12:16 30/12/2016

Vietcombank, VietinBank và BIDV có vượt rào cho vay?

Minh Đức

Khác biệt câu chữ dẫn tới nhầm lẫn những ngân hàng lớn này vi phạm quá xa quy định cho vay

Số liệu VnEconomy tìm hiểu trong năm 2016, tất cả các ngân hàng thương 
mại nhà nước, cả Vietcombank, VietinBank và BIDV đều đảm bảo tuân thủ 
quy định giới hạn 90% về cho vay.<br>
Số liệu VnEconomy tìm hiểu trong năm 2016, tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước, cả Vietcombank, VietinBank và BIDV đều đảm bảo tuân thủ quy định giới hạn 90% về cho vay.<br>
Như VnEconomy đưa tin, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định áp một giới hạn cho vay đối với ba ngân hàng thương mại lớn, cao hơn các thành viên khác trong hệ thống.

Cụ thể, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 90%.

Đây là ba ngân hàng thương mại lớn, đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, trên 50%, thậm chí trên 90%.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần khác có giới hạn cho vay nói trên thấp hơn, với 80%.

Trước hết, giới hạn trên không mới. Tại Thông tư 36 về các giới hạn an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ban hành năm 2014, các ngân hàng thương mại nhà nước được áp giới hạn trên là 90%. Tuy nhiên, tháng 5/2016, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 06 sửa đổi một số nội dung, trong đó có xác định lại định nghĩa ngân hàng thương mại nhà nước là trường hợp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, nên có khác biệt khi ba ngân hàng trên đã cổ phần hóa và tỷ lệ sở hữu Nhà nước không còn nguyên 100%.

Theo đó, có thể hiểu quyết định áp hạn mức nói trên chỉ là sự sắp xếp lại nhóm cũ theo định nghĩa mới mà thôi.

Nhưng đây lại trở thành điểm đáng chú ý, vì có những khác biệt về câu chữ và số liệu, dẫn đến có hiểu nhầm trong một số thông tin phản ánh trong việc tuân thủ giới hạn này.

Nếu tính đơn giản theo tổng dư nợ so với tổng tiền gửi trên báo cáo tài chính của các ngân hàng trên, ngoại trừ Vietcombank dưới 80%, cả VietinBank và BIDV đều đã cao hơn giới hạn 90%, thậm chí gần 100%.

Nếu theo một chỉ mục thống kê cập nhật hàng tháng của Ngân hàng Nhà nước là “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động”, thì khối ngân hàng thương mại nhà nước cũng đã vượt rào quy định suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, có khác biệt lớn khi xác định khái niệm và tỷ lệ này trên thực tế. Và hiểu nhầm trên xuất phát từ quy định trong quá khứ và thay đổi ở thời điểm hiện tại.

Ngày 20/5/2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13, từng gây “xáo động” thị trường tại thời điểm đó, với những quy định mới trong các giới hạn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” đối với các ngân hàng thương mại chung là 80%.

Ngày 20/11/2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36, trong đó có khái niệm “Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi”, cùng các giới hạn 80% và 90% áp dụng cho đến nay.

Cả tên gọi và nội hàm của giới hạn trên tại hai thông tư, tại hai thời điểm trước và nay đã khác. Theo đó, việc dùng tính toán theo nội hàm cũ để đối chiếu với giới hạn và thực tế hiện nay, qua đó cho thấy các ngân hàng vượt rào, đang gây một số nhầm lẫn.

Ví dụ như, nội hàm “tổng tiền gửi” quy định hiện nay đã khác so với “nguồn vốn huy động” trước đây khi xác định giới hạn cho vay (LDR). Như trước đây, các ngân hàng chỉ được tính nguồn tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức, nhưng nội hàm quy định mới đã được tính tiền gửi của tổ chức nói chung (bao gồm cả không kỳ hạn - một nguồn rất lớn). Hoặc theo quy định hiện nay, khi tính tổng dư nợ cho vay, ngân hàng được trừ đi phần dư nợ cho vay bằng nguồn ủy thác của Chính phủ, cá nhân và tổ chức khác…

Khi việc xác định cả tử số và mẫu số thay đổi, LDR cũng thay đổi theo.

Và thực tế, số liệu VnEconomy tìm hiểu trong năm 2016, tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước, cả Vietcombank, VietinBank và BIDV đều đảm bảo tuân thủ quy định, nằm dưới giới hạn 90% nói trên.