiện rõ, kinh tế vĩ mô vẫn kéo dài khó khăn mà thậm chí còn khó khăn hơn cả bối cảnh VietinBank đi phát hành. Với thực tế đó, chí phí gọi vốn hẳn không dễ chịu. Và chắc chắn Vietcombank sẽ không phát hành bằng mọi giá, chưa nói đi cùng với cái giá đó còn là một “chứng chỉ” về uy tín, hình ảnh và chất lượng bản thân mình trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Có lẽ Vietcombank tiếp tục chờ đợi. Điều đó cũng cho thấy nhu cầu 1 tỷ USD là cần thiết (như trong giải trình với cổ đông), nhưng không quá nóng. Hơn nữa, một năm đã qua, nhiều yếu tố đã thay đổi, thậm chí thay đổi lớn.
Nếu như bối cảnh để hậu thuẫn cho kế hoạch phát hành thành công chưa có nhiều thay đổi lớn, thì các cơ cấu vốn nội tại của Vietcombank đã khác.
Đó là, ngược với dự tính trước đây, tín dụng ngoại tệ đã giảm rất mạnh từ cuối năm 2012 cho đến nay. Mức giảm tới khoảng 9,5% của tín dụng ngoại tệ tính đến cuối tháng 6 vừa qua là đáng chú ý. Trong khi đó, huy động ngoại tệ đã tăng mạnh trở lại trong 6 tháng đầu năm; hiện không có con số chung công bố, nhưng một số nguồn đề cập đến tiền gửi ngoại tệ của dân cư tăng tới khoảng 15%, của doanh nghiệp tăng tới 9%.
Với Vietcombank, sự đảo chiều đó cũng thể hiện rõ nét. Theo dữ liệu từ một nguồn tin cậy, 6 tháng đầu năm tín dụng ngoại tệ của họ giảm tới khoảng 16 - 17%, trong khi huy động ngoại tệ tăng tới 6,4%. Tỷ lệ cho vay trên huy động ngoại tệ theo đó chắc chắn được xoa dịu, hay áp lực cân đối vốn đã giảm bớt. Nhu cầu 1 tỷ USD nói trên theo đó hẳn cũng bớt nóng.
Thêm nữa, khi nhu cầu tín dụng ngoại tệ đã giảm rất mạnh như vậy, đến cuối năm nay theo cơ chế của Ngân hàng Nhà nước là sẽ siết chặt thêm, thì có lẽ Vietcombank cũng không vội gì thúc đẩy kế hoạch 1 tỷ USD đó. Bởi câu trả lời “vay để làm gì?” đang khác đi so với thời điểm lên kế hoạch phát hành.
Ở một hướng khác, có thể xem xét huy động tối đa 1 tỷ USD đó về để chuyển đổi thành VND và kinh doanh. Hướng này cũng không khả thi, khi lãi suất trái phiếu quốc tế dự tính chưa dễ chịu, lãi suất kinh doanh trong nước đã giảm thấp, cộng với đó là rủi ro biến động tỷ giá. Và thực tế là, với vốn VND, được biết hiện Vietcombank còn dư thừa, phải gửi thêm ở Ngân hàng Nhà nước.
Vậy nên, nhu cầu cỡ 1 tỷ USD của Vietcombank có lẽ đang nguội đi; kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế sẽ vẫn tiếp tục im lặng…
Ngày 2/4/2012, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có tờ trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với quy mô tối đa 1 tỷ USD, kỳ hạn tối đa 10 năm. Kế hoạch được thông qua và ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định thực hiện.
Nhưng, từ bấy đến nay, theo ghi nhận của VnEconomy, nhu cầu 1 tỷ USD đó vẫn nằm trong im lặng.
Kế hoạch huy động vốn nói trên được đưa ra trong bối cảnh các cân đối vốn ngoại tệ của ngân hàng này bắt đầu bộc lộ những khó khăn. Một mặt, tại thời điểm đó, tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên huy động vốn ngoại tệ của họ khá cao, với 83,77%, hẳn cần đến một sự xoa dịu, nhất là khi gắn với cầu tín dụng ngoại tệ vẫn cao và cơ cấu kỳ hạn huy động không mấy thuận lợi. Cái khó là nguồn trong nước hạn chế.
Vietcombank giải thích rằng, khi tính phương án gọi vốn ở thị trường nước ngoài, việc huy động ngoại tệ trong nước chịu tác động tiêu cực do quy định trần lãi suất huy động USD của Ngân hàng Nhà nước ở mức thấp, trong khi nhu cầu tín dụng ngoại tệ không suy giảm.
Cũng lưu ý rằng, ngoài hạn chế về lượng, huy động vốn ngoại tệ trong nước còn gặp hạn chế nữa khi chủ yếu là kỳ hạn ngắn. Theo đó, Vietcombank xác định tìm một kênh tạo nguồn dài hạn, qua phát hành trái phiếu quốc tế. Điều này giúp cân đối nguồn vốn cho các khoản tín dụng ngoại tệ trung và dài hạn đã cho vay cũng như đã cam kết giải ngân cho khách hàng.
Nhưng đã hơn một năm, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế vẫn chưa thể triển khai.
