08:29 10/10/2011

Vốn cho doanh nghiệp: Ngành nào cũng “khát”

Vũ Quỳnh

Rất ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiêp vừa và nhỏ

Xây dựng là ngành chịu tác động lớn nhất trong việc thiếu vốn.
Xây dựng là ngành chịu tác động lớn nhất trong việc thiếu vốn.
Thiếu vốn, song không dễ tiếp cận vốn vay từ ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện có 20% doanh nghiệp bị phá sản, 60% giảm doanh số và phải cắt giảm lao động, số còn lại hoạt động khó khăn. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay theo cơ quan này là vốn cho sản xuất, kinh doanh khi lãi suất cao, mức cho vay hạn chế, đặc biệt với cho vay trung và dài hạn.

Tổng hợp báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ về thực hiện nghị quyết 11 cũng cho thấy, rất ít doanh nghiệp có thể vay vốn từ ngân hàng. Như, tại Quảng Bình, chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay được vốn từ ngân hàng thương mại. Lãi suất thỏa thuận lên đến 20% là phổ biến. Lãi suất vay dài hạn lên đến 25%.

Khảo sát nhanh đánh giá tác động của các biến động lớn đối với doanh nghiệp và người lao động do Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Khoa học xã hội Việt Nam vừa hoàn thành trong tháng 9/2011, cũng đã chỉ ra những dấu hiệu bất ổn về tín dụng.

Cụ thể, các chính sách vốn vay hỗ trợ xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng tại các chi nhánh Ngân hàng Phát triển chưa tạo được sức bật cho doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách này. Ngoài ra, lãi suất cao, thời hạn cho vay ngắn, càng tạo sức ép khó khăn cho các cơ sở sản xuất.

Trong khi thực trạng thiếu  vốn chưa giải quyết được, cộng thêm chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, vật liệu… tăng cao khiến tình trạng “khát” vốn càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, hàng hóa tiêu thụ chậm do tâm lý thắt chặt chi tiêu trong thời lạm phát, khiến hàng tồn kho tăng cao, thiếu vốn để quay vòng. Song, hầu hết các cơ sở cũng đều cho rằng, đành chấp nhận tăng hàng tồn kho, giảm mức lãi, cắt giảm lao động chứ không thể đi vay ngân hàng với lãi suất “cắt cổ” để trả lương công nhân được. Bởi, riêng chi phí nhân công cũng đã tăng tới 20%.

Chịu tác động lớn nhất trong việc thiếu vốn là ngành xây dựng. Mới đây, công đoàn ngành xây dựng đã có kiến nghị gửi lên Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về những khó khăn của ngành. Dẫn chứng đưa ra là chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, ngành xây dựng đã có 25 công trình phải tạm giãn tiến độ do không thu xếp được vốn để tiếp tục thi công; 1.118 lao động mất việc làm; 4.549 lao động không đủ việc làm.

Đáng chú ý là có 66 doanh nghiệp nợ lương người lao động với tổng số tiền 134 tỷ đồng; 79 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội với tổng số tiền 85 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành này cho biết, đầu tháng 9, mặc dù đã có tín hiệu giảm lãi suất ngân hàng nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với mức lãi suất lên đến 21 - 27%, trong khi hoạt động sản xuất không mang lại lợi nhuận. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình cảnh duy trì công trình để công nhân không thất nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về trả lương công nhân nên phải vay nóng và lãi suất tăng thêm 6-9% tháng.

Tình trạng thiếu vốn cũng len lỏi vào các doanh nghiệp nông nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ… Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này  cho biết, họ không thể lo đủ vốn để sản xuất kinh doanh, trong khi vay vốn ngân hàng trong thời buổi này là vô cùng khó khăn.

Đại diện một doanh nghiệp phân bón dẫn chứng rằng, mặc dù Nghị định 41 về tạo điều kiện vay vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định, đối tượng được vay không phải thế chấp tài sản, nếu phương án sản xuất khả thi và được phê duyệt. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, ngân hàng vẫn yêu cầu thế chấp đối với các đối tượng, hợp tác xã.

Ngoài ra, số lượng vốn cho vay rất hạn chế, khối ngân hàng nông nghiệp tỉnh chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn vay, khối Ngân hàng Chính sách xã hội thì chỉ đáp ứng được 1,13% hộ kinh tế, và chỉ được phép vay vốn ngắn hạn với quy mô nhỏ.