09:47 26/04/2011

Vốn FDI: Bên trong lạc quan, bên ngoài vẫn ngại?

Anh Quân

Nhìn từ số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm 2011

Có thể, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trong giai đoạn thuận lợi đã tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt là ở những dự án có thể triển khai nhanh.
Có thể, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trong giai đoạn thuận lợi đã tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt là ở những dự án có thể triển khai nhanh.
Những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký từ trước dường như đánh giá về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam tích cực hơn, thể hiện qua các con số về vốn FDI giải ngân và tăng vốn trong 4 tháng đầu năm 2011.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư chưa “vào cuộc” thì có vẻ vẫn còn những lấn cấn nhất định, thể hiện trong chỉ tiêu về thu hút vốn đăng ký mới khá hạn chế, tính cho đến thời điểm này.

Nhà đầu tư “cũ” lạc quan

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 4/2011, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 1,08 tỷ USD, nâng tổng số vốn FDI giải ngân 4 tháng qua lên mức 3,62 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu như vốn giải ngân tăng biểu hiện cho những đánh giá tích cực của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh doanh sắp tới thì cũng cần lưu ý thêm, tốc độ tăng đang giảm dần cũng cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải giải quyết nếu không muốn đến một lúc nào đó, chỉ tiêu này chuyển thành âm.

Kể từ mức tăng khoảng 5% tại tháng 1/2011, 3 tháng nay tốc độ giải ngân so với cùng kỳ đang dần giảm tốc, qua các mức 4,5% của 2 tháng và 1,6% của 3 tháng…, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài.

Nhưng các con số về vốn đăng ký thì cho thấy cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài đã chắc chắn hơn. Chỉ tiêu này liên tục được cải thiện và đến tháng 4 đã lần đầu tiên tăng so với cùng kỳ ở mức khá cao.

Cụ thể, trong tháng 4/2011 đã có 51 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 485 triệu USD, cao hơn tổng số vốn của 3 tháng trước đó cộng lại. Tổng cộng đến thời điểm này đã có 88 dự án FDI đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 819 triệu USD, chỉ bằng 54,3% về số dự án nhưng tăng 36,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Có thể, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trong giai đoạn thuận lợi đã tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt là ở những dự án có thể triển khai nhanh.

Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu khí) trong 4 tháng đầu năm 2011 ước đạt 15,192 tỷ USD, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 56,4% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính dầu thô, khu vực này xuất khẩu 12,734 tỷ USD, chiếm 47,27% tổng xuất khẩu và tăng 36,2% so với cùng kỳ 2010.

Nhập khẩu của khu vực FDI tính đến cuối tháng 4 năm 2011 đạt 13,884 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 43,6% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, khu vực này đã xuất siêu khoảng 1,3 tỷ USD; nếu không tính xuất khẩu dầu thô thì nhập siêu 1,15 tỷ USD.

Nhà đầu tư mới phân vân

Nếu như dự án cũ đang “hưng phấn” thì những nhà đầu tư mới có thể còn phân vân. Tháng 4, có thêm 89 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 1,17 tỷ USD, cải thiện hơn khá nhiều so với tháng trước, nhưng vẫn chưa làm thay đổi căn bản kết quả chung cuộc.

Tính đến tháng này, đã có 262 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký trên 3,2 tỷ USD, chỉ bằng 58,7% so với cùng kỳ về số dự án và 45,1% về lượng vốn đăng ký. Số vốn thu hút mới, thậm chí, thấp hơn số vốn giải ngân cho đến thời điểm này.

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 4 tháng đầu năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 4,024 tỷ USD, chỉ bằng 52,2% so với cùng kỳ 2010. Mục tiêu thu hút vốn FDI năm nay rõ ràng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đã có một số dự án lớn được cấp phép trong 4 tháng đầu năm 2011, đáng chú ý là dự án First Solar Việt nam, do Singapore đầu tư tại Tp.HCM với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD; dự án Gamuda Land Việt Nam do Malaysia đầu tư, tổng vốn đầu tư 322,2 triệu USD tại Hà Nội; dự án Enfinity Ninh thuận với tổng vốn đầu tư 266 triệu USD do Hồng Kông đầu tư; dự án Wintek Việt Nam, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD do Samoa đầu tư tại Bắc Giang; dự án công ty Bến du thuyền Đà Nẵng của nhà đầu tư BritishVirgin Islands với tổng vốn đầu tư 174 triệu USD…

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được “quan tâm” hơn cả với 130 dự án đầu tư đăng ký với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,447 tỷ USD, chiếm 60,8% tổng vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, đứng thứ hai là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống với 3 dự án đầu tư mới, tổng vốn 350,68 triệu USD. Tiếp theo là lĩnh vực cấp nước, xử lý chất thải và lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với tổng số vốn đăng ký lần lượt là 322,21 triệu USD và 266 triệu USD.

Tính từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 1,128 tỷ USD; Hồng Kông đứng vị trí thứ hai với 521,11 triệu USD. Trong tháng 4/2011, Malaysia đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 391,08 triệu USD...

Tp.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 1,132 tỷ USD. Trong tháng này, Hà Nội đã vươn lên đứng thứ 2 với 430,48 triệu USD; Đà Nẵng đứng thứ 3 với 364,68 triệu USD…