Chuyện đi ra bên ngoài vay vốn là rất bình thường. Chính phủ cũng đã nhiều lần đi vay. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đi vay. Thậm chí cá nhân cũng được quyền đi vay, theo độ mở của Pháp lệnh ngoại hối. Riêng các định chế tài chính, đến thời điểm này mới chỉ có Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) thực hiện. Dù có thể khập khiễng, song VietinBank trở thành một ví dụ để so sánh.
Ngày 12/5/2012, VietinBank phát đi thông cáo đã phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 8%/năm. Thành công ở lần đầu tiên một ngân hàng thương mại Việt Nam “ra biển lớn đánh cá”, nhưng về chi phí thời điểm đó còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Có lẽ là vô tình, VietinBank tạo nên một tham chiếu cho kế hoạch của Vietcombank chỉ một tháng sau khi nhu cầu 1 tỷ USD nói trên được đại hội đồng cổ đông thông qua. Tham chiếu quan trọng nhất là lãi suất.
Với kết quả phát hành của VietinBank, nhiều chuyên gia lúc đó thất vọng ở mức lãi suất phải trả quá cao, thậm chí cao hơn hẳn một số địa chỉ gọi vốn khác ở khu vực hoặc nền kinh tế có những điểm tương đồng. Câu hỏi vẫn là liệu có phải do áp lực xoa dịu tỷ lệ cho vay ngoại tệ trên huy động ngoại tệ quá cao hay không, hay với mức lãi suất đó vẫn có thể sinh lãi tốt khi sử dụng trong nước?
Nhưng có những nhận định cho rằng mức 8%/năm là hợp lý, gắn với mức độ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam vừa bị hạ, tình hình kinh tế vĩ mô bộc lộ nhiều khó khăn, và ngay cả dư chấn sự kiện Vinashin với cộng đồng quốc tế còn tươi mới…
Vietcombank đi sau. Có lẽ họ nhìn sang kết quả của VietinBank để thầm so sánh và cân nhắc. Còn cái chính là hạng mức tín nhiệm quốc gia, của chính mình vẫn chưa cải thiện rõ, kinh tế vĩ mô vẫn kéo dài khó khăn mà thậm chí còn khó khăn hơn cả bối cảnh VietinBank đi phát hành. Với thực tế đó, chí phí gọi vốn hẳn không dễ chịu. Và chắc chắn Vietcombank sẽ không phát hành bằng mọi giá, chưa nói đi cùng với cái giá đó còn là một “chứng chỉ” về uy tín, hình ảnh và chất lượng bản thân mình trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Có lẽ Vietcombank tiếp tục chờ đợi. Điều đó cũng cho thấy nhu cầu 1 tỷ USD là cần thiết (như trong giải trình với cổ đông), nhưng không quá nóng. Hơn nữa, một năm đã qua, nhiều yếu tố đã thay đổi, thậm chí thay đổi lớn.
Nếu như bối cảnh để hậu thuẫn cho kế hoạch phát hành thành công chưa có nhiều thay đổi lớn, thì các cơ cấu vốn nội tại của Vietcombank đã khác.
Đó là, ngược với dự tính trước đây, tín dụng ngoại tệ đã giảm rất mạnh từ cuối năm 2012 cho đến nay. Mức giảm tới khoảng 9,5% của tín dụng ngoại tệ tính đến cuối tháng 6 vừa qua là đáng chú ý. Trong khi đó, huy động ngoại tệ đã tăng mạnh trở lại trong 6 tháng đầu năm; hiện không có con số chung công bố, nhưng một số nguồn đề cập đến tiền gửi ngoại tệ của dân cư tăng tới khoảng 15%, của doanh nghiệp tăng tới 9%.
Với Vietcombank, sự đảo chiều đó cũng thể hiện rõ nét. Theo dữ liệu từ một nguồn tin cậy, 6 tháng đầu năm tín dụng ngoại tệ của họ giảm tới khoảng 16 - 17%, trong khi huy động ngoại tệ tăng tới 6,4%. Tỷ lệ cho vay trên huy động ngoại tệ theo đó chắc chắn được xoa dịu, hay áp lực cân đối vốn đã giảm bớt. Nhu cầu 1 tỷ USD nói trên theo đó hẳn cũng bớt nóng.
Thêm nữa, khi nhu cầu tín dụng ngoại tệ đã giảm rất mạnh như vậy, đến cuối năm nay theo cơ chế của Ngân hàng Nhà nước là sẽ siết chặt thêm, thì có lẽ Vietcombank cũng không vội gì thúc đẩy kế hoạch 1 tỷ USD đó. Bởi câu trả lời “vay để làm gì?” đang khác đi so với thời điểm lên kế hoạch phát hành.
Ở một hướng khác, có thể xem xét huy động tối đa 1 tỷ USD đó về để chuyển đổi thành VND và kinh doanh. Hướng này cũng không khả thi, khi lãi suất trái phiếu quốc tế dự tính chưa dễ chịu, lãi suất kinh doanh trong nước đã giảm thấp, cộng với đó là rủi ro biến động tỷ giá. Và thực tế là, với vốn VND, được biết hiện Vietcombank còn dư thừa, phải gửi thêm ở Ngân hàng Nhà nước.
Vậy nên, nhu cầu cỡ 1 tỷ USD của Vietcombank có lẽ đang nguội đi; kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế sẽ vẫn tiếp tục im lặng…