15:24 21/02/2008

Vinamit chia tay Indochina Capital, vì sao?

Để Indochina từ bỏ một miếng bánh ngon như Vinamit, liệu nguyên nhân có đơn giản như được công bố?

Lý do mà hai bên giải thích cho sự "chia tay" này thật khó thuyết phục.
Lý do mà hai bên giải thích cho sự "chia tay" này thật khó thuyết phục.
Khoảng giữa năm ngoái, giới đầu tư đã chứng kiến buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược long trọng giữa Quỹ đầu tư Indochina Capital Vietnam Holding (ICVH) do Indochina Capital quản lý với Công ty Vinamit. Nhưng đến đầu năm nay họ lại nghe tin việc hợp tác này đã chấm dứt.

Trong một bản báo cáo gửi cho các nhà đầu tư của mình vào cuối tháng 1/2008, ICVH đã công bố không tiếp tục thực hiện hợp đồng mua 20% cổ phần của Công ty Vinamit, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về nông sản và trái cây sấy. Nguyên do chỉ vì hai bên cảm thấy tầm nhìn chiến lược phát triển trong trung hạn của cả hai không còn phù hợp với nhau nữa.

Lời giải thích này xem ra khó thuyết phục với những ai đã theo dõi thông tin về lễ “đính hôn” này hồi năm ngoái. Còn nhớ trong buổi ký kết thỏa thuận mua cổ phần, cả hai đã cùng đưa ra những hoạch định dài hạn cũng như ngắn hạn cho sự phát triển của Vinamit. Chẳng hạn như công ty sẽ niêm yết trong năm 2008, hay hệ thống phân phối sản phẩm Vinamit sẽ được triển khai mạnh trên toàn quốc dựa vào mối quan hệ rộng rãi và kinh nghiệm về hoạt động tài chính của Indochina Capital.

Trao đổi với báo giới, ông Thomas Ngô, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Indochina Capital, cho biết sau khi ký thỏa thuận mua 20% cổ phần của Vinamit, quỹ đã giúp Vinamit thực hiện chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang cổ phần trong vòng ba tháng theo hợp đồng. Tuy nhiên, sau thời hạn trên, do nhận thấy định hướng phát triển trong tương lai của Vinamit không như những gì đã cam kết ban đầu và không còn phù hợp với mong muốn của ICVH nên cả hai đã chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, để Indochina từ bỏ một miếng bánh ngon như Vinamit, công ty nắm giữ 90% thị phần về hàng nông sản và trái cây sấy, tự chủ được 50% nguyên liệu đầu vào, thì liệu nguyên nhân có đơn giản như vậy?

Ông Nguyễn Tín Lăng, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Vinamit, cho biết Indochina Capital đã thể hiện rõ ý chí muốn sở hữu công ty hơn là muốn cùng Vinamit đi một chặng đường dài như ông từng nghĩ trước đây. Trái ngược về quan điểm trong đầu tư, do không đạt được thỏa thuận về lợi ích của mỗi bên nên cả hai đã quyết định chia tay.

Và một phần của sự chia tay này là do trong hợp đồng có quy định sau ba tháng kể từ khi ký thỏa thuận bán cổ phần mà hợp đồng chính thức chưa thể hoàn thành được thì thỏa thuận đã ký sẽ tự hủy.

Về mặt nguyên tắc là hợp đồng thỏa thuận trên đã hết hiệu lực từ cuối tháng 8/2007, nhưng do hai bên vẫn còn muốn cứu vãn tình thế nên mãi đến cuối tháng rồi thông tin này mới được chính thức công bố. Có lẽ trước khi đặt bút ký thỏa thuận, Vinamit đã không lường hết tất cả những rắc rối phát sinh trong quá trình đàm phán vào chi tiết của bản hợp đồng. Trong khi quỹ đầu tư có công cụ tài chính mạnh, và có kinh nghiệm thỏa thuận những hợp đồng tương tự cả trăm lần thì một công ty như Vinamit có vẻ như chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đàm phán.

Theo tìm hiểu, một trong những điều kiện được Vinamit xem là bị ép mà vẫn phải chấp thuận trước đó là sau hai năm nắm giữ cổ phiếu, ICVH có quyền bán cổ phiếu Vinamit ra ngoài bất cứ lúc nào mà không cần phải báo với Vinamit. Trong khi nếu cổ đông lớn của Vinamit bán ra ngoài cần phải báo trước cho ICVH.

Một trong những bài học kinh nghiệm mà Công ty Vinamit rút ra sau cuộc chia tay này là phía đối tác nước ngoài có thể lợi dụng sự thiếu minh bạch của công ty Việt Nam hiện nay để đưa ra những điều khoản trói buộc công ty trong nước một cách cao nhất. Vì thế, các công ty Việt Nam cần phải thay đổi, cần tạo sự minh bạch cũng như ý thức được vị thế của mình để có một thế đứng ngang hàng khi đàm phán.

Và hai điều được xem là phải đấu tranh nhiều nhất trong lúc đàm phán, theo kinh nghiệm của ông Lăng, là bên nước ngoài đòi hợp đồng chỉ sử dụng tiếng Anh thôi, và nếu một bên đơn phương hủy hợp đồng sẽ phải đền một số tiền khá lớn. Trong hợp đồng có sử dụng những từ rất cảm tính như “cho rằng” hay “chưa hài lòng” để ràng buộc phía Việt Nam mà nếu không tỉnh táo sẽ dễ dàng đồng ý. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đàm phán nên cân nhắc thêm về điều khoản tự hủy trong bản thỏa thuận.